Tháng 7/2016: Trình Chính phủ cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Tháng 7/2016: Trình Chính phủ cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Tháng 7/2016: Trình Chính phủ cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Chính phủ đề nghị Trung ương Đoàn TNCS HCM xây dựng và phát  động phong trào khởi nghiệp gắn với đổi mới, sáng tạo trong  thanh niên và sinh viên (Trong ảnh: các bạn trẻ quan tâm đến khởi nghiệp tham gia Chương trình gặp gỡ nhà đầu tư với tên gọi Founder Fairytale do Innovatube tổ chức ngày 13/4/2016)

Nghị quyết số 49 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 vừa được ban hành ngày 7/6/2016. Tại Nghị quyết này, cùng với việc giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ KH&ĐT, GD&ĐT, Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2016, Chính phủ đề nghị Trung ương Đoàn TNCS HCM xây dựng và phát động phong trào khởi nghiệp gắn với đổi mới, sáng tạo trong thanh niên và sinh viên.

Trước đó, giữa tháng 5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm có khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung triển khai thời gian tới, trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ: Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đề xuất biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia và các quỹ của khu vực tư nhân nhằm tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao.

Bộ KH&ĐT cũng được giao nghiên cứu việc thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức đối tác công tư với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đối với Bộ KH&CN, Chính phủ yêu cầu Bộ này sớm triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/5/2016, với mục tiêu là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh.

Cũng theo Nghị quyết 35 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và Đoàn TNCS HCM xây dựng Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ vào quý I/2017; đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chú trọng đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo.

Tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội ngày 3/6/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho biết, hiện cả nước có hơn 900.000 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký kinh doanh nhưng thực tế chỉ có khoảng 520.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Với mục tiêu đến năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung chăm lo lượng doanh nghiệp hiện có; hỗ trợ, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp quốc gia; hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp khởi nghiệp, hướng đến xây dựng hệ thống doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển nhanh và bền vững bên cạnh những thành phần kinh tế khác.

Trao đổi trong phiên đối thoại chuyên đề “Khởi nghiệp và sáng tạo: Làm thế nào để thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo?” của Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho hay, từ năm 2011 Bộ KH&CN đã bắt đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Thời điểm đó, nói đến doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhiều người còn chưa hiểu những khái niệm cơ bản cho vấn đề khởi nghiệp như: quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần… Đến năm 2013, Bộ KH&CN đã xây dựng Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam, với đầu tư của Bộ cho Đề án này khoảng hơn 10 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, hoạt động của Đề án đã đưa đến sự ra đời, hình thành của rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam; đặc biệt có doanh nghiệp từ chỗ vốn đầu tư ban đầu chỉ được hỗ trợ khoảng vài chục ngàn USD/năm; thì đến nay đã gọi được vốn của các nhà đầu tư lên tới vài triệu USD.

Về Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, theo ông Tùng, Bộ KH&CN đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ và ngày tháng 5/2016 vừa qua Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Đây là sự kiện hết sức quan trọng đối với môi trường khởi nghiệp dựa vào đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”, ông Tùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng lưu ý, giữa khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khác nhau cả nguồn đầu vào, cả vai trò cũng như tác động của nó đến đời sống kinh tế xã hội. Nếu chỉ khởi nghiệp bình thường thì đó là hoạt động đầu tư. Nhưng nếu khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, tức là gắn liền với các kết quả nghiên cứu, với tri thức của xã hội, với các ý tưởng sáng tạo và nó đã được chuyển hóa thành những công nghệ. Những công nghệ đó được đưa vào các phương án sản xuất kinh doanh, do vậy sản phẩm đưa ra sẽ có giá trị, năng suất, chất lượng và có khả năng cạnh tranh rất cao trên thị trường, kể cả thị trường trong và ngoài nước.

Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Tùng cho rằng hiện nay có 3 nhóm vấn đề cần được tập trung giải quyết: một là, cần cải cách thật mạnh mẽ các thủ tục hành chính, thủ tục thành lập, cấp phép cho ra đời và hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp; hai là cần đổi mới mạnh mẽ các cơ chế chính sách để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp như các chính sách liên quan đến các vấn đề về thuế, đầu tư hay về việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam; ba là, cần tạo ra được hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có các vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực khởi nghiệp, tuyên truyền phổ biến hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư mạo hiểm…

“Với những chính sách như vậy, tôi hy vọng trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chúng ta sẽ đẩy mạnh được phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đó là lực lượng tham gia vào phong trào phát triển doanh nghiệp Việt Nam, đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020”, ông Tùng nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận