Chiếc Fujifilm không còn đẹp nhưng mạnh so với chuẩn

Chiếc Fujifilm không còn đẹp nhưng mạnh so với chuẩn

Theo trung tâm phân tích dữ liệu Nikkei, Fujifilm là một trong top 5 thương hiệu máy ảnh toàn cầu, nhưng chỉ chiếm thị phần khoảng hơn 5%. Nhiều người có ấn tượng đây là hãng máy ảnh với thiết kế hoài cổ, màu phim lạ, thường được coi là mẫu máy hướng đến "chơi" hơn là nhu cầu làm việc chuyên nghiệp.

Ngược lại, khách hàng có nhu cầu dùng máy ảnh để kiếm tiền là đối tượng được Sony, Canon, Nikon nhắm tới. Dòng máy X-S mới, với đại diện gần nhất là X-S20, là sản phẩm để Fujifilm tìm cách mở rộng tập khách hàng của mình.

Nhiều khác biệt so với ấn tượng thông thường

Là người nhiều năm dùng máy ảnh vì mục đích công việc, từ các dòng crop lên Full-Frame, tôi thấy rằng sự thực dụng, đáng tin cậy là điều sẽ khiến mình gắn bó với một thương hiệu máy ảnh.

Trước dòng X-S, tôi đánh giá Fujifilm là hãng camera tập trung vào ngoại hình thay vì công nghệ cao ở phân khúc trung cấp. Nhiều yếu tố trên thiết bị ngăn cản tôi “chuyển hệ”, dù bị hấp dẫn bởi các giả lập màu phim.

Khi dòng X-S10 ra mắt, tôi mới dần cân nhắc một chiếc Fujifilm cho công việc. Mẫu S20 là sản phẩm tiếp theo, hấp dẫn người dùng cần thông số cho việc chụp hình, quay phim. Các yếu tố khác trên máy cũng tạo ra sự tin cậy về khả năng “làm nghề”.

Mẫu S20 có ít đặc điểm của máy ảnh Fujifilm như T hay E series. Sản phẩm không có vẻ ngoài bắt mắt, thu hút về thiết kế. Đây là một chiếc máy ảnh mirrorless (không gương lật) hiện đại, ít màu sắc để lựa chọn. Bề ngoài, X-S20 trông giống một chiếc Canon hoặc Sony hơn là máy hình Fujifilm.

Máy cũng không có vòng xoay riêng cho tốc độ, ISO mà đều là vòng tùy chỉnh được chức năng. Thanh gạt để chuyển chế độ lấy nét ở mặt trước cũng bị loại bỏ.

Tổng thể, X-S20 không phải là một chiếc máy "đẹp" kiểu Fujifilm, khó thu hút người dùng thích ngoại hình hay có thể dùng làm phụ kiện thời trang. Với những nhu cầu như vậy, X-T, X-E hay dòng compact X100 phù hợp hơn hẳn. Gần đây, Nikon cũng tham gia vào thị trường “máy ảnh kiểu phim” với model Z FC.

Đổi ngoại hình lấy hiệu năng

Không có ngoại hình hấp dẫn, nhà sản xuất tập trung vào các tính năng bên trong thiết bị để tối ưu trải nghiệm của người làm việc, kiếm tiền từ chiếc máy ảnh.

Đầu tiên, báng máy dày hơn giúp tôi cầm trên tay lâu mà không bị mỏi. Vị trí này còn giúp chiếc máy cân bằng khi cầm một tay và điều khiển. Trong thực tế sử dụng, người dùng thường khó cầm chắc máy ảnh bởi một tay giữ và chỉnh ống kính. Tay còn lại ngoài việc cầm máy ảnh, còn phải thực hiện nhiều thao tác với vòng xoay, phím bấm. X-S20 là chiếc máy ảnh Fujifilm có thiết kế thân thiện cho trải nghiệm nhất tôi từng dùng qua.


review fujifilm xs 20 anh 6

Pin lớn, đặt dọc trên báng cầm to hơn là điểm cộng cho mẫu X-S20. Ảnh: Xuân Sang.

Báng cầm to cũng tạo ra không gian để trang bị pin NP-W235 mới, dung lượng cao hơn và đặt theo chiều dọc. Các dòng máy Fujifilm khác đặt pin nằm ngang, gây khó khăn khi người dùng cần thao tác lúc máy gắn trên tripod hoặc gimbal.

Mẫu máy ảnh mới của Fujifilm sử dụng cảm biến X-Trans 4 tương tự đời trước, độ phân giải 26,1 MP. Khác biệt về cấu hình nằm ở con chip X-Processor 5 hỗ trợ lấy nét, quay phim tốt hơn.

Từng có hơn 2 năm dùng X-S10, tôi cho rằng chất lượng hình ảnh của mẫu mới không khác nhiều. Đây là thiết bị có thể xử lý tốt trong vùng ISO 6.400. Ở khu vực cao hơn, sản phẩm sẽ để lộ điểm yếu. Đây là điều khó tránh khỏi ở máy ảnh cảm biến crop. Tuy nhiên, việc xử lý nhiễu hạt của các mẫu Sony như A6600, A6700 vẫn ổn hơn X-S20 ở thời điểm hiện tại.

Điểm mạnh của thiết bị nằm ở khả năng lấy nét nhanh, bắt chủ thể chính xác. AI của Fujifilm hiện nhận diện được nhiều hơn, gồm cả động vật, phương tiện. Trong một số điều kiện thiếu sáng nặng, chiếc máy vẫn bắt nét chính xác, khiến tôi bất ngờ.

X-S20 cũng được trang bị lượng giả lập màu phim đồ sộ. Người dùng có nhiều tùy chọn hơn khi chụp ảnh. Những bức ảnh chụp qua bộ lọc này thường có thể sử dụng luôn, không cần chỉnh sửa. Bên cạnh đó, máy còn có các công cụ cho phép can thiệp sâu hơn vào quá trình xử lý ảnh. Với nhiều công thức màu được chia sẻ trên Internet, tôi có thể sao chép hoặc cá nhân hóa một kiểu theo sở thích cá nhân.

Điều khiến thiết bị này khác biệt là tính năng quay phim. X-S20 được trang bị chức năng ghi hình mạnh nhất trong phân khúc. Sản phẩm có thể quay phim ở độ phân giải tối đa 6,2 K, 30 FPS, 10 bit màu, RAW. Nhưng tùy chọn này chỉ khả dụng với thiết bị encode ngoài.

review fujifilm xs 20 anh 16

X-S20 có thể quay phim RAW đến độ phân giải 6,2 K. Ảnh: Xuân Sang.

Khả năng ghi vào thẻ của máy có thể đạt tối đa tại 4K DCI 60 FPS cùng bitrate rất cao. Trong tầm giá trên 30 triệu đồng, các mẫu máy khác không có thông số quay cao như vậy.

Tiêu chuẩn video đăng tải lên mạng xã hội ngày càng cao. Trong đó, tôi cho rằng 10 bit là trang bị người dùng mới cần chú ý khi lựa chọn máy ảnh để quay phim hiện tại. Giải pháp này cho ra khung hình có độ sâu hàng tỷ màu, thay vì khoảng 16 triệu như 8 bit. Nhờ đó, việc hậu kỳ trở nên dễ dàng hơn. Profile F-log 2 trên X S20 cũng khá dễ xử lý để cho ra kết quả nịnh mắt, màu da tươi sáng.

Nhiều điểm cắt giảm đáng tiếc

Model mới ra mắt của Fujifilm là sản phẩm có nhiều chức năng tốt, đặc biệt tại hạng mục quay phim. Đổi lại, nhà sản xuất có một số cắt giảm để cân bằng giá thành.

Về ngoại hình, X-S20 không đem lại cảm giác chắc chắn. Nhất là khi gắn những ống kính nặng như XF 16-55 mm f/2.8 hoặc 56 mm f/1.2, thiết bị trở nên mất cân bằng. Máy cũng không có các chứng chỉ chống chịu nhiệt độ, kháng nước như mẫu X-T cao cấp hơn.

review fujifilm xs 20 anh 17

Chiếc máy ảnh không có hoàn thiện cứng cáp, vật liệu cao cấp như dòng X-T. Ảnh: Xuân Sang.

Trên một thiết bị làm việc chuyên nghiệp, chỉ hỗ trợ một khe thẻ SD cũng là điểm trừ. Thẻ nhớ lại đặt cạnh pin, tỏa nhiều nhiệt, tồn tại nguy cơ ảnh hưởng đến độ bền. Với người chụp ảnh, quay phim, mất tập tin vì hỏng thẻ nhớ là một trong những lo ngại lớn nhất.

Mặt khác, thói quen sử dụng máy ảnh của tôi là dùng các vòng xoay điều chỉnh, hạn chế bấm nhiều tổ hợp phím. Tuy nhiên, S20 lại ít hơn các máy Fujifilm khác một bánh răng. Do vậy, trong một số trường hợp chụp tại chế độ M (tùy chỉnh hoàn toàn), việc thao tác của tôi không đảm bảo được tốc độ.

S20 là sản phẩm tốt nhất trong tầm giá 30 triệu đồng cho nhu cầu quay phim. Với những chức năng hiện có, sản phẩm có thể phục vụ nhu cầu quay quảng cáo, TVC, MV ở mức độ bán chuyên. Hai đối thủ lớn nhất của S20 cho tác vụ này là FX 30 Sony và Panasonic GH5. Hai model này giá cao hơn, nhưng được trang bị thêm công nghệ tản nhiệt cho nhu cầu ghi hình liên tục.

Chức năng chụp hình của thiết bị không khác nhiều đời S10. Nâng cấp lớn nhất ở mảng này có thể là giả lập màu phim mới Nostalgic Negative, phù hợp cho ảnh phong cảnh. Ở giá 30 triệu đồng, Canon EOS RP, Nikon Z5 là những máy có cảm biến Full-Frame, đảm bảo chất lượng ảnh chụp chất lượng cao hơn dòng crop. Tuy nhiên, những dòng máy này hiện có ít tùy chọn ống kính và giá cao.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận