Những cáo buộc về âm mưu đảo chính của cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro

Những cáo buộc về âm mưu đảo chính của cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro

Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hiện bị tịch thu hộ chiếu và cấm xuất cảnh do liên quan đến âm mưu đảo chính

Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hiện bị tịch thu hộ chiếu và cấm xuất cảnh do liên quan đến âm mưu đảo chính

Cáo buộc gây chấn động dư luận

Trong ngày 8-2, cảnh sát đã tịch thu hộ chiếu của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro và cáo buộc ông chỉnh sửa dự thảo nhằm lật ngược kết quả bầu cử, gây áp lực buộc các chỉ huy quân sự tham gia âm mưu đảo chính và âm mưu bỏ tù 1 thẩm phán Tòa án Tối cao. Các cáo buộc gây chấn động dư luận này là kết quả của cuộc điều tra nhằm vào ông Bolsonaro cùng các nhân vật thân cận của ông trong âm mưu đảo chính quân sự sau khi ông thất bại trong cuộc bầu cử trước cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva vào năm 2022.

Hôm đó, cảnh sát Brazil đã mở các cuộc đột kích nhắm vào một số cố vấn và trợ lý của ông Jair Bolsanaro, bao gồm cựu Bộ trưởng Tư pháp Anderson Torres và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Walter Braga Netto (“phó tướng” của ông Jair Bolsonaro trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022). Cảnh sát Liên bang Brazil đã bắt giữ 4 người (trong đó có 2 phụ tá của ông Jair Bolsonaro) và thực hiện 33 lệnh khám xét nhằm vào “tổ chức tội phạm” định tiến hành một cuộc đảo chính nhằm giúp ông Jair Bolsonaro tiếp tục nắm quyền. Cuộc điều tra đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy những nỗ lực phối hợp truyền bá “tin tức giả” về gian lận bầu cử năm 2022 “để tạo điều kiện và hợp pháp hóa một cuộc can thiệp quân sự”.

Bản cáo trạng đối với ông Jair Bolsonaro dài 135 trang, dựa trên lời thú tội của Trung úy Mauro Cid (44 tuổi) - một nhân chứng vốn là thư ký riêng của cựu Tổng thống. Sau 4 tháng ngồi tù vì làm giả thẻ tiêm chủng, Trung úy Cid quyết định lên tiếng. Viên sĩ quan này đã cung cấp những thông tin có giá trị mà cảnh sát đang sử dụng để buộc tội ông Jair Bolsonaro và những nghi phạm còn lại.

Cảnh sát liên bang Brazil rời khỏi trụ sở của Đảng Tự do sau lệnh khám xét một số trợ lý hàng đầu của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro ở Brasilia ngày 8-2-2024

Cảnh sát liên bang Brazil rời khỏi trụ sở của Đảng Tự do sau lệnh khám xét một số trợ lý hàng đầu của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro ở Brasilia ngày 8-2-2024

Âm mưu đảo chính được hình thành thế nào?

Ngày 5-7-2022, chỉ còn 3 tháng nữa là đến vòng bầu cử đầu tiên ở Brazil. Thời điểm ấy, cuộc ganh đua chủ yếu giữa Tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro (đang tìm cách tái tranh cử) và cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva (người giữ chức vụ từ năm 2003 đến 2011 và mong thắng cử nhiệm kỳ thứ ba). Tổng thống Jair Bolsonaro tổ chức một cuộc gặp mặt chính thức tại điện Planalto với các bộ trưởng và quan chức cấp cao. Đoạn video ghi lại nội dung buổi họp (vừa được giải mật tuần trước) cho thấy, ông Jair Bolsonaro yêu cầu các bộ trưởng công khai đặt câu hỏi về tính an toàn của các thùng phiếu điện tử. “Họ đang sắp xếp mọi thứ để ứng viên Lula giành chiến thắng ở vòng đầu tiên. Đó là một sự lừa đảo. Tôi sẽ chỉ ra cách thức và tại sao đó lại là gian lận”.

Đoạn video đã được phát sóng trên các đài truyền hình hôm 9-2. Nó được cảnh sát tìm thấy trên một chiếc máy tính mà thư ký của ông Jair Bolsonaro để ở nhà. Trong đoạn video, ông Augusto Heleno - người đứng đầu Cục An ninh Brazil cảnh báo: “Nếu phải lật ngược tình thế thì việc đó phải diễn ra trước cuộc bầu cử. Ở đây không có VAR (trợ lý trọng tài video) như trong bóng đá”. Ông Bolsonaro tuyên bố thẳng thừng: “Tôi không nghi ngờ gì về những gì họ đang làm. Tôi sẽ bị lôi ra khỏi đây (dinh Tổng thống) và bỏ tù vì những hành vi phi dân chủ”.

Ngày 18-7-2022, Tổng thống Brazil tiếp đón một nhóm đại sứ nước ngoài. Ông phát biểu về việc nghi ngờ hệ thống bỏ phiếu điện tử mà không đưa ra bằng chứng. Các nhà ngoại giao có mặt ở đó đều rất ngạc nhiên. Vì cáo buộc không có cơ sở này, ông Bolsonaro sau đó đã bị loại khỏi tư cách tranh cử cho đến năm 2030.

Ngày 30-10-2022, ông Lula da Silva giành chiến thắng. Ứng cử viên cánh tả được 50,9% số phiếu ủng hộ, nhỉnh hơn so với 49,1% số phiếu ủng hộ của ứng cử viên cánh hữu Jair Bolsonaro. Ngày hôm sau, hàng chục nghìn người ủng hộ ông Bolsonaro tố cáo gian lận trước các doanh trại trên khắp Brazil. Họ cắm trại bên ngoài các cơ sở quân sự, yêu cầu quân đội can thiệp.

Ngày 19-11-2022, 3 trong số các chuyên gia pháp lý (hiện cũng nằm trong số nghi phạm âm mưu đảo chính) gặp ông Jair Bolsonaro tại Dinh Tổng thống. Họ mang đến bản dự thảo sắc lệnh đảo chính, dự tính hủy bỏ kết quả bầu cử và bắt giữ 2 thẩm phán Tòa án Tối cao cũng như Chủ tịch Thượng viện. Ông Jair Bolsonaro xem lại văn bản và yêu cầu một số sửa đổi. Vài ngày sau, ông nhận được một phiên bản khác có thêm phần dự kiến tổ chức bầu cử lại và bắt giữ Thẩm phán Tòa án Tối cao Alexandre de Moraes.

Ngày 7-12-2022, ông Jair Bolsonaro triệu tập các lãnh đạo quân đội gồm Tướng Marco Antonio Freire Gomes (Tư lệnh Lục quân), Tướng Carlos Baptista (Tư lệnh Không quân), Đô đốc Ailton Garnier (Tư lệnh Hải quân) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để trình bày sắc lệnh sửa đổi Hiến pháp. Người đứng đầu Hải quân chấp nhận ý tưởng này, nhưng những người đồng cấp của ông lại do dự. Vị đô đốc nói trên hiện bị cáo buộc âm mưu đảo chính.

Ngày 9-12-2022, thư ký riêng của ông Jair Bolsonaro gửi tin nhắn thoại WhatsApp tới người đứng đầu Lục quân để thuyết phục ông ta tham gia vào cuộc đảo chính. Cùng ngày hôm đó, Tướng Theophilo de Oliveira (Chỉ huy trưởng Binh chủng Bộ binh thuộc Quân chủng Lục quân) gặp ông Bolsonaro. Theo cáo trạng, nhân vật này đồng ý tham gia cuộc bạo động, miễn là Tổng thống ký sắc lệnh phê chuẩn điều đó.

Ngày 15-12-2022, còn 16 ngày nữa là nhiệm kỳ của ông Jair Bolsonaro kết thúc, Thư ký của Tổng thống trao đổi tin nhắn WhatsApp với một Đại tá của Lực lượng Đặc nhiệm để hỏi về tung tích của “giáo viên”. Người đối thoại trả lời: “Ông ta sẽ trở lại Brasilia để dự lễ nhậm chức của ông Lula”. Các nhà điều tra đã kết luận, “giáo viên” trên thực tế là Thẩm phán Moraes. Vị thẩm phán sau đó đã bị theo dõi chặt chẽ trong nhiều tuần.

Điềm báo tồi tệ với cựu Tổng thống

Ngày 1-1-2023, ông Lula da Silva làm lễ nhậm chức tại Brasilia, trong khi người tiền nhiệm của ông đã tới Florida để tránh không tham gia. Sự kiện lớn diễn ra hoàn toàn bình thường, có vẻ như ông Lula da Silva trở lại làm nguyên thủ quốc gia và ông Jair Bolsonaro đang chán nản ở Mỹ. Nhưng 1 tuần sau, bạo loạn bùng phát.

Chủ nhật ngày 8-1-2023, Brazil đang trong kỳ nghỉ năm mới. Hàng nghìn người ủng hộ ông Jair Bolsonaro đã cắm trại trước trụ sở quân đội rồi tràn xuống trụ sở của Chính phủ liên bang trong một cuộc tấn công vào trung tâm nền dân chủ của đất nước. Sau cuộc tấn công vào Thủ đô Brazil, những người ủng hộ ông Jair Bolsonaro tiếp tục tham gia các cuộc biểu tình trên khắp đất nước trong nhiều tháng. Phải mất hơn 1 năm, đến ngày 8-2-2024, cựu Tổng thống Jair Bolsonaro và 28 người khác chính thức bị buộc tội âm mưu đảo chính. Bốn người trong số họ là cố vấn của chính phủ tiền nhiệm đã bị giam giữ trong chiến dịch Tempus Veritatis (Thời khắc của sự thật).

Việc tịch thu hộ chiếu của ông Jair Bolsonaro là một điềm báo tồi tệ đối với nhà cựu lãnh đạo Brazil - một người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Cựu Tổng thống đã bị phán quyết là không đủ tư cách chính trị cho đến năm 2030 vì truyền bá thông tin sai lệch trong bầu cử và phải đối mặt với một số cuộc điều tra hình sự khác có thể khiến ông phải ngồi tù. Ông Jair Bolsonaro (còn có biệt danh là “Donald Trump của vùng nhiệt đới”) đang phải ở trong căn nhà mùa hè của mình và bị cấm xuất cảnh. Nhưng ông vẫn khẳng định mình vô tội và là đối tượng bị đàn áp chính trị.

Trước diễn biến mới nhất của sự việc, Tổng thống Brazil Lula da Silva nói rằng, ông hy vọng người tiền nhiệm “được suy đoán vô tội” và âm mưu đảo chính phải được điều tra để ngăn chặn. Nhưng “nếu không có ông Jair Bolsonaro thì sẽ không có âm mưu đảo chính” - ông Lula nhấn mạnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận