Sẽ cắt giảm 8 điều kiện kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử

Sẽ cắt giảm 8 điều kiện kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử

Sẽ cắt giảm 8 điều kiện kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử

Thương mại điện tử là 1 trong 17 ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương có đề xuất cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thông tin từ Bộ Công Thương vừa cho hay, ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định 3610a ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018.

Theo quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. “Con số này được Bộ Công Thương đưa ra sau hơn 2 tuần các đơn vị tiến hành rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực Bộ quản lý. 675 là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng”, Văn phòng Bộ Công Thương cho biết.

Bộ Công Thương cho biết, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được lãnh đạo Bộ này xác định là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo. Ngoài việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua, Bộ Công Thương cũng nghiêm tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, một trong những nguyên tắc trong thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh của Bộ Công Thương là chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh.

Việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh còn đảm bảo các nguyên tắc: phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện; đồng thời, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

Theo báo cáo của Tổ công tác về cải cách hành chính, tính đến ngày 20/9/2017, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã đồng loạt gửi kết quả rà soát trên tinh thần ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại cuộc họp ngày 15/9. Các đơn vị cũng đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trên nguyên tắc vì doanh nghiệp, người dân và sự phát triển bền vững của xã hội. Trong đó, tổng số điều kiện kinh doanh mà các đơn vị tiến hành rà soát là 1.216 trên 27 ngành, nghề, chưa tính đến ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28.

Cũng theo báo cáo của Tổ công tác, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát, có 10 ngành nghề không có đề xuất cắt giảm và 17 ngành nghề có đề xuất cắt giảm. Trong 17 ngành nghề có đề xuất cắt giảm, bên cạnh các ngành nghề: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; nhượng quyền thương mại; logistic; đa cấp…, còn có hoạt động thương mại điện tử.

Tổ công tác đánh giá, điểm đáng chú ý của đợt rà soát lần này là số lượng điều kiện kinh doanh mà các đơn vị đề xuất cao hơn so với dự kiến ban đầu hơn 60 điều kiện và lên tới con số 675 thay vì 612 điều kiện, chiếm 55,5% tổng số các điều kiện thay cho con số 50,3% dự kiến ban đầu.

Như vậy, sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541 thay vì con số dự kiến ban đầu là 752 điều kiện. Đây được coi là đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương với số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh bị cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay.

Riêng với ngành nghề hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) - một trong 17 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương có đề xuất cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lần này, số điều kiện được đề xuất cắt giảm là 8, bao gồm: Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet (quy định tại Điều 52 - Điều kiện thiết lập website TMĐT bán hàng của Nghị định 52 về TMĐT); Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet; Cấu trúc, tính năng và các mục thông tin chủ yếu trên website cung cấp dịch vụ (quy định tại Điều 54 - Điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT của Nghị định 52); nhóm điều kiện về hoạt động đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trong TMĐT (quy định tại Điều 62 của Nghị định 52); Yêu cầu về tài chính và yêu cầu về kỹ thuật: Bộ Công Thương quy định cụ thể yêu cầu về tài chính và kỹ thuật đối với thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (quy định tại Điều 63 - Điều kiện đối với cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử của Nghị định 52).

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trước đó, vào điểm tháng 10/2016, Bộ Công Thương cũng tiến hành một đợt cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo quyết định số 4.846, gồm: bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục, tương đương 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công Thương.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận