Cần đưa chuẩn kỹ năng CNTT vào đào tạo trong các trường phổ thông, trường nghề

Cần đưa chuẩn kỹ năng CNTT vào đào tạo trong các trường phổ thông, trường nghề

Cần đưa chuẩn kỹ năng CNTT vào đào tạo trong các trường phổ thông, trường nghề

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại tọa đàm "Triển khai, áp dụng chuẩn kỹ năng CNTT" diễn ra ngày 12/9/2017.

Hôm nay, ngày 12/9/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức tọa đàm “Triển khai, áp dụng chuẩn kỹ năng CNTT”. Được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ; đại diện các Sở TT&TT, GD&ĐT cùng đại diện các Hiệp hội, trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, hiện nay mọi người nói nhiều đến các xu thế công nghệ trên thế giới, đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, smart city… Trong bối cảnh đó, theo Thứ  trưởng, nguồn nhân lực chính là gốc của việc chúng ta có nắm bắt được cơ hội hay không. “Nếu không có nguồn nhân lực tốt, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nắm bắt được cơ hội”,  Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nhận định đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT là vấn đề hết sức quan trọng, Thứ trưởng cũng chỉ rõ, việc xây dựng các chuẩn kỹ năng CNTT, tổ chức đào tạo theo chuẩn kỹ năng để cấp chứng chỉ kỹ năng cũng là một phần của công tác  đào tạo nguồn nhân lực CNTT.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng, thời gian vừa qua, chúng ta có rất nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề tăng cường chất lượng đào tạo cũng như tăng cường chuẩn trong đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT&TT, trên thực tế, để chuẩn hóa nguồn nhân lực CNTT, thời gian qua, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 03 ngày 11/3/2014 quy định chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT bao gồm chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản và chuẩn kỹ năng CNTT nâng cao. Bộ TT&TT cũng đã ban hành Thông tư 11 ngày 5/5/2015 quy định chuẩn kỹ năng nhân  lực CNTT chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, để triển khai chuẩn kỹ  năng sử dụng CNTT tại các đại học, các cơ sở giáo dục, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ  GD&ĐT ban  hành Thông tư liên tịch 17 quy định tổ chức thi  và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT.

Thông tư liên tịch 17 chỉ giới hạn trong phạm vi Trung tâm sát hạch thuộc các trường Đại học, Học viện và thuộc quyền quản lý của các Sở GD&ĐT. Theo chia sẻ của đại diện Bộ GD&ĐT, đến nay, đã có 68 trường đại học và 16 Sở GD&ĐT đã triển khai Thông tư liên tịch 17:  có Trung tâm sát hạch, có ngân hàng đề thi, có phần mềm chấm thi…, chiếm khoảng 50% tổng số các trường đại học, Sở GD&ĐT trên cả nước.

“Điểm mới của Thông tư 17 là bỏ giấy phép con, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép mà giao quyền cho Hiệu trưởng các trường đại học và các Giám đốc Sở GD&ĐT việc công nhận cho các đơn vị sát hạch được làm; cơ quan quản lý thực hiện hậu kiểm thông qua việc kiểm tra. Mới đây chúng tôi có phối hợp cùng Bộ TT&TT tổ chức kiểm tra ”, vị đại diện này chia sẻ.

Về định hướng, hiện Cục CNTT - Bộ GD&ĐT đang cùng các chuyên gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, ngân hàng câu hỏi thi quốc gia về kỹ năng CNTT đã bắt đầu hình thành và dự kiến sẽ được chạy thử nghiệm trong năm nay.

Cần đưa chuẩn kỹ năng CNTT vào đào tạo trong các trường phổ thông, trường nghề

Đại diện Cục CNTT - Bộ GD&ĐT chia sẻ tại tọa đàm "Triển khai, áp dụng chuẩn kỹ năng CNTT".

Đại diện Cục CNTT - Bộ GD&ĐT cho hay, đối với việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và phần mềm quản lý dùng chung quốc gia, các câu hỏi thi được xây dựng theo hướng mô phỏng thực hành, gồm 6 module cơ bản và 9 module nâng cao. 

Đáng chú ý, đánh giá cao việc Bộ TT&TT ban hành Thông tư 03 quy định về chuẩn kỹ năng CNTT, nhiều đại biểu dự tọa đàm thống nhất đề xuất nên xem xét đưa giáo dục chuẩn kỹ năng CNTT cơ bản quy định trong Thông tư 03 vào chương trình giáo dục phổ thông và đưa các chuẩn kỹ năng về CNTT nâng cao vào chương trình giáo dục đại học chuyên ngành về CNTT.

Trao đổi tại tọa  đàm, Thứ trưởng Nguyên Thành Hưng nhấn mạnh, chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, không thể  thỏa mãn với những cái hiện nay chúng ta đang làm mà cần hướng tới mục tiêu chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế, hướng tới chuẩn của công dân quốc tế, công dân toàn cầu.

Cho rằng vấn đề quan trọng là phải làm thế nào để Việt Nam có đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng cho hay: “ Chúng ta không thể chỉ mua thiết bị, không chỉ có đầu tư mà chúng ta cần phải có những con người sử dụng tốt và có khả năng sáng tạo”.

Thứ  trưởng đánh giá cao và nhất trí với một số quan điểm được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm, đó là: các Bộ nên xem xét, đưa một phần chuẩn kỹ năng CNTT theo Thông tư 03 vào giáo dục phổ thông; đồng thời đưa chuẩn kỹ năng CNTT vào dạy trong các trường cao đẳng, dạy nghề; chuẩn kỹ năng CNTT chuyên nghiệp sẽ được dạy trong các trường đại học.

“Tôi cho rằng, nếu làm được việc này,  tức khắc chúng ta sẽ có nguồn nhân lực. Để làm được điều này, tôi nhất trí là một mình Bộ TT&TT không làm được. Sau tọa đàm, chúng tôi sẽ bàn thêm với các bộ để làm thế nào có văn bản pháp lý cao hơn của nhà nước định hướng vấn đề này, hướng tới xây dựng các kỹ năng của một công dân toàn cầu”, Thứ trưởng chia sẻ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ rõ thời gian tới, vẫn cần giải quyết những vấn đề trước mắt là đào tạo, thi cấp chứng chỉ kỹ năng CNTT. Thực tế, thời gian vừa qua, việc thi, cấp chứng chỉ có vấn đề. Do đó, trong thời gian tới, phải tiếp tục có sự điều chỉnh.

“Dứt khoát chúng ta phải thay đổi cách làm: quản chặt chất lượng thông qua ngân hàng đề thi chuẩn và thay đổi cách thi.  Phản làm thế nào để người học có thể học ở đâu cũng được, có thể tự học qua mạng, học qua các trung tâm… nhưng họ phải được thi, cấp chứng chỉ nếu đáp ứng yêu cầu. Đây là quan điểm xuyên suốt của chúng tôi, khi làm việc với Bộ GD&ĐT để nâng cao chất lượng đào tạo, thi kỹ năng CNTT”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng chỉ rõ: “Mặt khác, chúng ta cũng phải hướng đến việc làm thế nào được nguồn nhân lực có chất lượng chuyên nghiệp để hy vọng trong thời gian tới, nhiều cán bộ, chuyên gia của Việt Nam không những có thể làm tốt ở Việt Nam mà còn có cơ hội làm việc ở các nước trên thế giới, hội nhập với quốc tế. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải có chính sách để công nhận những chứng chỉ mà tổ chức quốc tế đã đào tạo, cấp”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận