AI của Google Health có thể phát hiện ung thư vú mà mắt người không thể nhận diện

AI của Google Health có thể phát hiện ung thư vú mà mắt người không thể nhận diện

AI của Google Health có thể phát hiện ung thư vú mà mắt người không thể nhận diện

Việc phải đi chẩn đoán ung thư vú là điều chẳng ai muốn nghe, nhưng nếu buộc phải làm điều đó, bạn sẽ muốn cuộc chẩn đoán diễn ra thật chính xác.

Không may là phương thức phát hiện ung thư vú chủ yếu hiện nay thông qua chụp X-quang tuyến vú, và rồi bản chụp sẽ được xem xét bởi một bác sỹ chuyên về X-quang, có thể dẫn đến một chẩn đoán sai trong nhiều trường hợp. Thậm chí có lúc người ta còn chẳng phát hiện ra ung thư!

Bộ phận Health của Google đã dành nhiều năm để tìm cách giải quyết vấn đề này thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hôm thứ 4 tuần qua, công ty này cùng với công ty con là Deepmind, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Hoàng gia Anh, Đại học Northwestern, và Bệnh viện Hoàng gia Surrey, đã đồng xuất bản một nghiên cứu trên tạp chí Nature, trong đó nêu lên những thành công mà họ đạt được trong quá trình nghiên cứu cho đến thời điểm hiện tại.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thành công trong việc phá triển một mô hình AI có khả năng xác định ung thư vú trong các bản chụp X-quang tuyến vú mà các bác sỹ X-quang bỏ lỡ. AI này đã được thử nghiệm với các bản chụp của hơn 25.000 phụ nữ từ Anh và hơn 3.000 phụ nữ từ Mỹ, và kết quả cho thấy nó đã có thể giảm được số chẩn đoán sai bệnh ung thư vú trên các phụ nữ khỏe mạnh.

Dominic King, giám đốc Google Health tại Anh, cho biết các kết quả thử nghiệm cho thấy nhóm của ông đang có những bước tiến thuận lợi trong việc phát triển một công cụ có thể phát hiện ung thư vú với độ chính xác cao hơn. "Sẽ cần nhiều thử nghiệm, đánh giá lâm sàng hơn nữa, cũng như sự chấp thuận từ các cơ quan hữu quan trước khi công cụ này có thể được đưa vào hoạt động, nhưng chúng tôi cam kết sẽ hợp tác với các đối tác để đạt được mục tiêu đó" – ông nói.

Nếu nghiên cứu tiếp tục cho thấy thành công, thì đây là một tin rất vui đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Ung thư vú là loại ung thư phổ biến bậc nhất đối với phụ nữ trên toàn cầu, và tại Anh và Mỹ, cứ 8 phụ nữ sẽ có 1 người mắc phải căn bệnh này ở một thời điểm nào đó trong đời – theo NHS và Hiệp hội Ung thư Mỹ.

Chụp nhũ ảnh là công cụ phổ biến nhất được dùng để chẩn đoán ung thư, nhưng cứ 5 ca chẩn đoán thì lại có 1 ca bị các bác sỹ X-quang bỏ sót. Mặt khác, 50% số phụ nữ từng tham gia chẩn đoán trong vòng 10 năm qua tại Mỹ nhận được kết quả chẩn đoán sai.

Trong các bài thử nghiệm ban đầu, AI của Google đã phát hiện ra các ca ung thư bị bỏ sót bởi các bác sỹ X-quang, nhưng cũng có những ca nó bỏ sót ung thư, còn các bác sỹ thì không, cho thấy trong một số trường hợp, AI vẫn có khả năng sai.

Các nhà nghiên cứu nhận định rằng trong tương lai, các chuyên gia y tế có thể sử dụng AI để tránh bỏ sót ung thư vú, đồng thời giúp những phụ nữ khỏe mạnh tránh được việc phải thực hiện những xét nghiệm sinh thiết không cần thiết, cũng như rơi vào tình trạng stress vì tin rằng họ có thể mắc ung thư.

AI của Google Health cũng sẽ giúp các bác sỹ X-quang không phải tiến hành chẩn đoán nhiều lần, và thậm chí có thể chỉ ra những dấu hiệu của ung thư trong thời gian thực, khi quá trình quét đang diễn ra.

"Dù nghiên cứu ban đầu này khá hấp dẫn, nhưng các thử nghiệm xác thực trong tương lai sẽ rất cần thiết để hiểu rõ hơn các mô hình như thế này có thể mang lại hiệu quả ra sao khi tích hợp vào hoạt động chẩn đoán lâm sàng" – Tiến sỹ Mozziyar Etemadi, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

"Trong một số trường hợp, con người vượt trội hơn AI, và trong một số trường hợp khác, kết quả ngược lại. Nhưng mục tiêu cuối cùng sẽ là tìm ra kết tốt nhất để kết hợp cả hai – ma thuật của bộ não con người sẽ chưa thể biến mất được".

Theo Vnreview

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận