Ronald Haeberle và Kỷ niệm chương vì hòa bình - Bài 1: Vùng đất lửa Đức Phổ

Ronald Haeberle và Kỷ niệm chương vì hòa bình - Bài 1: Vùng đất lửa Đức Phổ

LTS: Cựu PV chiến trường Ronald Haeberle (sinh năm 1940), người công bố bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16-3-1968 gây chấn động thế giới về cuộc chiến ở Việt Nam. Ngày 15-6-2023, ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”.

Ronald Haeberle và Kỷ niệm chương vì hòa bình - Bài 1: Vùng đất lửa Đức Phổ ảnh 1

Ông Phan Anh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, trao kỷ niệm chương cho cựu PV chiến trường Mỹ Ronald Haeberle. Ảnh: Tư liệu

Đầu tháng 12-1967, chàng lính trẻ Ronald Haeberle, 27 tuổi, trên vai khoác hai chiếc máy ảnh Nikon-F và Leica với ánh mắt tò mò nhìn cảnh vật hoàn toàn mới lạ ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Dưới đôi mắt của chàng trai trẻ người Mỹ, vùng nhiệt đới bạt ngàn cây xanh, sông suối, núi non hiểm trở hiện ra.

Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 1967

Đầu năm 2022, mạng xã hội ở Việt Nam lan truyền video các em nhỏ ở Trường THCS Phổ Cường (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) hát bài chòi với làn điệu rất hay, trong đó có câu “Mẹ anh hùng con lại sá chi/ Bé 13 tuổi cũng đi diệt quân thù”. Ngôi trường này nằm cách nơi chàng lính trẻ Ronald Haeberle từng đặt chân tới huyện lỵ Đức Phổ 55 năm về trước chỉ chừng 3 km.

Năm 1967, lời bài chòi này đã bắt đầu được lan truyền khắp thôn xóm. Thời đó, việc tuyên truyền bằng các bài hò, vè, chòi là cách mà quân giải phóng giúp mọi người ghi nhớ, kể cả người không biết chữ.

Thời điểm chàng trai trẻ người Mỹ đến trùng với thời điểm phía du kích địa phương phát động bắn máy bay Mỹ và đám trẻ nhỏ cũng được giao nhiệm vụ nắm tình hình. Tất nhiên, Ronald Haeberle không hề hay biết về chuyện này.

Ronald Haeberle thường vác máy ảnh đi chụp khắp nơi. Anh thích chụp những đứa trẻ. Những đứa trẻ gầy gò, da đen nhẻm; có đứa nhe hàm răng sún và nở nụ cười, mượn chiếc mũ làm bằng vải bố của lính Mỹ và làm dáng cho anh chụp ảnh.

Ronald Haeberle mô tả ký ức đầu tiên khi anh đặt chân tới vùng chảo lửa chiến tranh, đó là “một đoạn núi Dàng cứ bốc cháy suốt đêm, rồi tiếng mìn nổ và có lẽ là mìn từ thời Pháp còn vương vãi, hết vụ nổ này đến vụ nổ khác rất đáng sợ”.

Năm 2018, nhân dịp tưởng niệm người dân bị thảm sát ở Sơn Mỹ, tôi được gặp và làm quen với người cựu binh Mỹ Ronald Haeberle. Sau đó, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau.

Có lẽ dấu ấn ấy vẫn còn làm cho người cựu binh băn khoăn khi nhớ về nó, cho nên mãi đến sau này, vào tháng 3-2023, khi nhắc đến núi Dàng, Ronald Haeberle vẫn gặng hỏi tôi: “Mìn thời Pháp để lại hay ai đã đặt nó?”.

“Chỉ cần in câu chuyện này lên báo và không đòi hỏi phải trả nhuận bút, sự thật cần được công bố.”

Cầu Măng Găng

Ngay giữa thị xã Đức Phổ có một ngọn núi thấp, gọi là núi Dàng, cách khoảng 3 km về phía đông, gần sát biển có một ngọn núi nhỏ khác gọi là núi Cửa. Lính Mỹ thuộc Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 5 Thủy quân lục chiến đồn trú và đặt các ổ hỏa lực trên đỉnh hai ngọn núi này để yểm trợ Sư đoàn kỵ binh.

Có một điều mà Ronald Haeberle không hề hay biết, đó là du kích địa phương không ẩn nấp đâu xa, họ đào hầm ngay trên lưng hai ngọn núi này theo phương châm “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”.

BS Huỳnh Thanh Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Phổ, kể câu chuyện về thời điểm mình tham gia cầm súng, trở thành du kích và đã trú ẩn ngay trên lưng ngọn núi Dàng. Câu chuyện cho thấy ngay tại huyện lỵ Đức Phổ, nơi Mỹ đặt một căn cứ quân sự rất lớn, sân bay dã chiến Gò Hội, với đủ các loại vũ khí tối tân nhưng du kích không hề rút ra xa. Du kích ở ngay sát nách lính Mỹ và sử dụng mìn - một loại vũ khí sát thương hiệu quả nhất để chiến đấu.

Mỗi khi trời sập tối, lính Mỹ rút vào các căn cứ. Khi trời hửng sáng thì việc đầu tiên là lính Mỹ phải cho xe chạy dọc tuyến đường quốc lộ từ thị trấn Đức Phổ ra thị trấn Trà Câu để rà phá mìn.

Ronald Haeberle và Kỷ niệm chương vì hòa bình - Bài 1: Vùng đất lửa Đức Phổ ảnh 2

Ronald Haeberle tại chiến trường Quảng Ngãi năm 1967. Ảnh: NVCC

Cầu Măng Găng nằm ở ven thị trấn Đức Phổ. Cây cầu này chỉ dài chừng 120 m nhưng là nơi đẫm máu nhất. Rất nhiều căn hầm bí mật được đào và du kích ẩn mình cả ngày dưới căn hầm ẩm ướt. Họ nằm im và thở qua lỗ thông hơi nhưng đêm xuống thì ngoi lên mặt đất, đặt mìn ngay cầu Măng Găng. Cứ sáng sớm, những người lính ở đơn vị của Ronald Haeberle lại đi rà mìn dọc đường, sau đó thì mọi thứ mới chính thức mở cửa.

Sau này, nhiều du kích cho biết khi chui xuống hầm bí mật và ngồi thở qua một ống thông hơi đặt giữa bụi cỏ, đầu ống thông hơi luôn được bôi ớt cay, vì vậy chó béc giê càng ngửi thì càng bị sặc. Thầy giáo Đoàn Thạch Biền (một người sống ở địa phương) từng chứng kiến việc hầm bí mật cũng có lúc bị phát hiện, bị bắt hoặc hy sinh.

Vừa qua, ông Ronald Haeberle đã đến Quảng Ngãi và đồng ý trưng bày bộ ảnh (gồm 40 ảnh đen trắng, 20 ảnh màu) vụ thảm sát Sơn Mỹ tại khu chứng tích Sơn Mỹ (nay thuộc xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi).

Chứng kiến cuộc thảm sát ở Mỹ Lai

Các đơn vị lính Mỹ đồn trú tại huyện Đức Phổ nhưng liên tục cơ động khắp nơi bằng chiến thuật kỵ binh bay trên những chiếc trực thăng UH-1. Ngày 16-3-1968, Đại đội Charlie thuộc Tiểu đoàn số 1 từ Đức Phổ lên phi cơ bay khoảng 50 km ra làng Mỹ Lai nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Ngãi theo sự chỉ đạo của Đại úy Esnest Medina. Tin tức của tình báo Mỹ cho rằng có quân giải phóng ẩn nấp trong làng và phải giết sạch.

Ronald Haeberle có mặt trong đợt hành quân này và là PV chiến trường. Chứng kiến cuộc thảm sát, Ronald Haeberle cảm thấy chấn động, anh suy nghĩ rất nhiều về những người bị cho là cộng sản thực ra chỉ là những người dân nghèo khổ và trong tay không có vũ khí.

“Tôi quyết định gặp biên tập viên một tờ báo và từng là bạn thời cùng học đại học, ông là một cây bút của tờ Plain Dealer rồi kể tất cả và hối thúc rằng tôi chỉ cần in lên báo câu chuyện này và không đòi hỏi phải trả nhuận bút, sự thật cần được công bố” - cựu binh người Mỹ Ronald Heaberle cho biết.

Kỳ sau: Nỗi ám ảnh chiến tranh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận