Sếp Huawei "bật mí" chuyện làm thương hiệu

Sếp Huawei "bật mí" chuyện làm thương hiệu

Năm 2015, Huawei lần đầu tiên được vinh danh trong “Top 100 Thương hiệu Toàn cầu” (Top 100 Global Brands) của BrandZ năm 2015. Đây là lần đầu tiên Huawei lọt vào danh sách BrandZ và là thành tựu tiếp nối sau khi hãng nằm trong danh sách Top 100 Thương hiệu Toàn cầu Tốt nhất của Interbrand vào năm ngoái.

Từ bỏ mô hình kinh doanh sản xuất những mẫu điện thoại di động giá rẻ, Huawei đã vươn lên để trở thành một thương hiệu được công nhận trên phạm vi toàn cầu, được coi như một đối thủ đáng gờm của Apple và Samsung.

Sếp Huawei bật mí chuyện làm thương hiệu
Ông Jim Xu chia sẻ về những "bí quyết" làm thương hiệu của Huawei

Theo ông Jim Xu - Phó Chủ tịch nhóm Kinh doanh Tiêu dùng (Consumer Business Group - CBG) Huawei, thành công đó đến từ một mạng lưới sáng tạo toàn cầu với 16 trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D được phân bổ ở khắp nơi trên thế giới (như San Francisco – Hoa Kỳ, Paris - Pháp, London - Anh, Moscow – Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, EU…).

Đặc biệt, có những con số ấn tượng như: 45% trong tổng số 170 ngàn nhân viên làm R&D, đầu tư trên 37 tỉ USD cho R&D trong suốt 10 năm qua, với tỷ lệ chi cho R&D luôn chiếm trên 10% doanh thu hàng năm của công ty…

Những thành tựu ấn tượng

Có thể thấy, trong những năm gần đây, Huawei đã thể hiện một diện mạo rất mới khi liên tục tăng bậc trên các bảng xếp hạng toàn cầu: Xếp hạng 88 trong Top 100 Thương hiệu Toàn cầu (The Best 100 Brands 2015) của Interbrand (năm 2014 xếp hạng 94); lần thứ hai liên tiếp có mặt trong danh sách uy tín BrandZ: “Top 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu 2016” và lần đầu tiên lọt danh sách top 20 thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tỉ lệ tăng trưởng 22%, vượt 20 bậc so với thứ hạng năm 2015.

Đặc biệt, năm 2016, Huawei xếp thứ 50 trong các thương hiệu có giá trị nhất thế giới với giá trị thương hiệu khoảng 18.652 triệu USD, lần đầu tiên lọt danh sách Top 20 thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tỉ lệ tăng trưởng 22%, vượt 20 bậc so với thứ hạng năm 2015 và thuộc Top 10 thương hiệu có giá trị nhất châu Á.

Đây là một thành tựu ấn tượng của Huawei, khi mà sự tăng trưởng của thị trường smartphone toàn cầu đang chậm lại khiến giá trị thương hiệu của Apple giảm 8%, nhường lại ngôi đầu cho Google; còn Samsung giảm 10%, tụt xuống vị trí thứ 48 trong bảng xếp hạng.

Trong buổi làm việc với đoàn nhà báo Việt Nam tại văn phòng Huawei tại Thâm Quyến, chiến lược New Thing đã được nhắc đến như một động lực quan trọng trong việc phát triển thương hiệu trên toàn cầu.

Để người dùng từ HIỂU đến TIN và YÊU

Huawei, Quảng bá thương hiệu, Top 100 Global Brands, Huawei P9, Jim Xu, P9 Leica, chiến dịch quảng bá thương hiệu, P9
P9 - sản phẩm hợp tác chiến lược giữa Huawei và Leica Camera AG, một trong những thành quả thể hiện sự sáng tạo của Huawei với lời giới thiệu "có thể tạo ra góc nhìn khác biệt cho thế giới của bạn"

Đó chính là bí quyết đầu tiên của Huawei khi ứng dụng vào việc quảng bá thương hiệu. "Triết lý của Huawei là dựa trên sự tín nhiệm, tin tưởng của người sử dụng”, Jim Xu nói. Thực chất, qua những gì vị lãnh đạo này diễn giải, bí quyết của Huawei có thể diễn đạt gọn gàng trong một quy trình - từ HIỂU đến TIN, rồi mới YÊU.

Theo đó, mục tiêu xây dựng thương hiệu của Huawei là tập trung vào người tiêu dùng, để họ hiểu hơn về văn hóa, chất lượng và dịch vụ của Huawei. Từ đó, thông qua các sản phẩm chất lượng, thương hiệu Huawei sẽ “ngấm” dần vào thói quen và hành vi tiêu dùng trên các thị trường toàn cầu, tiến đến tin tưởng, yêu mến.

Bí quyết thứ hai, quan trọng không kém, chính là việc đầu tư kiên trì và tập trung cho R&D để tạo ra những thành quả sáng tạo, đột phá. Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong chiến dịch quảng bá thương hiệu lớn nhất của họ gần đây – chiến dịch “Cú đột phá Huawei”.

Một ngư dân người Congo, một cỗ máy siêu gia tốc hạt, nữ vận động viên chạy nhanh nhất thế giới… Xuất hiện tại các sân bay và trên mạng Internet, quảng cáo trên bao gồm 3 pa-nô, mỗi tấm nắm bắt một khoảnh khắc đột phá khi sự tập trung, lòng kiên nhẫn, và nỗ lực chuẩn bị đem lại kết quả tuyệt vời.

Thông điệp toát ra từ những hình ảnh ấn tượng đó chính là những bước đi dẫn tới mỗi cú đột phá, cũng là chìa khóa để tìm hiểu chiến dịch quảng bá thương hiệu của Huawei và chính bản thân Huawei cùng nền tảng văn hóa doanh nghiệp và những giá trị cốt lõi.

Theo đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ ở mảng điện thoại di động của Huawei là một ví dụ hoàn hảo về sự tập trung, kiên trì, tầm nhìn dài hạn… mà sự "tưởng thưởng" chính là cú đột phá cùng những thành tựu được ghi nhận.

 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận