Bộ Công an chỉ cách tránh bị lừa đảo bởi đối tượng giả mạo môi giới việc làm

Bộ Công an chỉ cách tránh bị lừa đảo bởi đối tượng giả mạo môi giới việc làm

Thời gian gần đây, theo ghi nhận từ các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, hình thức lừa đảo trực tuyến gia tăng mạnh mẽ. Đặc biệt là, xu hướng lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử và công ty lớn với mức thù lao hấp dẫn nhằm chiếm đoạt tài sản người dân.

Cụ thể, hồi giữa tháng 5, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin cho hay, đơn vị đã nhận được nhiều email và cuộc gọi phản ánh về việc các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram... để tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Bộ Công an chỉ cách tránh bị lừa đảo bởi đối tượng giả mạo môi giới việc làm
Cơ quan công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến hành vi sử dụng Internet để môi giới việc làm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh minh họa)

Ghi nhận của hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656 do VNCERT/CC quản lý cũng cho thấy, nhiều người dân đã phản ánh nhận được các tin nhắn tuyển cộng tác viên qua iMessage, Facebook, Zalo… với mức thù lao hấp dẫn cho người dùng. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu tìm việc của nhiều người, các đối tượng đã giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Ngày 1/7, trên Cổng thông tin bocongan.gov.vn, trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến hành vi sử dụng Internet để môi giới việc làm nhằm lừa đảo, Bộ Công an nêu rõ, đây là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Hành vi này sẽ bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Bộ Công an cho biết, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến hành vi sử dụng Internet để môi giới việc làm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng thường lợi dụng lòng tham, ham muốn kiếm tiền một cách dễ dàng hay tâm lý e ngại đối với việc liên quan đến vi phạm pháp luật để hù dọa người dân.

Vì vậy, người dân cần tỉnh táo trước các lời mời gọi việc nhẹ lương cao, chiết khấu hoa hồng cao, mời tham gia các kênh đầu tư lợi nhuận lớn hơn 20% một năm. Đồng thời, hết sức cảnh giác đối với các cuộc gọi, thông báo tự xưng là người trong cơ quan pháp luật.

Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an khuyến cáo người dân chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

“Nếu nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật thì phải đến Cơ quan công an, văn phòng luật sư hoặc người hiểu biết pháp luật để trao đổi, cung cấp thông tin. Cơ quan công an không đưa ra các yêu cầu qua điện thoại mà sẽ có văn bản, quyết định gửi đến công dân trong trường hợp công dân có liên quan đến vụ việc cần giải quyết”, Bộ Công an thông tin thêm. 

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Điều 290 về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định: Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; có tính chất chuyên nghiệp; số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

Cũng theo Điều 290, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Vân Anh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận