80% người mua điện thoại sắm thêm phụ kiện

80% người mua điện thoại sắm thêm phụ kiện

Phụ kiện để bảo vệ (ốp lưng, dán màn hình), trang trí hay gia tăng tiện ích cho điện thoại (sạc nhanh, cáp...) đang dần phổ biến hơn trong hoạt động mua sắm thiết bị của người dùng. Theo ông Công Tiến Dũng - Giám đốc kinh doanh hệ thống bán lẻ di động Hoàng Hà Mobile, nhu cầu của khách hàng mua phụ kiện kèm máy hiện khoảng 80%.

"Cứ 10 người mua điện thoại sẽ có 8 người lựa chọn phụ kiện mua kèm, trong đó sản phẩm lựa chọn phổ biến là củ sạc nhanh, ốp lưng và tấm dán. Đây đều là những phụ kiện thiết yếu dành cho sản phẩm", ông Tiến Dũng chia sẻ tại buổi lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Hoàng Hà Mobile và nhà phân phối phụ kiện công nghệ HDAccessory diễn ra ở Hà Nội ngày 20.4.

Phụ kiện như ốp lưng, dán màn hình, sạc là sản phẩm được mua kèm nhiều mỗi khi người dùng sắm thiết bị di động mới

Phụ kiện như ốp lưng, dán màn hình, sạc là sản phẩm được mua kèm nhiều mỗi khi người dùng sắm thiết bị di động mới

CTV

Có một xu hướng khác là nhu cầu về chất lượng của sản phẩm đi kèm cũng gia tăng dần theo các năm. Trước đây, người mua không chú ý đến màu sắc, chất lượng mà chỉ chọn các sản phẩm giá rẻ thì hiện tại, họ dành nhiều sự quan tâm hơn đến vấn đề này. Lượng tiền chi tiêu do đó cũng tăng lên, từ tầm 200.000 - 300.000 đồng nay đã gấp đôi, đạt trung bình 500.000 - 700.000 đồng.

Một trong những lý do khách hàng chịu chi hơn cho các sản phẩm đi kèm là việc nhà sản xuất như Apple, Samsung đã cắt giảm trang bị có sẵn trong hộp máy, trong đó đáng kể nhất là củ sạc và tai nghe. Hiện nay, người dùng thường phải bỏ ra ít nhất 250.000 - 300.000 đồng cho một củ sạc 25 W - 30 W của hãng có tên tuổi, uy tín trên thị trường và gần như mọi khách hàng mới sở hữu smartphone cao cấp của 2 hãng trên đều phải mua thêm củ sạc.

Người dùng cũng "đầu tư" hơn cho dán màn hình chất liệu cường lực. Nếu như trước đây họ thường dán loại rẻ với tâm lý "có cho yên tâm" thì nay tìm đến sản phẩm của những thương hiệu uy tín cho khả năng chống xước, bảo vệ tốt hơn mà không làm giảm khả năng hiển thị cũng như thao tác cảm ứng trên màn hình. Các mẫu đắt tiền cũng thường có độ bền cao và một số thương hiệu còn được bảo hành từ đại lý hoặc hãng.

Bà Hằng Đặng - CEO HDAccessory chia sẻ thêm nếu một nhân viên "tư vấn, chốt đơn" giỏi, giá trị phụ kiện có thể lên tới 10% giá thành của máy. Hiện tại, đơn vị này đang cung cấp dải sản phẩm phụ kiện đa dạng ra thị trường bao gồm ốp lưng, cáp sạc, sạc dự phòng, túi chống sốc, balo, kính cường lực... với chất lượng định vị ở phân khúc cao cấp và thiết kế thời trang, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dùng.

Đại diện HDAccessory, Hypper và Hoàng Hà Mobile hợp tác cung cấp loạt phụ kiện di động cao cấp ra thị trường

Đại diện HDAccessory, Hypper và Hoàng Hà Mobile hợp tác cung cấp loạt phụ kiện di động cao cấp ra thị trường

Anh Quân

Tuy nhiên, để những thương hiệu có sản phẩm ở phân khúc cao cấp phát triển trong một thị trường phụ kiện được đánh giá là "thượng vàng hạ cám" như hiện nay, các nhà sản xuất, phân phối phải có chiến lược riêng. Hiện tại, người dùng tại Việt Nam dễ dàng mua được các sản phẩm giá rẻ không thương hiệu hoặc giả, nhái trên sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội với mức giá chỉ bằng 1/10 hàng thật.

Ông Barry Miller - Phó chủ tịch mảng Kinh doanh và Marketing của Hyper - thương hiệu phụ kiện đến từ Mỹ cho rằng những nhãn hàng cao cấp phải tìm được đúng "điểm chạm" với nhu cầu của người mua, cung cấp cho khách thứ họ cần hoặc đang thiếu để lấp khoảng trống trên thị trường hiện nay. Khi các thương hiệu khác bắt đầu đưa ra sản phẩm tương tự, nhà sản xuất muốn tiến xa hơn buộc phải tìm cách thay đổi và tạo ra những bước đột phá mới.

"Chiến lược đặt ra là phải hiểu được người dùng cần gì và đi giải quyết vấn đề của họ, đảm bảo có thể lấp được khoảng trống trên thị trường bằng các sản phẩm chất lượng cao", ông Miller nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận