Nhà mạng đấu giá tần số 4G phải cam kết về vùng phủ và chất lượng 4G

Nhà mạng đấu giá tần số 4G phải cam kết về vùng phủ và chất lượng 4G

Nhà mạng đấu giá tần số 4G phải cam kết về vùng phủ và chất lượng 4G

Viettel đề xuất sớm cấp phép băng tần 4G 2.6 GHz.

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, chiều ngày 9/5/2017, Hội đồng đấu giá băng tần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện băng tần 2.6 GHz đã tổ chức buổi làm việc về các nội dung liên quan đến hồ sơ đấu giá băng tần 2.6GHz cho các doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm. Doanh nghiệp trúng đấu giá, khi triển khai hệ thống thiết bị vô tuyến điện phải tuân thủ điều kiện sử dụng băng tần; Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật QCVN 47:2015/BTTTT về phổ tần số và bức xạ vô tuyến điện áp dụng cho các thiết bị thu phát vô tuyến điện; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm gốc thông tin di động phần truy nhập vô tuyến liên quan tới công nghệ LTE/LTE-Advanced; các giới hạn phát xạ đối với khối băng tần được cấp phép theo quy định tại phụ lục của Hồ sơ mời đấu giá.

 Theo thông tin từ Bộ TT&TT, yêu cầu tối thiểu tham gia đấu giá phải là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng theo quy định của pháp luật về viễn thông. Trường hợp 2 doanh nghiệp cùng đăng ký tham gia đấu giá nhưng sở hữu chéo giữa 2 doanh nghiệp này trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần kia thì chỉ 1 trong 2 doanh nghiệp được phép tham gia đấu giá. Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực tài chính, đầu tư, năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ và nguồn nhân lực. Doanh nghiệp căn cứ theo điều kiện và chiến lược kinh doanh, phương án triển khai cung cấp dịch vụ trên nền công nghệ 4G/LTE đề xuất cam kết tổng số eNode B triển khai, công nghệ triển khai, tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ, lớn hơn hoặc bằng 90%...

Doanh nghiệp viễn thông cũng được tham vấn hai phương án đấu giá là: đấu giá trực tiếp bằng bỏ phiếu kín, kết thúc đấu giá sau 1 vòng với 2 phiên (phiên đấu giá trước và đồng thời cho 3 khối băng tần loại 2x20 MHz và phiên đấu giá 1 khối băng tần loại 2x10MHz) và đấu giá trực tiếp bằng bỏ phiếu kín nhiều vòng, kết thúc đấu giá khi không còn doanh nghiệp đấu giá.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, trong thời gian qua Hội đồng đã làm việc theo đúng các quy định của pháp luật và nội dung trong Quyết định 16/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về quy định đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để xây dựng Hồ sơ đấu giá.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng chỉ đạo Hội đồng trong thời gian tới cần tham vấn các doanh nghiệp viễn thông thuộc diện có giấy phép, đủ điều kiện tham gia đấu giá trên nguyên tắc công khai và minh bạch. Đồng thời, Hội đồng cần lấy ý kiến đối tượng tiềm năng khác có đủ điều kiện về giấy phép có thể tham gia đấu giá, nội dung lấy ý kiến tập trung vào các yêu cầu tham gia và phương thức đấu giá.

Trước đó, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel cho hay, hiện số lượng thuê bao của Viettel rất lớn nhưng băng tần 4G thì chỉ được cấp như những doanh nghiệp khác. Vì vậy, Viettel sẽ gặp khó khăn trong phát triển 4G. Ông Hoàng Sơn kiến nghị Bộ TT&TT sớm cấp phép băng tần 2.6GHz cho 4G. Đối với băng tần 700 MHz, ông Hoàng Sơn đề nghị cấp phép băng tần này theo tỉnh, thành mà đã giải phóng xong sau khi tiến hành số hóa truyền hình để các nhà mạng có đủ băng tần nâng cao chất lượng cho dịch vụ 4G.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, năm 2017 Bộ TT&TT sẽ đấu giá băng tần 2.6 GHz nhằm minh bạch hóa chính sách về quản lý tần số đối với dịch vụ, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và kinh tế trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận