Thách thức từ việc đảm bảo an toàn thông tin
Thực tế tại Việt Nam cho thấy quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Công nghệ số đã được ứng dụng vào trong mọi lĩnh vực, và hầu hết mọi hoạt động của người dân đang chuyển dần lên môi trường số. Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Công ty Cổ phần An ninh mạng SCS (SCS) Ngô Anh Tuấn, quá trình chuyển đổi số cũng như các lợi ích, thuận tiện mà công nghệ số mang lại đã khiến nhiều người quên đi những mặt trái của thế giới mạng. Ông Ngô Anh Tuấn cho rằng, nhiều người dùng vẫn còn thiếu hiểu biết, coi nhẹ việc đảm bảo an toàn thông tin, trang bị các kiến thức, kỹ năng trên môi trường mạng. Điều này đã vô tình khiến họ trở thành những nạn nhân của các cuộc tấn công, lừa đảo đang diễn ra ngày càng phổ biến trên internet.
Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 78 triệu người sử dụng internet, chiếm 79% dân số. Trung bình mỗi người dân Việt Nam dành gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia vào không gian mạng. Số liệu thống kế cũng cho thấy, chỉ có khoảng 20% người dùng có cơ hội tiếp cận với các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Như vậy, có khoảng 80% người dùng chưa được tiếp cận với các kỹ năng và chưa có công cụ để tự bảo vệ mình an toàn trên môi trường mạng (khoảng 62,4 triệu người). Điều này có nghĩa là “mảnh đất tiềm năng” của tội phạm tấn công lừa đảo qua mạng là rất lớn.
Trên thực tế, trong thế giới mạng không biên giới, các cuộc tấn công này diễn ra liên tục, không giới hạn. Quy mô các cuộc tấn công chủ yếu nhắm vào nhắm vào những người dân còn thiếu trang bị, công cụ và kiến thức để phòng bị, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi và trẻ em, do cập nhật thông tin chậm, thiếu trang bị kiến thức. Cũng không thiếu những người trẻ có kiến thức cũng bị tấn công và chịu thiệt hại. Bằng chứng là gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa tin và cảnh báo nhiều trường hợp bị lừa đảo với nội dung: “kẻ lừa đảo gọi điện cho phụ huynh xưng là người của cơ quan chức năng, thông báo con em họ bị tại nạn nghuy kịch đang cấp cứu ở bệnh viện, phải chuyển tiền ngay để phẫu thuật”.
Dù đã được tuyên truyền cảnh báo, tuy nhiên, việc phổ cập rộng rãi các dịch vụ an toàn thông tin mạng tới người dân trong bối cảnh hiện nay vẫn còn có nhiều thách thức và bài toán cần giải. Đó là làm sao để nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân khi tham gia môi trường mạng. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam vẫn chưa có được các nền tảng, giải pháp đảm bảo an toàn thông tin phổ biến, đảm bảo được các tiêu chí dễ sử dụng, chi phí thấp và được đa số người dân chấp nhận sử dụng. Đặc biệt là các giải pháp của các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng trong nước cung cấp tới người dùng, khi phân khúc khi thị trường này chưa được thực sự khai phá.
Đảm bảo an toàn thông tin cho người dân
Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam đã sớm quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng hướng tới người dân. Các chính sách này được hình thành và hoàn thiện trong các bộ luật, nghị định, thông tư, chiến lược... trong lĩnh vực an toàn thông tin và đã được triển khai sâu rộng.
Tổng giám đốc SCS Ngô Anh Tuấn cho biết, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược này nhấn mạnh phát việc triển năng lực các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin mạnh mẽ để thực hiện chuyển đổi số từ môi trường thực sang môi trường số. Một trong những yêu cầu quan trọng của của chiến lược là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản tới người dân và doanh nghiệp. Ngày 10/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Mục tiêu là đến năm 2025, 80% người sử dụng internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Trên cơ sở thực hiện các chiến lược trên của Chính phủ, các doanh nghiệp an toàn công nghệ đã phát triển được giải pháp để chặn lọc các thông tin độc hại, lừa đảo, mã độc và đảm bảo an toàn cho người dùng đầu cuối. Ông Ngô Anh Tuấn cho biết, SCS đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ quản lý, đảm bảo an toàn internet cho 27 triệu hộ gia đình, trên 26.000 trường học các cấp cũng như hơn 900.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Ngô Anh Tuấn cho rằng, các đối tượng này đang cần được bảo vệ trên môi trường mạng nhưng lại không có nhiều năng lực cũng như nguồn lực để đầu tư vào các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin. Trong khi SCS đã có cách tiếp cận mới, cung cấp giải pháp an ninh mạng theo mô hình dịch vụ bảo mật “SafeGate” trên nền tảng đám mây để người dân có thể dễ tiếp cận hơn. Với mô hình này, người dùng có thể sử dụng dễ dàng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động với các thao tác bật/tắt.
Tổng giám đốc SCS Ngô Anh Tuấn chia sẻ: “SafeGate sẽ tự động chặn kết nối tới các địa chỉ lừa đảo, mã độc để tạo ra màng chắn an toàn để bảo vệ người dùng khỏi các cuộc tấn cộng mạng. Khi người dùng internet truy cập vào nội dung độc hại, có chứa mã độc hay địa chỉ lừa đảo, SafeGate sẽ cảnh báo và tự động chặn các truy cập này để phòng tránh đánh cắp tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng. SafeGate cũng giúp quản lý ứng dụng sử dụng, quản lý thời gian sử dụng; quản lý được cấu hình từng thiết bị mà không cần cài đặt trên máy bị quản lý; có thể quản lý được tất cả thiết bị kết nối internet trong đó có cả camera và SmartTivi; dữ liệu liên tục được cập nhật theo thời gian thực.
Đặc biệt, giao diện phần mềm được thiết kế đơn giản, dễ sử dụng; các cấu hình phức tạp được mô hình hóa thành các nút công tắc bật/tắt; các dịch vụ an ninh mạng cao cấp được đặt thành các chế độ bảo vệ tự động, và bật tắt là dùng được. Mô hình của SCS cũng giải quyết được các vấn đề lớn nhất hiện nay với người dùng cuối đó là vấn đề chi phí và sự phức tạp trong triển khai. Đó là tiết kiệm được tối đa thời gian khi có thể lắp đặt trong vài phút; người dùng hoàn toàn có thể tự lắp đặt tại nhà thông qua hệ thống hướng dẫn trực tuyến; người dùng có thể trả phí dịch vụ theo tháng. Với mỗi gia đình, chi phí để quản lý, đảm bảo an toàn cho tất cả các thiết bị kết nối Internet chỉ vài nghìn đồng mỗi tháng”.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: dientungaynay.vn
Tham gia bình luận