CEO VNCS: Tâm lý “sinh ngoại” là một rào cản với sản phẩm an toàn thông tin nội địa

CEO VNCS: Tâm lý “sinh ngoại” là một rào cản với sản phẩm an toàn thông tin nội địa

Nhận định nêu trên được ông Khổng Huy Hùng, Tổng giám đốc Công ty VNCS chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến có chủ đề “Làm gì để bảo đảm an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước?” được ICTnews tổ chức chiều ngày 21/12 vừa qua.

CEO VNCS: Tâm lý “sinh ngoại” là một rào cản với sản phẩm an toàn thông tin nội địa

Ông Khổng Huy Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam - VNCS. 

Ông Hùng cho hay, cũng do tâm lý “sinh ngoại” của nhiều người dùng Việt Nam mà bản thân Công ty VNCS và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn đang phải triển khai hoạt động kinh doanh theo cả 2 hướng, tức là vừa phân phối các sản phẩm, giải pháp bảo mật quốc tế và vừa phát triển sản phẩm, giải pháp ATTT nội địa.

Thực tế, bên cạnh việc triển khai cung cấp 2 giải pháp do chính đội ngũ VNCS phát triển là Giải pháp giám sát website tập trung VNCS Web Monitoring và dịch vụ đánh giá bảo mật  VNCS Penetration Testing, Công ty VNCS cũng là đại lý phân phối nhiều sản phẩm bảo mật của các hãng lớn trên thế giới như Splunk, WatchGuard, Acunetix, Radware, Guidance Software, Checkmarx, BeyondTrust…

“Từ kinh nghiệm của chúng tôi, để thuyết phục được các cơ quan, tổ chức sử dụng giải pháp của mình, điều quan trọng là phải làm cho họ hiểu về năng lực của công ty và giải pháp, phải chứng minh được giải pháp đó do mình hoàn toàn làm chủ được công nghệ và sở hữu toàn bộ mã nguồn. Nhiều người chưa nhận thức được rằng tạo ra 1 sản phẩm CNTT 100% do người Việt làm chủ công nghệ đã khó, tạo ra 1 sản phẩm ATTT nội địa còn khó gấp nhiều lần vì nguồn cung về chất xám trong lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn rất giới hạn.

Khi đã chứng minh được việc người Việt Nam hoàn toàn làm chủ về công nghệ, cộng với bối cảnh bất ổn về chính trị trên thế giới, việc người Việt Nam tin tưởng dùng sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt trong 1 lĩnh vực nhạy cảm như ATTT, tôi cho là điều hết sức cần thiết trong việc đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia”, ông Khổng Huy Hùng chia sẻ.

Đánh giá về sản phẩm ATTT Việt Nam so với sản phẩm của các hãng quốc tế, người đứng đầu Công ty VNCS cho rằng, về mặt công nghệ, phải thừa nhận là các doanh nghiệp Việt Nam còn phải học hỏi quốc tế rất nhiều. Song đại diện lãnh đạo VNCS cũng cho rằng: “Các sản phẩm ATTT nội địa lại có lợi thế về tính địa phương hóa, sát với nhu cầu của khách hàng tại Việt Nam. Ví dụ như giải pháp VNCS Web Monitoring của chúng tôi có chức năng giám sát tấn công thay đổi giao diện website mà hiện nay trên thế giới vẫn chưa có nhiều giải pháp đáp ứng được yêu cầu này”.

Mới đây, giải pháp giám sát website tập trung VNCS Web Monitoring của Công ty VNCS đã được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) bình chọn là 1 trong 6 “Sản phẩm ATTT chất lượng cao năm 2017”. Trước đó, năm 2014 sản phẩm ATTT nội địa này cũng đã mang về cho VNCS nhiều giải thưởng  uy tín trong lĩnh vực CNTT như Nhân tài Đất Việt, Sao Khuê và giải Bạc hạng mục R&D của giải thưởng CNTT&TT ASEAN - AICTA.

Đến nay, theo ông Hùng, giải pháp VNCS Web Monitoring của VNCS đã được rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam tin dùng. Giải pháp này giúp cảnh báo sớm cho các cơ quan, tổ chức về các cuộc tấn công mạng vào hệ thống website, Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức mình, đặc biệt là tấn công thay đổi giao diện website (Deface).

Đại diện lãnh đạo VNCS cho biết thêm, những năm qua, với việc là một doanh nghiệp thành viên của nhà mạng viễn thông (Hanoi Telecom), VNCS đã nhận được nhiều hỗ trợ cả về nguồn lực và tập khách hàng để phát triển kinh doanh tốt, nhất là trong một lĩnh vực mới, nhiều khó khăn, thử thách như ATTT tại Việt Nam.

CEO VNCS: Tâm lý “sinh ngoại” là một rào cản với sản phẩm an toàn thông tin nội địa

Đại diện VNISA và Ban Cơ yếu Chính phủ trao cup và giấy chứng nhận “Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao 2017” và “Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu 2017” cho các doanh nghiệp, tổ chức tại hội thảo, triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017.

Chia sẻ về lý do trong khi nhiều doanh nghiệp quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”, sản phẩm tốt tự khắc sẽ được người dùng đón nhận và việc tham gia các giải thưởng tiêu tốn thời gian, Công ty VNCS vẫn mang sản phẩm của mình tham dự các cuộc thi, ông Hùng cho biết, trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam chưa có cơ quan chính thức kiểm định sản phẩm, dịch vụ ATTT, việc VNCS tham gia và đạt các giải thưởng lớn, uy tín về CNTT&TT ở Việt Nam và ASEAN là nhằm khẳng định năng lực và giải pháp của doanh nghiệp mình. Bởi lẽ, mỗi một giải thưởng có một bộ tiêu chí và các chuyên gia đầu ngành khác nhau tham gia đánh giá. “Ngoài việc nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm thì sự tham gia này cũng giúp chúng tôi có thêm các ý tưởng để hoàn thiện sản phẩm ngày càng tốt hơn”, ông Hùng nói.

Trên thực tế, việc cần thiết phải có một thị trường trong đó các sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa có vị trí, vai trò quan trọng nhằm đảm bảo ATTT quốc gia đã được Chính phủ nhận thức rõ. Tại Quyết định 898 phê duyệt Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo ATTT giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã xác định phương hướng thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT, với mục tiêu cụ thể là phát triển tối thiểu 5 sản phẩm ATTT thương hiệu Việt được sử dụng phổ biến tại thị trường trong nước và doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò chủ đạo tại thị trường dịch vụ ATTT trong nước.

Trả lời câu hỏi của độc giả tại buổi tọa đàm về việc “Phải làm sao để đạt được mục tiêu phát triển tối thiểu 5 sản phẩm ATTT thương hiệu Việt được sử dụng phổ biến tại thị trường trong nước?”, ông Hùng cho hay, trong Quyết định 898, để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ rất rõ cho các bộ, ngành liên quan.

“Tôi cho rằng, nếu chúng ta coi mục tiêu đạt tối thiểu 5 sản phẩm ATTT thương hiệu Việt được sử dụng phổ biến là yếu tố tiên quyết và định nghĩa rõ được thế nào là được “sử dụng phổ biến” thì chắc chắn sẽ có cách làm phù hợp để đạt mục tiêu. Cũng gần nhấn mạnh là, việc có những sản phẩm ATTT do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ là vô cùng quan trọng bởi lẽ điều này sẽ đóng góp lớn vào việc đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia trên không gian mạng”, ông Hùng nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận