Các nhà mạng cần đảm bảo tốc độ kết nối 4G theo đúng cam kết

Các nhà mạng cần đảm bảo tốc độ kết nối 4G theo đúng cam kết

Các nhà mạng cần đảm bảo tốc độ kết nối 4G theo đúng cam kết

Để thu hồi vốn đã đầu tư cho 4G, các nhà mạng không còn con đường nào khác phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ nội dung.

Trao đổi tại tọa đàm “Phát triển đa dạng hóa dịch vụ 4G LTE nhằm mang lại chất lượng và hiệu quả cho tổ chức, người tiêu dùng” ngày 27/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số chia sẻ: từ năm 2015 đến năm 2021, số lượng các thiết bị kết nối Internet vạn vật (IoT) có mức tăng trưởng hàng năm vào khoảng 23%, trong đó IoT qua mạng di động có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất. Năm 2019, IoT sẽ mang lại 1,7 nghìn tỷ USD giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu thông qua việc nâng cao hiệu suất quản lý cho các hộ gia đình, các thành phố, chính phủ…

Trong bối cảnh đó, 4G LTE đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển. Đối với thị trường Việt Nam, sự phát triển của 4G LTE tuy chậm hơn một số quốc gia nhưng đến nay các nhà mạng đã chính thức triển khai với 3,5 triệu khách hàng. So với các nước trong khu vực được đánh giá là rẻ và dễ tiếp cận.

Cùng đó, theo ông Nguyễn Xuân Cường, công nghiệp nội dung số Việt Nam với sự kết hợp của CNTT, viễn thông và sản xuất nội dung đang phát triển mạnh với các dịch vụ nổi bật như báo điện tử, mạng xã hội, truyền hình số, đào tạo trực tuyến, game online, nhạc số…

Gần 1 thập kỷ qua, công nghiệp nội dung số Việt Nam đã có bước tiến khá dài. Những năm 2008 - 2014 đạt doanh thu từ 480 triệu USD lên 1,4 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 20% năm với 4500 doanh nghiệp, tạo việc làm cho 70.000 lao động.

Thị trường trong nước cũng nổi lên một số doanh nghiệp viễn thông, nội dung số như MobiFone, Viettel, VNPT, VTC, VNG, VCCorp… doanh thu từ vài trăm tỷ đồng mỗi năm.

Với thế mạnh về nguồn nhân lực và chất lượng lao động, Việt Nam đang là thị trường vườn ươm khởi nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực nội dung số. Khi IoT phát triển cùng với công nghệ 4G LTE, các dịch vụ nổi bật của công nghiệp nội dung số như mạng xã hội, truyền hình số, đào tạo trực tuyến, thành phố thông minh, thương mại điện tử… sẽ có bước phát triển mạnh, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu mới.

“4G thực sự đã tạo ra xa lộ thông tin để phát triển. Việc gia tăng thuê bao 4G với các ứng dụng video và mạng xã hội, cũng như lợi thế của kết nối 4G với các thiết bị IoT sẽ tạo tiền đề để tạo ra xu hướng bùng nổ của 4G cho sự phát triển dịch vụ nội dung số chất lượng cao trong vài năm tới”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, khi triển khai 4G LTE vốn đầu tư cao, để thu hồi, các nhà mạng không còn con đường nào khác phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng nhằm thỏa mãn yêu cầu khách hàng, để khách hàng dùng dịch vụ dữ liệu nhiều hơn.

Hiện nay, các doanh nghiệp nội dung số cũng muốn thắt chặt hợp tác với các nhà mạng để dịch vụ nội dung số phát triển đồng bộ, đảm bảo hiệu quả khai thác thương mại trên nền tảng 4G LTE.

Do đó, để đi đến đích, các nhà mạng cần cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng đường truyền, đảm bảo kết nối cho khách hàng đúng như cam kết, để 4G thực sự là 4G với tốc độ cao.

Các nhà mạng phải xây dựng hệ sinh thái trên nền tảng của mình, cần tích cực hợp tác với nhà sản xuất nội dung, các công ty làm ứng dụng, dịch vụ để giá dịch vụ rẻ hơn khi cung cấp đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền, sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội, có chế tài phù hợp với các trường hợp vi phạm bản quyền nội dung số… để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận