Trong email gửi đến nhân viên, "gã khổng lồ" điện toán đám mây cho biết dù AI tạo sinh mang lại nhiều hữu ích và làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, nhân viên không được phép chia sẻ bất kỳ tài liệu bí mật, thông tin của khách hàng khi sử dụng chatbot của công ty khác.
Chính sách nêu rõ những dữ liệu như email, trang Wiki nội bộ, code, thông tin mật, chiến lược ra mắt sản phẩm... đều có thể bị công ty bên thứ ba thu thập để huấn luyện AI. Do đó, toàn bộ nhân viên Amazon phải tuân thủ chặt chẽ chính sách bảo mật. Amazon còn nhấn mạnh rằng những công ty cung cấp dịch vụ AI tạo sinh có thể yêu cầu quyền sở hữu đối với bất cứ nội dung mà người dùng nhập vào, cũng như câu trả lời mà mô hình đưa ra.
Vào đầu năm 2023, sau khi phát hiện một số phản hồi của ChatGPT trùng khớp với dữ liệu nội bộ Amazon, công ty đã cảnh báo nhân viên không được cung cấp thông tin bí mật nào cho chatbot. Theo Insider, một số nhân viên tiết lộ đã nhờ ChatGPT hỗ trợ viết code.
Mặc dù AI ngày càng trở nên phổ biến, các cuộc tranh cãi xung quanh quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa được giải quyết. Đối với Amazon, vấn đề bản quyền có thể nhạy cảm hơn vì Microsoft là đối thủ cạnh tranh của họ trong mảng điện toán đám mây. Trong khi Microsoft đang dẫn đầu trong lĩnh vực AI nhờ khoản đầu tư vào OpenAI và các sản phẩm AI tạo sinh khác thì Amazon vẫn chưa có động thái nổi bật nào.
Tuy vậy, Amazon vẫn cho phép nhân viên sử dụng các mô hình AI từ bên thứ ba nếu được cấp trên chấp thuận và đảm bảo tuân theo chính sách công ty.
Adam Montgomery - người phát ngôn của Amazon cho biết công ty có sẵn các biện pháp để nhân viên sử dụng AI một cách an toàn, bao gồm hướng dẫn truy cập vào dịch vụ của bên thứ ba và cách bảo vệ thông tin mật. Bên cạnh đó, những email nội bộ gần đây cho biết một số nhân viên có thể truy cập Bedrock - công cụ AI nội bộ của Amazon như một giải pháp thay thế an toàn.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: thanhnien.vn
Tham gia bình luận