Thị trường chữ ký số công cộng Việt Nam có thêm 1 doanh nghiệp được cấp phép

Thị trường chữ ký số công cộng Việt Nam có thêm 1 doanh nghiệp được cấp phép

Việt Nam đã có 10 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng | SAVIS được chính thức cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng | Thị trường chữ ký số công cộng Việt Nam có thêm 1 doanh nghiệp được cấp phép

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Tung tâm Chứng thực điện tử quốc gia trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho Công ty cổ phần Công nghệ SAVIS (Nguồn ảnh: NEAC)

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) mới đây đã trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho Công ty cổ phần Công nghệ SAVIS.

SAVIS cũng là đơn vị đầu tiên được cấp phép theo Nghị định 130 năm 2018 của Chính phủ quy định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, với thời hạn giấy phép 10 năm kể từ 8/1/2019.

Các sản phẩm ứng dụng chữ ký số công cộng SAVIS sẽ cung cấp đã dạng bao gồm: Hóa đơn điện tử Go e-Invoice, Chữ ký điện tử Go e-Signer, Lưu trữ điện tử Go e-Archive. 

Theo quy định, để được cấp phép, nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng phải đạt được các tiêu chuẩn về tài chính, nhân lực, cũng như đáp ứng các yêu cầu khắt khe về hạ tầng kỹ thuật bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế (chuẩn an ninh FIPS PUB 140-2 mức 3, PKCS #1 version 2.1…).

Để đảm bảo các khách hàng tại Việt Nam đều được hưởng các ích lợi từ dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, SAVIS cam kết triển khai cung cấp các dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng TrustCA tại tất cả các khu vực trong cả nước,với nhiều lĩnh vực khác nhau như: cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và ký số cho giao dịch điện tử trong ngân hàng điện tử (e-banking), thanh toán điện tử (e-payment), thanh toán điện tử trên nền tảng di động Mobile Money,  thương mại điện tử (e-commerce), giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực Chính phủ điện tử như dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thuế điện tử, hải quan điện tử, bảo hiểm điện tử, y tế điện tử, hóa đơn điện tử, chứng thực điện tử...

Trước khi cấp phép cho Công ty cổ phần Công nghệ SAVIS, thị trường Việt Nam đã có 9 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA công cộng) được Bộ TT&TT cấp phép gồm: VNPT-CA, BKAV-CA, FPT-CA, Viettel-CA, Safe-CA, SmartSign (VinaCA), CA2 (Nacencom), Newtel-CA và EFY-CA.

Theo thống kê của NEAC, trong giai đoạn từ năm 2016 đến hết quý II/2018, số lượng chứng thư số đang hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng liên tục tăng trưởng, từ 847.976 chứng thư số năm 2016 lên đạt 898.053 chứng thư số vào năm 2017, tăng 6% so với năm 2016; và “cán mốc” 1.023.676 chứng thư số đang hoạt động vào thời điểm cuối quý II/2018, tăng 14% so với năm 2017.

Dịch vụ chữ ký số công cộng là dịch vụ dựa trên nền tảng Hạ tầng khóa công khai (PKI) có độ tin cậy cao đã triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới, được xem là giải pháp giải quyết triệt để các nguy cơ an ninh trong các giao dịch trực tuyến, cũng như được công nhận về tính pháp lý. Chính vì thế, hiện nay hầu hết các dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, khai thuế điện tử, hải quan điện tử và các dịch vụ hành chính công của các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Trung Quốc… đều sử dụng giải pháp chữ ký số cho các giao dịch điện tử và đây cũng là xu hướng tất yếu tại Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số.

Cá nhân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ chữ ký số công cộng sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại đàm phán, ký kết hợp đồng. Tất cả đều có thực hiện thông qua môi trường mạng. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia, dịch vụ chứng thực chữ ký số cho phép doanh nghiệp tiếp cận cơ hội kinh doanh tại bất kỳ đâu chữ ký số được công nhận.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận