Hội nghị AWG-23 họp bàn về công tác quản lý tần số

Hội nghị AWG-23 họp bàn về công tác quản lý tần số

Sáng ngày 9/4 tại TP Đà Nẵng, Bộ TT&TT phối hợp với Tổ chức Viễn thông khu vực Châu Á Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị Nhóm Thông tin vô tuyến của APT lần thứ 23 (AWG-23).

Hội thảo thu hút sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới về thông tin vô tuyến đến từ các quốc gia thành viên của APT cùng nhiều doanh nghiệp viễn thông có tên tuổi trong nước và quốc tế như: VNPT, Viettel, GSMA, Ericsson, Huawei, Samsung, Qualcomm.

Hội nghị AWG là Hội nghị chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến quản lý tần số, các ứng dụng và công nghệ thông tin vô tuyến của Cộng đồng thông tin khu vực Châu Á Thái Bình Dương . Kết quả nghiên cứu của AWG là các báo cáo và khuyến nghị giúp ích cho các thành viên của APT và cả các khu vực khác trên thế giới trong việc sử dụng hiệu quả tần số và triển khai các hệ thống thông tin vô tuyến; điển hình như Khuyến nghị về quy hoạch băng tần 700 MHz, báo cáo về chuyển đổi công nghệ GSM sang di động băng rộng.

Hội nghị AWG-23 họp bàn về công tác quản lý tần số

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải  phát biểu khai mạc hội nghị AWG-23  do Bộ TT&TT phối hợp với Tổ chức Viễn thông khu vực Châu Á Thái Bình Dương tổ chức .

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng: Trong vài năm qua, sự phát triển của các dịch vụ di động được mở rộng mạnh mẽ tại Việt Nam và trong khu vực. Nhu cầu truyền thông di động có thể được nhìn thấy qua sự phát triển liên tục của cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet di động. Các ứng dụng không dây và công nghệ như ITS, truyền tải không dây, hệ thống thông tin vô tuyến đường sắt, máy bay không người lái cũng đang nổi lên. Tất cả đều đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải chuẩn bị các chính sách liên quan, phân bổ thêm phổ tần và các nhà khai thác để chuẩn bị cho sự phát triển này.

"Trong bối cảnh nguồn tài nguyên tần số ngày càng khan hiếm đã khiến việc nghiên cứu quy hoạch, dùng chung tần số trở thành mối quan tâm hàng đầu ở hầu hết các nước. Các nội dung làm việc của Hội nghị AWG sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng quy hoạch, lựa chọn công nghệ và phổ tần cho các hệ thống IMT thế hệ tiếp theo, các hệ thống thông tin vô tuyến mới đồng thời nâng cao khả năng sử dụng phổ tần hài hòa trong khu vực và quốc tế", Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.

Hội nghị AWG-23 họp bàn về công tác quản lý tần số

Hội thảo thu hút sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới về thông tin vô tuyến đến từ các quốc gia thành viên của APT  cùng nhiều doanh nghiệp viễn thông có tên tuổi trong nước và quốc tế như: VNPT, Viettel, GSMA, Ericsson, Huawei, Samsung, Qualcomm.

Tại AWG-23, nhiều vấn đề quan trọng về quản lý tần số được đưa ra thảo luận như: Xây dựng các quy hoạch và nghiên cứu dùng chung cho các băng tần 3.3-3.4 GHz, 4.8-4.9 GHz, 1427-1518 GHz, 2 GHz được xác định cho IMT; nghiên cứu các công nghệ thông tin vô tuyến áp dụng trong các lĩnh vực như giao thông thông minh, thông tin hàng không, hàng hải, an toàn cứu nạn, hệ thống vệ tinh.

Hội nghị AWG-23 là diễn đàn để các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp trong nước có cơ hội thảo luận và cập nhật các hoạt động nghiên cứu đang diễn ra trong khu vực và trên toàn thế giới về các vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm như: Quy hoạch tần số, xu hướng lựa chọn băng tần và công nghệ phù hợp, khả năng dùng chung giữa các nghiệp vụ, trao đổi các kinh nghiệm và nghiên cứu quốc tế.

Là thành viên của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam luôn thể hiện vai trò là một cơ quan quản lý uy tín, có đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của quốc tế và khu vực. Cùng với việc ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện hiện là Phó Chủ tịch của AWG, đoàn Việt Nam, trong những năm gần đây đã tích cực tham gia và xây dựng nhiều nội dung đóng góp vào các hoạt động nghiên cứu của AWG. Hội nghị AWG-23 được tổ chức tại Việt Nam lần này góp phần khẳng định hơn nữa sự tích cực và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực về quản lý tần số và thông tin vô tuyến.

Các thông tin, kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của Hội nghị sẽ giúp cơ quan quản lý tần số các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu xây dựng chính sách, định hướng chiến lược cho các hệ thống di động băng rộng, thông tin vô tuyến trong tương lai.

Hội nghị kéo dài từ ngày 9 đến 13/4/2018.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận