Tại sao Google đang chi khoản tiền kỉ lục cho vận động hành lang tại Mỹ?

Tại sao Google đang chi khoản tiền kỉ lục cho vận động hành lang tại Mỹ?

Khi mối đe dọa hiện hữu về luật chống độc quyền và kiểm soát quyền riêng tư của người dùng tới gần, Google đang chi ngày càng nhiều tiền hơn cho quá trình vận động hành lang. Tại Mỹ, chính trị và kinh doanh nên đi đôi với nhau và Google hiểu được điều này.

Tại sao Google đang chi khoản tiền kỉ lục cho vận động hành lang tại Mỹ?

Theo tờ báo Anh The Guardian, một báo cáo được phát hành từ tuần trước cho thấy Google đã chi tới gần 6 triệu USD cho việc vận động hành lang tại thủ đô Washington DC trong vòng 3 tháng qua. Điều này đã đưa gã khổng lồ của thung lũng Silicone trở thành công ty chi nhiều tiền nhất cho vận động hành lang tại Mỹ trong năm nay. Vào năm ngoái, Google đứng ở vị trí thứ 2, sau hãng Comcast.

Chính sách "Better Deal" mới của Đảng Dân chủ đe dọa sẽ gia tăng kiểm soát chống độc quyền, những dòng tweet ngẫu nhiên của Tổng thống Donald Trump lên án hãng công nghệ Amazon vì sở hữu tờ báo Washington Post trong thời gian gần đây và cựu cố vấn Tổng thống Steve Bannon cho rằng pháp luật nên thay đổi cách đối xử đối với Facebook và Google. Đó đều là những điều gây bất lợi cho Google và chúng sẽ thúc đẩy hãng chi thêm nhiều tiền hơn để vận động hành lang trong vài tháng tới.

Theo thống kê của hãng phân tích Precursor Consulting, Google là doanh nghiệp độc quyền lớn nhất nước Mỹ và kiểm soát 5 nền tảng web phổ biến nhất thế giới trong các lĩnh vực như tìm kiếm, video, di động, bản đồ và trình duyệt. Ngoài ra, Google còn dẫn đầu 13 trong tổng số 14 tính năng thương mại trền nền tảng web.

Như nhà đồng sáng lập Paypal Peter Thiel đã chỉ ra, các công ty như Google không thích quảng cáo cho sự thật này. "Họ nói dối để bảo vệ bản thân", ông Thiel nói, "Họ biết rằng khoe khoang về sự độc quyền là lời chào mời hấp dẫn cho những rắc rối như bị kiểm tra, kiểm toán và chỉ trích. Kể từ khi họ muốn có được lợi nhuận từ sự độc quyền nhưng không bị trừng phạt, họ sẽ có xu hướng che giấu bất cứ điều gì nói lên sự độc quyền của họ, thường là phóng đại về những cuộc cạnh tranh không hề tồn tại".

Khi chính trị trở thành một chi phí bắt buộc

Trong nhiều năm qua, các ngân hàng, công ty dầu mỏ và nhà thầu quốc phòng đã chi phối hoạt động vận động hành lang tại thủ đô Washington. Nhận thức được việc kiểm soát các hoạt động và hợp đồng của Chính phủ sẽ là chìa khóa cho thành công, cổ đông của nhiều công ty đã đồng ý chi hàng triệu USD cho các nhà vận động hành lang và coi các khoản đóng góp chính trị là một chi phí bắt buộc trong kinh doanh.

Vào năm 1992, khi Chính phủ điều tra về hành vi độc quyền của Microsoft, gã khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm này đã bị buộc tội vì quá chủ quan. Khi đó, Microsoft đã không hề để ý tới các nhà chính trị tại Washington cũng như chi bất cứ đồng nào cho việc vận động hành lang.

Tuy nhiên, mọi thứ đã sớm thay đổi. Google đã thực hiện các bước nhằm đảm bảo hãng có một vị trí quan trọng đối với các nhà lập pháp ở Washington ngay từ những đầu trở nên nổi tiếng. Năm 2002, Google chỉ tiêu chưa tới 50.000 USD cho các nhà vận động hàng lang. 10 năm sau, con số này đã lên tới 18 triệu USD.

Giờ đây, khi mối đe dọa hiện hữu về luật chống độc quyền và quản lý quyền riêng tư đang tới gần, Google đã đi tới kết luận giống như các ông lớn trong những ngành công nghiệp truyền thống. Đó là: giành được sự kiểm soát đối với các chính trị gia và cơ quan quản lý tại Washington là một chi phí bắt buộc trong kinh doanh.

Và Google đã không ngần ngại dùng mọi biện pháp để đạt được mục tiêu kể trên. Bằng chứng là Google đã thường thua kiện tại châu Âu nhưng lại hay thắng kiện Mỹ. Lý do không phải là do sự khác biệt về luật pháp tại hai nơi, đơn giản là vì Google được quan tòa ưu ái hơn so với các đối thủ khi giải quyết các vấn đề pháp lý tại Mỹ.

Kể từ sau khi số tiền được Google chi cho việc vận động hành lang đã vượt qua cả hãng máy bay Boeing, hãng đã có thể gây áp lực tới các nhà lập pháp và cơ quan quản lý của Mỹ. Ngoài ra, Google cũng có những công cụ giúp hãng triển khai nhiều quyền lực hơn bao giờ hết.

Vào năm 2012, Hạ viện Mỹ lúc đó đang xem xét Đạo luật Chống vi phạm bản quyền trực tuyến (Sopa). Đây là một đạo luật hạn chế nạn vi phạm bản quyền trên mạng bằng cách ngăn việc truy cập vào những trang web lưu trữ và giao dịch nội dung vi phạm bản quyền. Đặc biệt, đạo luật này cũng nhắm cả vào những công cụ tìm kiếm như Google vì có liên kết với các trang web vi phạm. 

Tại sao Google đang chi khoản tiền kỉ lục cho vận động hành lang tại Mỹ?

Google bôi đen trang chủ để phản đối đạo luật Sopa về chống vi phạm bản quyền trực tuyến.

Để đối phó, Google đã cho bôi đen trang chủ nhằm ám chỉ tới việc "kiểm duyệt" của Chính phủ và kèm theo đó là đường dẫn tới địa chỉ email để gửi thư phản đối cho Hạ viện. Trang chủ của Google có 1,8 tỷ lượt người truy cập trong vòng 24 giờ. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi tất cả máy chủ email của Hạ viện đều đã bị quá tải. Hai ngày sau, Chủ tịch Hội đồng tư pháp của Nhà trắng, Lamar Smith đã rút lại đạo luật.

Trên thực tế, Google có thể tranh thủ sự ủng hộ của nhiều nhà lập pháp tại Mỹ để tạo nên một cuộc chiến pháp lý chống lại Liên minh Châu Âu (EU), những nước luôn sẵn sàng điều chỉnh luật để gọi Google là một hãng độc quyền. "Các thượng nghị sĩ cũng như đảng viên của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã nhận được những khoản tiền đáng kể từ chiến dịch đóng góp trị giá hàng trăm ngàn USD của Google. Họ đã tác động đến nghị viện trong một loạt các vấn đề", một báo cáo của TheGuardian cho biết.

Sẽ có nhiều tiền hơn được chi cho chính trị

Một điều quan trọng cần phải lưu ý đó là Google không có tính trung lập về mặt chính trị. Mặc dù các CEO của Google thường có những bài phát biểu về quyền tự do của người đồng tính và người nhập cư, quan điểm của công ty này luôn rõ ràng là chính phủ không nên can thiệp vào việc kinh doanh. Cũng giống như những nỗ lực vận động hành lang trước đây của ngành ngân hàng nhằm nới lỏng các quy định tài chính, những nỗ lực của Google trong việc giữ khoảng cách của chính phủ đối với ngành công nghệ sẽ có nhiều ý nghĩa trong vòng 10 năm tới.

Phần lớn những cuộc vận động hành lang của Google là nhằm tới công việc kinh doanh trong tương lai của hãng, cụ thể là AI (trí tuệ nhân tạo). Google muốn thiết lập một lạng lưới AI cho tất cả các lĩnh vực từ kiểm soát giao thông, y tế, luật pháp và giáo dục trong tương lai.

Trong một bài phát biểu gần đây, CEO Elon Musk của Tesla cho biết:  "AI là một trường hợp hiếm hoi chúng ta cần phải điều chỉnh thay vì phản đối chúng". Là một người theo xu hướng cánh tả tại thung lũng Silicone, đây là lần hiếm hoi Elon Musk công nhận sự quan trọng của AI. Tuy nhiên, ông Musk vẫn không quên cảnh báo: "Chắc chắn AI sẽ cướp đi công việc. Bởi vì robot trong tương lai sẽ có khả năng làm mọi thứ tốt hơn chúng ta. Ý tôi là tất cả chúng ta".

Google và Facebook đều đã có những động thái phản đối lời phát biểu của Elon Musk vì ngụ ý muốn chính phủ can thiệp vào quá trình phát triển AI. Cả hai công ty này đều hiểu rằng họ đạt được thành công như ngày hôm nay là nhờ vào việc được phát triển trong một môi trường kinh doanh không bị can thiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, lần đầu tiên Google cảm thấy sự can thiệp của chính phủ đang tới gần với hàng loạt đạo luật bất lợi mới. Điều này khiến cho Google sẽ phải chi tiêu nhiều hơn trong số tiền 90 tỷ USD của hãng để phục vụ các hoạt động chính trị. Và các chính trị gia tại Washington đang sẵn lòng chờ để nhận được yêu cầu giúp đỡ từ hãng công nghệ này.

Nguyễn Long

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận