Zero Trust, SASE và VPN là gì?

Zero Trust, SASE và VPN là gì?

Trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp, các tổ chức đang tìm kiếm những giải pháp tối ưu để bảo vệ dữ liệu và hệ thống khỏi các mối đe dọa tiềm tàng. Các khái niệm như Zero Trust, SASE và VPN nổi lên như những chiến lược bảo mật hàng đầu, nhưng chúng là gì và khác nhau như thế nào?

Ngày nay, làm việc từ xa và sử dụng các dịch vụ đám mây đang trở thành tiêu chuẩn mới, bảo mật mạng đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Trong số những phương pháp bảo mật phổ biến, Zero Trust, SASE (Secure Access Service Edge) và VPN (Virtual Private Network) thường được nhắc đến như những giải pháp quan trọng để bảo vệ dữ liệu và tài sản số của tổ chức. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có mục tiêu, cách triển khai và phạm vi áp dụng khác nhau, dẫn đến sự khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp phù hợp cho từng tình huống cụ thể.

Zero Trust là gì?

Zero Trust, SASE và VPN là gì?

Zero Trust là một mô hình bảo mật mạng hiện đại, dựa trên nguyên tắc cơ bản là không tin tưởng bất kỳ ai hoặc bất kỳ thứ gì, dù đó là người dùng hay thiết bị, dù ở trong hay ngoài mạng lưới của tổ chức. Thay vì giả định rằng mọi thứ trong mạng nội bộ là an toàn, Zero Trust yêu cầu xác thực mọi yếu tố và cấp quyền truy cập tối thiểu cần thiết cho từng đối tượng.

Zero Trust hoạt động dựa trên việc xác thực và ủy quyền liên tục. Điều này có nghĩa là mọi yêu cầu truy cập đều phải được xác thực bất kể nguồn gốc của nó. Zero Trust không chỉ xác minh danh tính người dùng mà còn giám sát hành vi của họ để phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào. Mô hình này thường sử dụng các công nghệ như xác thực đa nhân tố (Multi-Factor Authentication - MFA), xác thực dựa trên rủi ro và kiểm soát truy cập dựa trên chính sách (Policy-Based Access Control) để đảm bảo an toàn tối đa.

Mô hình Zero Trust mang đến nhiều lợi ích đáng kể cho hệ thống thông tin của tổ chức, trong đó nổi bật là cung cấp tính an toàn cao. Mô hình này giúp giảm thiểu rủi ro từ các cuộc tấn công cả bên trong lẫn bên ngoài bằng cách yêu cầu xác thực liên tục và chỉ cấp quyền truy cập tối thiểu cần thiết cho người dùng. Điều này cũng làm giảm nguy cơ từ nội bộ, vì ngay cả khi một thiết bị hoặc người dùng bị xâm nhập, thiệt hại sẽ bị giới hạn nhờ các quyền truy cập bị kiểm soát chặt chẽ và kiểm tra liên tục. Đặc biệt, Zero Trust còn cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn cho các môi trường phức tạp, cho phép quản lý hiệu quả tài nguyên trong cả mạng nội bộ và đám mây.

SASE là gì?

SASE là một khái niệm bảo mật mạng mới được tổ chức Gartner (Hoa Kỳ) giới thiệu. SASE là sự kết hợp các dịch vụ mạng và bảo mật vào một mô hình dịch vụ duy nhất, dựa trên đám mây. SASE tích hợp nhiều công nghệ bảo mật như SD-WAN (Software defined wide area network), bảo mật đám mây, ZTNA (Zero Trust Network Access) và FwaaS (Firewall-as-a-Service), nhằm cung cấp một giải pháp bảo mật toàn diện cho các tổ chức, đặc biệt là trong môi trường làm việc từ xa và đa đám mây.

Zero Trust, SASE và VPN là gì?

Hình  1. Kiến trúc của SASE (nguồn: a10networks.com)

SASE hoạt động bằng cách di chuyển các chức năng bảo mật truyền thống lên đám mây và kết hợp chúng với các dịch vụ mạng, tạo ra một mô hình dịch vụ thống nhất. Với SASE, các kết nối mạng được bảo vệ ngay từ điểm truy cập, cho dù người dùng đang ở văn phòng, tại nhà hay trên đường.

Zero Trust, SASE và VPN là gì?

Hình 2. Các thành phần của SASE (nguồn: paloaltonetworks)

Các thành phần chính của SASE bao gồm:

  • SD-WAN: Cung cấp kết nối mạng hiệu quả và tối ưu hóa đường truyền dữ liệu trên nhiều kênh.
  • ZTNA: Đảm bảo rằng chỉ những người dùng được xác thực và các thiết bị an toàn mới có thể truy cập vào tài nguyên mạng.
  • CASB (Cloud Access Security Broker): Giám sát hoạt động và thi hành các chính sách bảo mật khi người dùng truy cập các dịch vụ đám mây.
  • FWaaS: Cung cấp tường lửa mạnh mẽ dưới dạng dịch vụ đám mây, bảo vệ toàn diện mọi kết nối mạng.

SASE giúp các tổ chức dễ dàng quản lý và bảo vệ mạng lưới của mình, bất kể nơi làm việc của nhân viên hay vị trí của tài nguyên. SASE mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là khả năng tích hợp toàn diện các chức năng bảo mật và mạng. Với sự kết hợp này, SASE giúp đơn giản hóa quá trình quản lý hệ thống, đồng thời cải thiện hiệu suất mạng một cách đáng kể. Ngoài ra, SASE tối ưu hóa cho các tổ chức sử dụng nhiều dịch vụ đám mây, cung cấp bảo mật toàn diện và kết nối mạnh mẽ, phù hợp với môi trường đám mây. Tính linh hoạt của SASE cũng là một lợi thế lớn, cho phép bảo mật hiệu quả trong các mô hình làm việc từ xa và môi trường đa địa điểm.

VPN là gì?

Zero Trust, SASE và VPN là gì?

VPN là một công nghệ bảo mật truyền thống giúp bảo vệ lưu lượng truy cập mạng của người dùng bằng cách mã hóa dữ liệu và ẩn địa chỉ IP. VPN tạo ra một "đường hầm" an toàn giữa thiết bị của người dùng và máy chủ VPN, cho phép người dùng truy cập internet một cách an toàn, ngay cả khi họ đang sử dụng mạng công cộng.

VPN hoạt động bằng cách mã hóa toàn bộ lưu lượng truy cập internet của người dùng và chuyển nó qua một máy chủ từ xa trước khi đến đích cuối cùng. Điều này giúp bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng khỏi những mối đe dọa trên mạng, chẳng hạn như hacker hoặc các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) muốn theo dõi hoạt động của họ.

Có hai loại VPN phổ biến:

  • Remote Access VPN: Được sử dụng rộng rãi bởi các cá nhân và nhân viên làm việc từ xa, cho phép người dùng kết nối an toàn đến mạng nội bộ của công ty thông qua internet.
  • Site-to-Site VPN: Được sử dụng để kết nối các mạng LAN (Local Area Network) của các chi nhánh công ty với nhau, giúp truyền tải dữ liệu an toàn giữa các văn phòng ở các vị trí địa lý khác nhau.

VPN thường sử dụng các giao thức bảo mật như OpenVPN, IPSec và L2TP/IPSec để đảm bảo an toàn trong quá trình truyền tải dữ liệu. VPN mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là tính dễ sử dụng. Người dùng có thể dễ dàng thiết lập và sử dụng VPN mà không yêu cầu kỹ năng cao. Giải pháp cung cấp khả năng bảo mật mạnh mẽ khi truy cập internet từ xa, giúp bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các mạng công cộng, như Wifi tại quán cà phê hoặc sân bay. Thêm vào đó, VPN hỗ trợ ẩn danh trực tuyến bằng cách che giấu địa chỉ IP của người dùng, bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn sự theo dõi từ các bên thứ ba.

Tuy nhiên, VPN tồn tại nhược điểm lớn là giảm hiệu suất mạng do quá trình mã hóa và truyền dữ liệu qua máy chủ từ xa có thể làm chậm tốc độ kết nối internet. VPN cũng không phải là giải pháp lý tưởng cho các môi trường phức tạp như hạ tầng đa đám mây và có thể không đáp ứng được yêu cầu bảo mật của các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, rủi ro bảo mật vẫn tiềm ẩn khi máy chủ VPN bị xâm nhập, dẫn đến việc dữ liệu người dùng có thể bị lộ. Hơn nữa, không phải tất cả các dịch vụ VPN đều đảm bảo an toàn, thậm chí một số dịch vụ còn thu thập hoặc bán dữ liệu người dùng.

Mặc dù VPN là giải pháp phổ biến cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và truy cập an toàn từ xa, nhưng với các tổ chức có yêu cầu bảo mật cao và môi trường phức tạp, VPN cần được kết hợp với các công nghệ bảo mật tiên tiến hơn như Zero Trust và SASE để đảm bảo an ninh toàn diện.

Kết luận

VPN, Zero Trust và SASE đều là các giải pháp bảo mật mạng, nhưng có cách tiếp cận khác nhau. VPN chủ yếu tập trung vào việc tạo ra các kết nối an toàn từ xa bằng cách mã hóa dữ liệu, ẩn danh người dùng và có thể gặp hạn chế về hiệu suất và khả năng bảo vệ trong môi trường phức tạp. Trong khi đó, Zero Trust tiếp cận bảo mật theo nguyên tắc không tin tưởng bất kỳ ai, luôn yêu cầu xác thực và giới hạn quyền truy cập, phù hợp với các tổ chức muốn giảm thiểu rủi ro từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Còn SASE tích hợp cả việc bảo mật và kết nối mạng trên nền tảng đám mây, tối ưu cho môi trường đa đám mây và làm việc từ xa, cung cấp sự bảo mật linh hoạt và hiệu quả hơn so với VPN.

Tài liệu tham khảo

[1] Gartner, 2019 Hype Cycle for Network Security, 2020

[2] NIST, Zero Trust Architecture, 2020

[3] Cisco, VPN Technology Overview, 2023

[4] Forrester, Zero Trust eXtended (ZTX) Ecosystem in Cybersecurity, 2021

[5] Palo Alto Networks, SASE for Dummies 2nd Special Edition, 2022

[6] NordVPN, The best VPN protocols and differences between VPN types, 2023

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận