Gần 280 đội an ninh mạng trên toàn cầu tranh tài tại WhiteHat Grand Prix 2017

Gần 280 đội an ninh mạng trên toàn cầu tranh tài tại WhiteHat Grand Prix 2017

Gần 280 đội an ninh mạng trên toàn cầu tranh tài tại WhiteHat Grand Prix 2017

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin và ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav nhấn nút khởi động cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2017.

Lễ khai mạc cuộc thi an ninh mạng lần thứ 5 - WhiteHat Grand Prix 2017 với chủ đề “Di sản Việt Nam” (Vietnam Heritages) vừa được Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT và Công ty Bkav tổ chức sáng nay, ngày 16/12/2017.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, đơn vị đồng hành cùng Bkav tổ chức cuộc thi WhiteHat Grand Prix 2017 nhận định, cuộc thi WhiteHat Grand Prix đã trở thành một sự kiện thường niên với quy mô, tầm vóc ngày càng mở rộng, chất lượng cuộc thi cũng ngày càng nâng cao.

“Cục An toàn thông tin nhận thấy đây là diễn đàn hết sức thiết thực, bổ ích trong việc đào tạo, phát triển và nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới chất lượng nguồn nhân lực an toàn thông tin của Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng và có đạo đức nghề nghiệp tốt để tham gia vào tiến trình ứng dụng, phát triển CNTT”, ông Dũng chia sẻ.

Gần 280 đội an ninh mạng trên toàn cầu tranh tài tại WhiteHat Grand Prix 2017

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT cho biết Cục An toàn thông tin mong muốn cuộc thi an ninh mạng WhiteHat Grand Prix sẽ không ngừng nâng cao chất lượng qua các năm và không ngừng thay đổi thể thức, cách thức để phù hợp với những chuyển dịch mới nhất của công nghệ.

Đánh giá cao việc tập đoàn Bkav đã định kỳ tổ chức, nâng tầm sự kiện lên thành cuộc thi quy mô quốc tế, ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, đây là một hành động cụ thể, thiết thực của một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực an toàn thông tin tham gia đóng góp vào việc thực hiện những chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý, trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng hiện nay có những sự thay đổi nhất định trong một thế giới IoT, xu hướng chuyển dịch của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là trong xu hướng trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được áp dụng mạnh mẽ hơn, bên cạnh câu chuyện tấn công - phòng thủ giữa các đội thi cũng xuất hiện những nguy cơ, thách thức mới từ những đội do robot trí tuệ nhân tạo thực hiện tấn công - phòng thủ.

Ông Dũng chia sẻ: “Trong bối cảnh đó, chúng tôi mong muốn cuộc thi an ninh mạng WhiteHat Grand Prix sẽ không ngừng nâng cao chất lượng qua các năm và cũng không ngừng thay đổi thể thức, cách thức để phù hợp với những chuyển dịch mới nhất của công nghệ, đặc biệt là chuyển dịch mới nhất trong thế giới kết nối ngày nay”.

Gần 280 đội an ninh mạng trên toàn cầu tranh tài tại WhiteHat Grand Prix 2017

Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav điểm lại những dấu mốc quan trọng trong chặng đường 5 năm tổ chức cuộc thi an ninh mạng WhiteHat Grand Prix.

Nhìn lại chặng đường 5 năm tổ chức cuộc thi an ninh mạng, ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho hay,  nhận thức nhân lực là yếu tố quan trọng nhất trong lĩnh vực an toàn thông tin, năm 2013, Bkav đã đứng ra tổ chức Cộng động An ninh mạng Việt Nam WhiteHat.vn nhằm tạo ra sân chơi cho tất cả những người làm trong lĩnh vực an toàn thông tin có nơi trao đổi, chia sẻ về chuyên môn, góp phần định hướng cho các thành viên tham gia về đạo đức nghề nghiệp.  Đây cũng là năm Bkav tổ chức cuộc thi an ninh mạng WhiteHat CTF 2013 - tiền thân của WhiteHat Grand Prix hiện nay, với 6 đội tham gia.

Tiếp đó, năm 2014, cuộc thi an ninh mạng WhiteHat Grand Prix được tổ chức lần đầu tiên ở cấp quốc gia, với 66 đội tham gia, trải qua 2 vòng thi gồm vòng loại thi trực tuyến và vòng chung kết thi trực tiếp tại 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM. Đến năm 2015, cuộc thi được mở rộng ra quy mô toàn cầu, cũng gồm 2 vòng (vòng loại và vòng chung kết), thu hút 376 đội từ 57 quốc gia tham dự và đặc biệt, 6/10 đội thi chung kết có tên trong bảng xếp hạng thi an ninh mạng uy tín trên thế giới CTFTime. Trong năm thứ  hai cuộc thi được tổ chức ở quy mô quốc tế, Ban tổ chức WhiteHat Grand Prix 2016 bắt đầu mở rộng tính cộng đồng, mời các trường Đại học có khoa An toàn thông tin tham gia ra đề thi. Cuộc thi năm 2016 đã thu hút hơn 500 đội thi đến từ 52 quốc gia với nhiều đội trong Top 10 CTFTime (website xếp hạng các cuộc thi an ninh mạng toàn cầu).

Cũng theo ông Tuấn Anh, thực hiện tổng kết 5 năm tổ chức cuộc thi, Ban tổ chức nhận thấy, thực tế để có thể tổ chức các cuộc thi an ninh mạng mang tầm vóc thường là những quốc gia có trình độ khoa học công nghệ hàng đầu thế giới. Theo thống kê trên trang CTFTime về các cuộc thi có số lần tổ chức nhiều nhất, Việt Nam nằm trong Top 10 nước có nhiều lần tổ chức các cuộc thi an ninh mạng, cùng với những nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển cao như Mỹ, Nga, Hàn Quốc, ẤnĐộ, Pháp, Iran, Đức, Thụy Sỹ…

“Việc Việt Nam có thể tổ chức một cuộc thi an ninh mạng ở quy mô toàn cầu như WhiteHat Grand Prix, với số lượng đội tham dự qua các năm đều mở rộng, là một điều hết sức đặc biệt, khẳng định uy tín của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin và chúng ta có thể tự hào về điều đó”, ông Tuấn Anh nói.

Gần 280 đội an ninh mạng trên toàn cầu tranh tài tại WhiteHat Grand Prix 2017

Đội hỗ trợ kỹ thuật cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2017.

Với cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix năm nay, với định hướng tiếp tục mở rộng sự tham gia của cộng đồng, công tác tổ chức cuộc thi đã có sự tham gia của Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, khâu ra đề thi có sự góp mặt của các đội như BabyPhD, Reutd…

Ban tổ chức cho biết, công tác chuẩn bị cho cuộc thi WhiteHat Grand Prix 2017 đã được bắt đầu từ tháng 6, với  sự tham gia của hơn 100 chuyên gia. Một điểm mới của cuộc thi năm nay là đề thi được thiết kế nhằm đánh giá khả năng chuyên môn toàn diện của các đội thi.

Trong tổng số hơn 40 câu hỏi trong bản đồ thi mà các đội sẽ thực hiện từ 9h ngày 16/12 đến 9h ngày 19/12/2017, để đi được đến câu hỏi đặc biệt nhằm có cơ hội có thêm 10% số điểm, các đội thi cần trải qua nhiều câu hỏi khác ở nhiều lĩnh vực: Forensics (điều tra số) và Crypto (phá mã), Web Exploit (lỗ hổng web), Reverse (dịch ngược), Pwnable (khai thác lỗ hổng phần mềm).

Một điểm đặc biệt nữa của cuộc thi WhiteHat Grand Prix là trong 3 năm qua, từ năm 2015 đến nay, khi cuộc thi được mở rộng ra quy mô toàn cầu, Ban tổ chức đã đưa ra các chủ đề liên quan đến đất nước, con người, văn hóa Việt Nam để lồng ghép quảng bá về Việt Nam tới các đội thi quốc tế: năm 2015 chủ đề “Chào Việt Nam” giới thiệu về các danh lam thắng cảnh Việt Nam;  năm 2016 là “Khám phá Việt Nam” giới thiệu ẩm thực Việt Nam; và chủ đề cuộc thi năm nay là “Di sản Việt Nam”.  Theo đó, vượt qua 1 thử thách trong cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2017, ngoài việc được cộng điểm, đội thi sẽ được giới thiệu về 1 di sản của Việt Nam.

Về giải thưởng của WhiteHat Grand Prix 2017, cuộc thi an ninh mạng năm nay vẫn sẽ chọn trao 3 giải, bao gồm 1 giải Nhất trị giá 225.000.000 đồng (tương đương khoảng 10.000 USD); 1 giải Nhì trị giá 45.000.000 đồng (tương đương khoảng 2.000 USD); và 1 giải Ba trị giá 25.000.000 đồng (tương đương khoảng 1.000 USD).

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận