Sắp diễn ra Tọa đàm “Mặt tối của ChatGPT và hàm ý chính sách cho Việt Nam”

Sắp diễn ra Tọa đàm “Mặt tối của ChatGPT và hàm ý chính sách cho Việt Nam”

Cuối năm 2022, sự xuất hiện của ChatGPT đã làm cho giới công nghệ trên toàn thế giới phải quan tâm và đã nhanh chóng thu hút được số lượng lớn người dùng. Chatbot này hiện được mệnh danh là trí tuệ nhân tạo thông minh nhất thế giới. Sự đột phá về công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã biến ChatGPT trở thành một kho kiến thức khổng lồ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà ChatGPT mang lại cũng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là về những thách thức bảo mật mà ChatGPT nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung đặt ra. Toạ đàm “Mặt tối của ChatGPT và hàm ý chính sách cho Việt Nam” được tổ chức vào ngày 09/11 tới đây trên Tạp chí An toàn thông tin điện tử sẽ bàn luận rõ hơn về vấn đề này

ChatGPT là một Chatbot được ra mắt vào tháng 11/2022 bởi công ty khởi nghiệp phần mềm OpenAI (Mỹ). Đây là một mô hình công nghệ sử dụng trí tuệ nhận tạo để xử lý ngôn ngữ. ChatGPT thu thập cơ sở dữ liệu văn bản từ internet như sách, bài báo, các cuộc hội thoại trực tuyến, có khả năng dự đoán và tạo ra câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi của người dùng trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế, thậm chí là sửa lỗi trong lập trình. Với ứng dụng ChatGPT, thay vì tìm kiếm thông tin trên Google, người dùng sẽ tương tác trực tiếp như với người thật.

ChatGPT được coi là một trí tuệ nhân tạo sáng tạo, khác với trí tuệ nhân tạo thông thường vì nó không chỉ lấy lại dữ liệu mà nó đã thu thập được, mà còn sử dụng hiểu biết theo ngữ cảnh và học sâu để tạo ra nội dung mới. Sản phẩm của ChatGPT được cho là khó phân biệt so với sản phẩm của con người làm ra.

Giới chuyên gia cho biết, ứng dụng tiềm năng của mô hình do trí tuệ nhân tạo vận hành là vô hạn. Mức độ phổ biến của ChatGPT sẽ tăng lên khi nhiều nhà nghiên cứu và nhà phát triển biết để nó. Tuy nhiên, khi nhiều cá nhân và tổ chức sử dụng ChatGPT thì đó cũng là lúc mọi thứ trở nên phức tạp. OpenAI cũng lưu ý rằng, những câu trả lời của ChatGPT có thể không chính xác, thiếu trung thực và gây hiểu lầm, do nó được lập trình và huấn luyện bởi con người nên nó có thể bị nhiễm những ý kiến chủ quan. Không chỉ vậy, ChatGPT còn có thể giúp hacker tạo ra phần mềm độc hại, thực hiện các cuộc tấn công mạng, soạn thảo email lừa đảo hay thu thập dữ liệu người dùng vào mục đích xấu, làm gia tăng nguy cơ lộ lọt thông tin.

Để quý vị độc giả có thể hiểu rõ hơn về những lợi ích và rủi ro mất an toàn thông tin khi sử dụng ChatGPT, Tạp chí An toàn thông tin sẽ mời đến trường quay GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội); Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước; Chủ tịch HĐGS ngành CNTT; Chủ tịch Câu lạc bộ FISU và TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng CMC; Trưởng Lab Blockchain - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Phó Chủ tịch Câu lạc bộ FinTech của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Sắp diễn ra Tọa đàm “Mặt tối của ChatGPT và hàm ý chính sách cho Việt Nam”

GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy

Sắp diễn ra Tọa đàm “Mặt tối của ChatGPT và hàm ý chính sách cho Việt Nam”

TS. Đặng Minh Tuấn

Dự kiến, Toạ đàm sẽ được tường thuật trực tiếp vào 15h00 ngày 09/11 trên Tạp chí điện tử và livestream trên fanpage của Tạp chí. Quý độc giả quan tâm vui lòng gửi câu hỏi tại đây.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận