Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam không thể mang dáng hình"quả mít"

Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam không thể mang dáng hình"quả mít"

Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam không thể mang dáng hìnhquả mít

Doanh nghiệp Việt Nam cần được kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh Internet.

Trao đổi tại hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua mang hình hài của quả mít, rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết được đâu là ưu tiên, đâu là đột phá. Giờ, điều này đến lúc buộc phải thay đổi.

Đồng quan điểm, giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) cho rằng Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp hóa vừa theo diện rộng vừa tiến sâu vào chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp, cần có chính sách khôn ngoan chọn lựa doanh nghiệp FDI và nuôi dưỡng các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập được thương hiệu riêng.

Giáo sư Trần Văn Thọ cũng cho rằng, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hoá đất nước chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định vì tình hình thay đổi thì chiến lược, chính sách cũng phải khác.

“Việt Nam chậm đưa ra các chính sách thích hợp và thiếu nỗ lực cải cách hệ thống quản lý hành chính, thiếu cán bộ quản lý có năng lực và trách nhiệm nên đã không thu hút được nhiều FDI trong các ngành liên quan các loại máy móc. Chiến lược quan trọng để phát triển các ngành liên quan đến máy móc là phải phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng rất tiếc hiện nay các ngành này ở Việt Nam còn rất yếu”, giáo sư Trần Văn Thọ lưu ý.

Tại hội thảo, giáo sư David Dapice (Đại học Havard, Mỹ) đặt vấn đề: Đến năm 2025 Việt Nam cần thay đổi những gì để tăng năng suất? Vị giáo sư Đại học Havard cho rằng, vấn đề thấy được ở đây là giá trị gia tăng thấp trong nhiều ngành xuất khẩu sản xuất. Hầu hết phụ kiện phải nhập khẩu và thậm chí sau một thập kỉ thì cũng rất hiếm có công ty sản xuất phụ tùng nhỏ nào của Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tại Đài Loan, Trung Quốc hay Hàn Quốc, cẩn phải giảm các khoản chi, nhất là các chi phí không chính thức là một vấn đề không chỉ giải quyết vấn đề tăng trường chậm hay nhanh mà còn là vì sự ổn định xã hội và chính trị.

Cũng theo các chuyên gia tại hội thảo, Việt Nam cần học hỏi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp của các quốc gia trên thế giới có nhiều thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…, đồng thời nhận diện những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn đối với phát triển công nghiệp đất nước trong thời gian tới.

Quá trình phát triển công nghiệp của các nước đều theo các giai đoạn tuần tự, phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh, trong đó ngành cơ khí chính xác có vai trò quan trọng đối với mọi nền công nghiệp.

Kinh nghiệm cũng cho thấy, nhiều chính sách công nghiệp thành công đều tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển theo định hướng trên cơ sở phân bố các nguồn lực hợp lý, theo cơ chế thị trường; dựa trên các trụ cột về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực với sự tham gia của các thành phần kinh tế dưới sự định hướng và dẫn dắt của nhà nước.

Nhà nước tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết cho công nghiệp tăng trưởng nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường, đẩy mạnh cạnh tranh, đồng thời hạn chế những khiếm khuyết do cơ chế thị trường đem lại.

Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam không thể mang dáng hìnhquả mít

Ngành công nghiệp Việt Nam còn khó cất cánh. Ảnh Internet.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: công nghiệp Việt Nam cần một hệ thống chính sách đồng bộ và hiệu quả, thực tiễn cho thấy, chúng ta không thiếu chính sách. Nhưng dường như, ngoài một số ít chính sách có hiệu quả, có tác động tạo sự đột phá thì còn nhiều chính sách được ban hành còn chưa kịp thời và ít tác dụng. Giải pháp trong thời gian tới là cần đổi mới tư duy khi xây dựng chính sách, thay vì chi tiếp cận theo hướng “đưa chính sách vào cuộc sống” cần kết hợp đồng bộ với “đưa cuộc sống vào chính sách”. Tức là, trên cơ sở các định hướng và mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn, phải xuất phát từ những đòi hỏi của cuộc sống để ban hành những chính sách phù hợp.

Cùng đó, các ưu đãi đề xuất cần phải được cân nhắc kỹ, căn cứ vào nguồn lực, để sau khi ban hành, chính sách có thể triển khai thực hiện được.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đưa ra một số gợi ý về cơ chế, chính sách cần được triển khai nhằm đưa công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong 20 năm tới như không đầu tư dàn trải vào tất cả các ngành, các lĩnh vực; tập trung tối đa vào một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng thương hiệu mạnh và chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Cần xác định phát triển thị trường hàng hóa là yếu tố quan trọng cho sự phát triển công nghiệp; cần liên kết, phát huy sức mạnh tổng thể của các thành phần kinh tế, khai thác mọi nguồn lực cho phát triển.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận