Lãnh đạo mơ hồ, nhiều cơ quan nhà nước "ì ạch" chuyển từ văn bản giấy sang môi trường điện tử có chữ ký số

Lãnh đạo mơ hồ, nhiều cơ quan nhà nước "ì ạch" chuyển từ văn bản giấy sang môi trường điện tử có chữ ký số

Lãnh đạo mơ hồ, nhiều cơ quan nhà nước ì ạch chuyển từ văn bản giấy sang môi trường điện tử có chữ ký số

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng

Trao đổi tại Hội nghị “Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số và tuyên truyền phổ biến Thông tư 41/2017” do Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia tổ chức ngày 25/9, ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đánh giá: hiện nay, nhận thức về vai trò của chữ ký số tại một số cơ quan nhà nước vẫn còn hạn chế dẫn đến việc ứng dụng, triển khai chữ ký số có nơi chưa đạt hiệu quả cao.

Đáng chú ý, thói quen làm việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy vẫn còn phổ biến trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, việc thay đổi phương thức làm việc truyền thống dựa trên văn bản giấy tờ sang phương thức làm việc qua mạng sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số chuyển biến chậm.

Đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ cũng cho hay: qua khảo sát, các cơ quan nhà nước chủ yếu xử lý và phát hành văn bản điện tử định dạng PDF, chữ ký số được hiển thị trên tài liệu PDF. Tuy nhiên, quy trình ký, kiểm tra chữ ký, vị trí ký số trên tài liệu PDF chưa thống nhất, cần phải có các văn bản hướng dẫn để triển khai chữ ký số cho văn bản điện tử.

Cùng đó, các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý cơ bản đã đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn thiếu các hướng dẫn chi tiết quy định về hướng dẫn liên thông giữa hệ thống CA chuyên dùng Chính phủ và CA công cộng, các văn bản hướng dẫn triển khai chữ ký số trên văn bản điện từ trên thiết bị di động…

Đồng quan điểm, trao đổi về vấn đề quản lý tài liệu điện tử trong các cơ quan nhà nước, bà Nguyễn Thị Chinh, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng, Trung tâm KHCN Văn thư - Lưu trữ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thẳng thắn cho rằng mức độ quyết tâm sử dụng tài liệu điện tử, ứng dụng chữ ký số trong hoạt động điều hành tại nhiều cơ quan nhà nước chưa cao.

Thậm chí ngay từ cấp lãnh đạo quản lý vẫn còn rất mơ hồ về chữ ký số, chưa dám sử dụng do lo ngại bị can thiệp chỉnh sửa sau khi ký.

"Thực tế gây ra khó khăn trong việc chuyển giao tài liệu có giá trị vĩnh viễn vào lưu trữ, gây lãng phí về nhân lực, vật lực cho các cơ quan nhà nước, gây khó khăn cho việc quản lý và kiểm soát thông tin lưu trữ điện tử", bà Chinh nói.

Trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho hay năm 2017 Bộ đã phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), Ban Cơ yếu và các đơn vị liên quan xây dựng và ban hành Thông tư số 41 quy định về việc sử dụng chữ kỹ số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước.

Thông tư 41 quy định cụ thể các nội dung về việc ký số, kiểm tra chữ ký số, lưu trữ thông tin kèm theo văn bản điện tử ký số, quy định về yêu cầu kỹ thuật và chức năng của phần mềm ký số…

Hiện nay Bộ Nội vụ cũng đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng ban hành Thông tư quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư cũng như yêu cầu về hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ điện tử.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 28 quy định về việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Quyết định cũng quy định một số nội dung quan trọng như quy định về giá trị pháp lý của văn bản điện tử đã ký số được gửi qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy.

“Như vậy, để chính thức áp dụng thực hiện việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước theo Quyết định 28/2018 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 1/1/2019 tới đây, việc hiện nay hạ tầng pháp lý cơ bản đã đầy đủ”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nhấn mạnh đến thực tế việc triển khai trao đổi văn bản điện tử hiện còn gặp không ít khó khăn do liên quan đến thói quen, quy trình sử dụng.

Cùng đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến hệ thống kỹ thuật, an toàn thông tin, bảo mật; thủ tục hành chính chưa thực sự chuẩn hóa, gây khó khăn cho vấn đề triển khai thực tiễn…, tất cả cần được tiếp tục xử lý, tháo gỡ trong thời gian dài.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận