BlackBerry: Ngặt nghèo "thập tử nhất sinh"

BlackBerry: Ngặt nghèo "thập tử nhất sinh"

BlackBerry: Ngặt nghèo thập tử nhất sinh

Canh bạc cuối

Khi BlackBerry bắt đầu công bố sẽ gia nhập hệ sinh thái Android và giới thiệu đến thị trường chiếc smartphone Priv, những người hâm mộ “Dâu đen” đã vô cùng vui mừng bởi cho rằng chỉ hệ điều hành này mới cứu được hãng điện thoại Canada.

Prive được đánh giá là “đứa con lai” hoàn hảo khi vừa chạy Android lại vừa sở hữu bàn phím vật lý. Và ngay khi được giới thiệu, Prive đã tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu, ít nhất là về mặt truyền thông.

“Thời gian sẽ trả lời” – Câu nói này luôn đúng. Quý I/2016, BlackBerry công bố bán ra 600.000 thiết bị di động, thấp hơn mức 850.000 mà các nhà phân tích phố Wall dự đoán. Và, để “chữa cháy” cho sự yếu kém của BlackBerry, CEO John Chen cho biết:  “Priv là một “sản phẩm quá cao cấp” với thị trường mục tiêu là khách hàng doanh nghiệp, đối tượng sẽ không chi tới 700 USD cho một chiếc smartphone.”

Thậm chí CEO của BlackBerry còn phải thừa nhận hãng đã không khôn ngoan khi cho ra mắt sản phẩm cao cấp như vậy.

“Rất nhiều khách hàng doanh nghiệp đã nói, họ muốn mua sản phẩm của tôi nhưng 700 USD là hơi nhiều. Giá 400 USD sẽ khiến họ sẵn sàng rút ví” – Chen bày tỏ.

Có vẻ như ngay cả Android cũng không thể cứu được BlackBerry, khi thậm chí hãng công bố thêm 2 mẫu smarphone chạy hệ điều hành của Google nhưng hoàn toàn không có một chút chú ý nào, ngay cả từ truyền thông. Chỉ một vài tờ báo đưa tin về thông tin này, khiến bức tranh về tương lai của

“Dâu đen” trở nên ảm đạm.

Thậm chí, nền tảng hệ điều hành của BlackBerry chắc chắn sẽ bị đóng cửa khi hàng loạt các nhà cung cấp dịch vụ tuyên bố không hỗ trợ. Gần đây nhất, Facebook và WhatsApp đã ngừng hỗ trợ các ứng dụng cho hệ điều hành BlackBerry BB10.

Trong khi “canh bạc Android” dường như sẽ khiến BlackBerry trắng tay thì CEO của hãng một lần nữa lại lên tiếng trấn an dư luận khi nhấn mạnh rằng, tính năng bảo mật của những chiếc BlackBerry Android sắp ra mắt sẽ hấp dẫn khách hàng tại các công ty, doanh nghiệp.

Khi BlackBerry bị xâm nhập

BlackBerry có lý do để tự hào về hệ thống bảo mật trên các thiết bị của họ. Mặc cho các đối thủ luôn đau đầu vì những thông tin bị hacker đánh cắp, BlackBerry luôn ung dung bởi nền tảng bảo mật của hãng là vô cùng an toàn. Tuy nhiên, một sự việc xảy ra vừa qua có thể khiến những tuyên bố hùng hồn của CEO Chen hoàn toàn sụp đổ.

Sự việc xảy ra khi một chiếc smartphone BlackBerry của một tên tội phạm giết người tại Canada đã bị xâm nhập và lấy đi cả triệu tin nhắn để làm bằng chứng chống lại anh ta ở trước tòa. Nhiều người nghi ngờ có sự nhúng tay của BlackBerry trong sự việc này.

CEO John Chen đã không phủ nhận việc đã giúp cảnh sát Canada nhưng trong phạm vi cho phép và cho rằng BlackBerry vẫn luôn tuân thủ các nguyên tắc của mình. Một số chuyên gia cho rằng, BlackBerry đã sử dụng một chìa khóa mã hóa toàn cầu trong phương pháp mã hóa của mình, và nếu BlackBerry không đưa chìa khóa thì cảnh sát Canada không thể xâm nhập vào được chiếc smartphone BlackBerry.

Giới quan sát cho rằng, BlackBerry đã hoàn toàn sai lầm khi đi một bước đi như vậy. Họ không giống như Apple khi sống chết bảo vệ nền tảng bảo mật của mình. Điều này, ít nhất sẽ khiến khách hàng cảm thấy an toàn.

Và, liệu còn ai dám sử dụng BlackBerry khi mà họ biết rằng dữ liệu của mình nhiều khả năng sẽ bị “bán đứng” bất cứ lúc nào và bất cứ khi nào.
Có vẻ hành động “dại dột” của BlackBerry đã xóa bỏ đi cơ hội sống sót  cuối cùng của thương hiệu từng có thời gian làm mưa làm gió này.

 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận