OpenCPS là một nỗ lực của cộng đồng phần mềm nguồn mở Việt Nam để góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. |
Phát biểu tại hội thảo hợp tác xây dựng dịch vụ công trực tuyến diễn ra ngày 5/5/2016, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam khẳng định, cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam hết sức hưởng ứng quyết tâm của Chính phủ và sẵn sàng đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử, theo Nghị quyết 36a.
“Chúng tôi tin tưởng rằng để xây dựng Chính phủ điện tử chất lượng cao, đảm bảo an ninh, chủ quyền cho kho dữ liệu của toàn dân, phát triển bền vững, không lệ thuộc vào nhà cung cấp giải pháp độc quyền, tôn trọng bản quyền và sở hữu trị tuệ mà Việt Nam đã cam kết với thế giới, giá thành hạ, bớt gánh nặng đầu tư cho ngân sách thì phần mềm nguồn mở là con đường tốt nhất, đúng nhất, nếu không nói là sự lựa chọn khả thi duy nhất”, ông Quang nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo nêu trên, Cộng đồng OpenCPS đã chính thức được ra mắt. Ông Trương Anh Tuấn, đại diện cộng đồng OpenCPS chia sẻ, OpenCPS là một nỗ lực của cộng đồng phần mềm nguồn mở Việt Nam để góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo ông Tuấn, đến nay đã có một số dịch vụ công trực tuyến được triển khai ở Việt Nam ở mức độ cao tại các tỉnh, thành phố cũng như một số bộ, ngành. Tuy nhiên, các nhược điểm cơ bản như thiếu mô hình thống nhất về triển khai, tiêu chuẩn về dữ liệu để liên thông, tích hợp dữ liệu và phụ thuộc công nghệ vào một số nhà thầu là một trong những rào cản lớn trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến theo tinh thần Nghị quyết 36a.
Để giải quyết các vấn đề trên, một số Công ty có kinh nghiệm đã cùng nhau phát triển hệ thống phần mềm OpenCPS để đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ công trực tuyến cho các Bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam.
Khởi nguồn từ ý tưởng của một số thành viên cốt cán của VFOSSA đã có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công và xây dựng cộng đồng phần mềm nguồn mở, ý tưởng đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của nhiều công ty có liên quan, đến nay OpenCPS đã có 13 thành viên là tổ chức, doanh nghiệp tự nguyện tham gia và đóng góp để cùng xây dựng nên một phần mềm lõi cho dịch vụ công trực tuyến theo đúng mô hình phát triển phần mềm nguồn mở với chuẩn quốc tế.
Đại diện cộng đồng OpenCPS cho biết, bắt đầu ý tưởng và thực thi công việc từ ngày 22/2/2016, đến 20/4/2016, phiên bản thử nghiệm của hệ thống phần mềm cho dịch vụ công trực tuyến mang tên OpenCPS đã ra đời. Phần mềm này sẽ được phát hành định kỳ 6 tháng/ lần với bản phát hành chính thức đầu tiên vào 15/5/2016. Dự kiến, phiên bản OpenCPS với đầy đủ các chức năng sẽ được ra mắt vào ngày 15/8/2016.
OpenCPS là phần mềm dịch vụ công trực tuyến được thiết kế tổng quát đáp ứng nghiệp vụ của tất cả các thủ tục hành chính theo quy định của Nhà nước. OpenCPS cung cấp giải pháp công nghệ sẵn sàng cho việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất (mức độ 4) và các mức độ thấp hơn mà không cần phải lập trình bổ sung ngoài phần xử lý nghiệp vụ cho từng chuyên ngành.
Được phát hành theo giấy phép nguồn mở AGPL, không có chi phí bản quyền, hoàn toàn chủ động công nghệ, kiểm soát về an ninh, bảo mật dữ liệu, đến thời điểm hiện tại, hệ thống phần mềm OpenCPS có 13 Công ty sẵn sàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ triển khai, bảo trì hệ thống và chắc chắn sẽ có nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Ngoài ra, OpenCPS còn có sự hỗ trợ của cộng đồng, công ty nguồn mở hàng đầu thế giới như Redhat và MariaDB để có thể triển khai các hệ thống lớn với hiệu năng cao, an toàn và bảo mật.
Cũng theo chia sẻ của đại diện Cộng đồng OpenCPS, phần mềm OpenCPS được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn về dữ liệu thủ tục hành chính, trao đổi dữ liệu kết quả thực hiện thủ tục hành chính đê tiến hành liên thông dữ liệu; từ đó minh bạch hóa quá trình thực hiện thủ tục hành chính cho các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp cũng như giảm thiểu thời gian, công sức.
Đặc biệt, OpenCPS có đầy đủ chức năng của các hệ thống dịch vụ công ở mức độ cao nhất như thanh toán trực tuyến, hóa đơn điện tử, tích hợp chữ ký số và xác thực điện tử giúp các giao dịch của doanh nghiệp và người dân với nhà nước thuận tiện, an toàn và bảo mật.
Riêng về vấn đề an toàn bảo mật trong hệ thống OpenCPS, ông Tuấn cho biết, có nhóm bảo mật riêng và coi trọng bảo mật từ hạ tầng đến ứng dụng, từ giai đoạn phát triển đến lúc triển khai, vận hành. Hiện nay, cùng với sự hỗ trợ của VNCERT, nhóm bảo mật của OpenCPS có sự tham gia của 3 công ty gồm NetNam, iWay và Velatex.
Cộng đồng OpenCPS được sự hỗ trợ về chính sách của Bộ TT&TT, sự bảo trợ của Hội Tin học Việt Nam, CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam và đặc biệt là những cộng đồng nguồn mở hàng đầu thế giới như Redhat, MariaDB. Bên cạnh các thành viên cá nhân, cộng đồng OpenCPS hiện có 13 thành viên tập thể là những công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như hạ tầng CNTT, an ninh mạng, phần mềm, dịch vụ chữ ký số, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử và tổng đài hỗ trợ, bao gồm: Công ty CP Bitsco, Công ty cổ phần CNTT và Viễn thông BSC (BSCSoft), Công ty TNHH Giải pháp phần mềm CMC (CMCSoft), Công ty cổ phần EcoIT, Trung tâm phát triển thương mại điện tử (Ecomviet), Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS, Công ty cổ phần giải pháp iWay, Công ty cổ phần công nghệ NSC, Công ty CP NetNam, Công ty TNHH Velatex, Công ty TNHH Việt Nam Đan Mạch (VidaGIS), Công ty CP phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) và ePacific Telecom.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: ictnews.vn
Tham gia bình luận