Xác định kỹ thuật công nghệ là cốt lõi
Từ công ty sản xuất pin chỉ với 25 nhân viên vào năm 1995, chỉ chưa đầy 30 năm, BYD vươn mình trở thành đế chế ô tô năng lượng mới hàng đầu thế giới với 650.000 nhân viên, hoạt động đa ngành bao gồm điện tử, ô tô, năng lượng mới và đường sắt giao thông.
Với doanh thu năm tài chính 2023 vượt mốc 80 tỉ USD, nhiều năm liên tục tăng trưởng gấp đôi, sự vươn lên mạnh mẽ của BYD khiến cả thế giới kinh ngạc. Chìa khóa thành công được những người đứng đầu của hãng bật mí chính là tập trung tất cả cho công nghệ. Hiện có đến 90.000 kỹ thuật viên được chiêu mộ vào bộ phận nghiên cứu, phát triển kỹ thuật tại 11 trung tâm nghiên cứu khắp Trung Quốc. Ngay tại "tổng hành dinh" Thâm Quyến (Trung Quốc), BYD gây chú ý khi trưng bày hàng ngàn bản quyền sáng chế ngay sảnh, giới thiệu với khách tham quan số lượng bằng chứng nhận sáng tạo nhiều nhất thế giới, trong đó nhiều kỹ thuật đến nay vẫn chưa tung ra.
Từng là đối tác sản xuất pin cho các hãng điện thoại lớn những năm đầu 2000 là Nokia, Motorola... BYD nhanh nhạy nắm bắt sự thay đổi của thị trường cùng với xu hướng của ngành năng lượng mặt trời và xe điện. Mỗi khi bước vào những lĩnh vực mới, BYD ưu tiên mở loạt trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm với con số đầu tư khủng.
Ông Liu Xue Liang, Tổng giám đốc BYD khu vực châu Á Thái Bình Dương, cho biết bức tranh ngành công nghệ kỹ thuật khi ấy không ai đoán được. Thời thịnh vượng, Nokia chiếm lĩnh 30-40% thị phần toàn cầu thì BYD đã là nhà cung cấp pin hàng đầu. Năm 2007, khi iPhone xuất hiện thì Nokia cũng không coi là đối thủ.
Nhận thấy không thể chỉ sản xuất pin cho các dòng điện thoại truyền thống, BYD nuôi mộng mở hướng đi mới với sự giúp sức của các nhà đầu tư, trong đó có tỉ phú Warren Buffet. "Đến ngày hôm nay, chúng tôi nhận thấy việc theo đuổi sự phát triển không ngừng của công nghệ mới là định hướng tương lai", ông Liu Xue Liang nhấn mạnh.
Hôm 25.4, tại triển lãm ô tô Bắc Kinh, BYD công bố phát minh pin mới thế hệ thứ 5 giúp xe hơi chạy được quãng đường liên tục 2.000km. Hãng khẳng định sẽ không ngừng phát triển công nghệ như pin blade, nền tảng e-Platform 3.0, công nghệ Cell To Body, công nghệ DM-i (Dual-Mode intelligent)... để tồn tại bền vững.
Tập trung vào các giải pháp năng lượng sạch
Khi vẫn sản xuất linh kiện cho các hãng công nghệ như Xiaomi, Oppo, Huawei..., năm 2007 BYD bất ngờ công bố sản xuất xe buýt điện. Khi ấy mức ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc khá nặng nề, đất nước tỉ dân sở hữu nhiều nguồn nhiên liệu từ than và các khoáng sản nhưng lại thiếu xăng, phải nhập khẩu đến 70% để phục vụ nhu cầu vận tải.
Thời điểm đó một chiếc xe buýt phát thải bằng 33 xe con khiến chính quyền Bắc Kinh đưa ra nhiều chính sách để giảm phát thải, trong đó có điện hóa xe buýt. Nắm giữ nhiều công nghệ kỹ thuật pin sạc tiên tiến bấy giờ, BYD dễ dàng bước vào sản xuất xe buýt sạc điện, chiếm lĩnh thị trường rồi xuất khẩu sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở Nhật Bản, thị phần xe buýt điện BYD chiếm tới 70%.
Đại diện BYD cho biết dấu mốc lớn là ở thời điểm cách đây 16 năm, hãng chính thức bước vào lĩnh vực xe hơi năng lượng mới. Khi đó, rất nhiều người bày tỏ hoang mang, ngờ vực trước tham vọng của BYD.
"Họ nói chúng tôi sản xuất pin thì biết gì sản xuất ô tô. Lúc đó chúng tôi thấy mình giống như những nhà sản xuất iPhone ở năm 2007, chẳng ai sẽ tin xe điện sẽ tràn ngập khắp Trung Quốc", ông Liu chia sẻ.
Khi không có nhiều nhà cung cấp linh kiện xe hơi năng lượng mới và nhà đầu tư trạm sạc, hãng mạnh dạn tự sản xuất, giúp quy trình khép kín đến 85%. Hiện chỉ trừ kính và lốp xe phải nhập từ bên ngoài, BYD đã sản xuất hầu như trọn vẹn xe buýt, xe hơi, tàu điện.
Với tốc độ 20 giây mỗi chiếc, BYD hiện đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất ô tô điện số 1 thế giới. Năm 2023, hãng chạm mốc 7 triệu chiếc trên toàn cầu.
Có mặt tại Thâm Quyến, đoàn nhà báo Việt Nam được trải nghiệm Skyshuttle, tàu điện trên không do BYD sản xuất. Không chỉ ấn tượng với vẻ ngoài hiện đại, Skyshuttle còn có nhiều tính năng tiên tiến như tự động sạc, tự động lái, tự rửa, cách âm... Giá thành đầu tư Skyshuttle chỉ bằng 1/10 so với việc đầu tư tàu điện ngầm, mỗi km khoảng 10 triệu nhân dân tệ.
Điều để lại sự quan tâm cho chúng tôi là việc xử lý lượng pin khổng lồ sau khi hết sử dụng. Theo chia sẻ của đại diện BYD, hãng đã đặt ra mục tiêu giảm lượng phát thải cacbon về mức 0%, đặc biệt là tập trung vào các giải pháp năng lượng sạch, bao gồm giao thông đô thị điện và lưu trữ năng lượng tái tạo, giảm thải hiệu ứng nhà kính toàn cầu với mục tiêu "Làm mát trái đất bằng 1°C" (Cool the earth by 1°C), truyền cảm hứng về một tương lai phát triển bền vững.
"Về trách nhiệm với môi trường, chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại các nước với một quy trình chung khi sản xuất. Khi phát triển xe điện chúng tôi cũng có tái chế pin và các thành phần trong pin hầu như không gây ô nhiễm khi không có nhiều kim loại nặng. BYD sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", ông Liu khẳng định.
Trước khi bước vào thị trường Việt Nam, xe điện BYD đã tạo cơn sốt ở Đông Nam Á bao gồm Thái Lan với 40%, Malaysia với 44% thị phần... Hãng tự tin với sự nghiên cứu từ năm 2016 sẽ có được thuận lợi khi bước vào thị trường đất nước chữ S.
Ông Liu Xue Liang chia sẻ thêm: "Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi tại sao BYD nhiều năm qua chưa vào Việt Nam. Với chúng tôi, Việt Nam là thị trường quan trọng nên đặt mốc là thị trường cuối cùng ở Đông Nam Á phải chinh phục. Cái duyên với Việt Nam thật ra đã có từ lâu. Chúng tôi có nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Phú Thọ và cũng có kế hoạch mở nhà máy sản xuất xe điện vài năm tới. Trước mắt khi vào đây, chúng tôi mong hợp tác với Vinfast và các doanh nghiệp khác để thúc đẩy sự phát triển của xe điện, bởi chúng tôi biết rằng nếu chỉ dựa vào sức của một doanh nghiệp là rất khó".
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: thanhnien.vn
Tham gia bình luận