Viễn thông và Internet đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Việt

Viễn thông và Internet đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Việt

Viễn thông và Internet đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Việt

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Hải

Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa 12 ban hành ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2010. Hai luật này ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông, phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải, vệ tinh; góp phần phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết đánh giá sơ kết thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện diễn ra hôm nay, ngày 18/3/2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định đây là hai văn bản quan trọng nhất và quyết định đến sự phát triển của ngành Viễn thông. Kể từ khi hai luật có hiệu lực, đã thúc đẩy hạ tầng viễn thông phát triển mạnh mẽ rộng khắp đến tận vùng sâu vùng sa với công nghệ tiên tiến hiện đại. Mọi thành phần kinh tế được đầu tư thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông một cách bình đẳng, tạo nên một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.

"Trong những năm qua, nhiều loại hình dịch vụ mới được cung cấp với chất lượng tốt, giá cước linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân… Đưa viễn thông, Internet từ dịch vụ cao cấp trở thành bình dân. Có thể nói, viễn thông và Internet đã làm thay đổi cuộc sống của người dân và xã hội. Dịch vụ này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mà còn tạo ra môi trường học tập, lao động vô cùng tiện ích cho mọi người dân", ông Phạm Hồng Hải nói.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, tính đến nay, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet đã được đầu tư mạnh mẽ, phát triển mạnh và hoạt động ổn định. Số lượng thuê bao viễn thông di động, Internet băng rộng, đặc biệt là số lượng thuê bao di động băng rộng  tăng nhanh. Số liệu thống kê tính đến tháng 12/2015 cho thấy: đã có 7,7 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định; 35,8 triệu thuê bao 3G (đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân). Thông tin di động băng hẹp đã phủ sóng cả nước, vùng phủ sóng thông tin di động băng rộng ngày càng được mở rộng nhờ việc sử dụng công nghệ mới trên băng tần 900MHz và tăng số lượng các trạm phát sóng vô tuyến điện đã cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ di động băng rộng.

Theo báo cáo của Cục Tần số Vô tuyến điện, số lượng mạng thông tin vô tuyến điện dùng ở các sân bay, taxi, bảo vệ, xây dựng, siêu thị, nhà hàng đều tăng nhanh chóng, trung bình 15%/năm, năm 2015 có hơn 4200 mạng. Toàn quốc, đã có 22 cảng hàng không nội địa và quốc tế được trang bị hệ thống thiết bị vô tuyến điện hạ cánh chính xác ILS, với gần 200 đài vô tuyến dẫn đường hàng không để bảo đảm an toàn cho các chuyến bay. Về hàng hải, 1.880 đài tàu biển đã được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc bảo đảm an toàn hàng hải toàn cầu, 10.873 tàu cá xa bờ sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF để liên lạc và nhận thông tin từ bờ, bảo đảm an toàn cho ngư dân khi khai thác trên biển. Vệ tinh viễn thông VINASAT-1 đã sử dụng 95% băng tần (5% còn lại phục vụ cho mục đích sự vụ, dự phòng). Hệ thống vệ tinh viễn thông thứ hai VINASAT-2 đã sử dụng khoảng 60% băng tần, đánh dấu ảnh hưởng to lớn của việc sử dụng tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh trong sự phát triển thông tin vô tuyến điện của nước nhà.

Doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm 2015 ước đạt 340.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 56.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 46.880 tỷ đồng. So với năm 2009 khi hai luật được ban hành, tổng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông chỉ hơn 116.000 tỷ đồng. Cùng với việc tăng cường, củng cố thị trường trong nước, các doanh nghiệp viễn thông đã có đủ lực để thực hiện tốt các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Công tác bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh được tăng cường, với việc đăng ký thành công tần số và quỹ đạo để phóng vệ tinh VINASAT-2, VNREDSat-1, cũng như việc đăng ký thành công hàng ngàn tần số với Liên minh Viễn thông quốc tế, trong đó có tần số tại vùng biển Trường Sa. Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế, tham gia sâu rộng trong việc đặt ra các quy tắc chung về quản lý tần số và quỹ đạo vệ tinh ở cấp độ quốc tế.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng, trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên viễn thông, đặc biệt là tài nguyên tần số vô tuyến điện, đảm bảo duy trì cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững thị trường viễn thông, trong đó hoàn thiện môi trường pháp lý đóng vai trò quyết định. Kết quả hội nghị này sẽ là căn cứ để Bộ TT&TT báo cáo với Chính phủ, Quốc hội xem xét hoàn thiện Luật về viễn thông và tần số vô tuyến điện. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận