Viettel kiến nghị sửa đổi chính sách quản lý cạnh tranh thị trường viễn thông

Viettel kiến nghị sửa đổi chính sách quản lý cạnh tranh thị trường viễn thông

Viettel kiến nghị sửa đổi chính sách quản lý cạnh tranh thị trường viễn thông

Viettel tiếp tục đưa ra đề nghị Bộ TT&TT cần thay đổi chính sách quản lý cạnh tranh.

Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel đưa ra kiến nghị về việc cần sửa đổi chính sách quản lý cạnh tranh thị trường viễn thông tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ TT&TT mới đây.

Theo đó, ông Hoàng Sơn đề nghị Bộ TT&TT đánh giá lại Thông tư 15 quy định về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, xem xét lại hai tiêu chí doanh thu và tiêu chí gây hạn chế mức độ cạnh tranh khác. Đối với Thông tư 16 về quản lý giá cước và khuyến mãi, ông Sơn đề nghị chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm đối với hoạt động đăng ký các gói cước khuyến mãi của doanh nghiệp viễn thông. Lý do Viettel đưa ra các kiến nghị là do những quy định này không còn phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của thị trường.

Liên quan đến kiến nghị của Viettel, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, Viettel đã đưa ra kiến nghị này mấy năm nay và giữa các doanh nghiệp và Cục Viễn thông đã có nhiều trao đổi, thảo luận để đưa ra biện pháp quản lý thị trường cạnh tranh tốt nhất. Cục Viễn thông sẽ mời chuyên gia nước ngoài tư vấn để đưa ra những ý kiến tư vấn quản lý thị trường viễn thông phù hợp nhất và tốt nhất. Sau đó Cục Viễn thông sẽ kiến nghị với lãnh đạo Bộ TT&TT để có phương thức quản lý phù hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, ông Trung nhấn mạnh rằng, trong khi chưa có quy định sửa đổi thì các doanh nghiệp viễn thông cần tiếp tục thực hiện như quy định cũ.

Từ giữa năm 2015, Bộ TT&TT đã ban hành Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng có hiệu lực từ 15/6/2015. Theo đó, Viettel là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, bao trọn cả 3 mảng dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet.

Theo quy định hiện hành của Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có thị phần khống chế khi có thị phần từ 30% trở lên hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Một nhóm 2 doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu tổng thị phần đạt từ 50% trở lên.

Cũng từ giữa năm 2015 lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã liên tục đề nghị Bộ TT&TT nên xem xét lại khái niệm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Theo đó, Bộ TT&TT không nên thay đổi vị trí của các doanh nghiệp di động thống lĩnh thị trường và xếp 3 nhà mạng có vị trí tương đương nhau như hiện tại.

Theo giải thích của lãnh đạo Viettel, việc thay đổi vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra khỏi nhóm thống lĩnh thị trường phát triển thoải mái hơn, họ có thể tự quyết định giá cước rẻ hơn doanh nghiệp khác. Điều này có nguy cơ gây xáo trộn thị trường bởi khách hàng có thể đua nhau chuyển sang nhà mạng có giá cước rẻ hơn, sẽ có cuộc chiến về giá cước giữa các nhà mạng để cạnh tranh gây hỗn loạn thị trường. Do đó, Viettel kiến nghị không thay đổi vị trí của các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường viễn thông mà giữ nguyên như hiện nay, cùng quản lý 3 nhà mạng như các doanh nghiệp lớn.

Doanh nghiệp xếp vào nhóm có vị trí thống lĩnh thị trường sẽ bị quản lý chặt. Chẳng hạn, với những doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần, trước khi họ muốn ban hành một mức giá cước nào đó thì phải thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý trên cơ sở không được bán dưới giá thành.

Còn doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế được quyền ban hành giá cước có thể thấp hơn cả giá thành của mình nhưng không quá thấp so với mức trung bình hiện có trên thị trường.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận