Apple "bắt nạt" đối tác, coi chừng "gậy ông đập lưng ông"

Apple "bắt nạt" đối tác, coi chừng "gậy ông đập lưng ông"

Apple bắt nạt đối tác, coi chừng gậy ông đập lưng ông

Chiến lược "tự sản xuất" này của Apple khiến một số nhà cung ứng gặp khó khăn, nhưng với Apple, đó cũng là chiến lược kiểu "con dao hai lưỡi", có thể một ngày nào đó sẽ biến Apple thành Nokia.

Imagination Technologies Group Plc đã phát hiện ra cuộc sống thay đổi như thế nào khi hãng bị Apple bỏ rơi. Điều đáng nói là ngày càng nhiều nhà cung cấp linh kiện phải chịu số phận giống như Imagination Technologies, khi công ty công nghệ lớn nhất thế giới mở rộng vào các lĩnh vực cần đến những con chip đặc biệt được thiết kế nội bộ.

Dialog Semiconductor Plc, Synaptics Inc. và Cirrus Logic Inc đều đặc biệt bị tổn thương bởi những thay đổi chuỗi cung ứng của Apple. Một nhà sản xuất linh kiện là Avnet Inc đã dừng hợp tác với Apple vì mối quan hệ này chi phối tỷ suất lợi nhuận của hãng quá nhiều.

Nhiều năm nay Apple đã tự sản xuất vi xử lý, nhưng lại đang tiếp tục tự thiết kế, sản xuất những linh kiện khác, bao gồm chip đồ họa, chip Bluetooth và các loại chip khác trong smartphone. Tự sản xuất linh kiện rất tốn kém, và rủi ro, nhưng nó lại giúp Apple duy trì được hoạt động cung ứng, khi gần đây làn sóng thâu tóm và sáp nhập khiến số lượng nhà sản xuất chip mà Apple từng hợp tác trở nên ít đi.

Để đảm bảo mức giá rẻ hơn, Apple muốn bất cứ linh kiện nào cũng phải có ít nhất 2 nhà cung cấp. Nhưng riêng trong năm ngoái, 1 trong 5 nhà sản xuất chip ở Mỹ đã bị thâu tóm. Những nhà cung cấp chính của Apple là SanDisk Corp., Broadcom Corp., TriQuint Semiconductor Inc., Intersil Corp., Sharp Corp., Elpida Memory Inc., RF Micro Devices Inc. và Fairchild Semiconductor International đều bị thâu tóm từ năm 2013.

Nhà phân tích Betsy Van Hees của công ty Loop Capital Markets LLC cho biết đã có 35 công ty chip bị thâu tóm từ năm 2014. Đó là lý do tại sao Apple dần chuyển vào chiến lược tự sản xuất chứ không thuê ngoài. Trước đây, Apple rất dễ o ép cá nhà sản xuất bên ngoài để nâng cao tỷ suất lợi nhuận của hãng.

Năm nay là một năm đặc biệt quan trọng với Apple vì hãng chuẩn bị ra mắt 3 iPhone, trong đó có một thiết bị chủ lực với thiết kế hoàn toàn mới. Việc lắp đặt một chuỗi sản xuất mới rất đắt đỏ, và Apple cần tìm cách tiết kiệm.

Chi phí không phải là động lực duy nhất để Apple tự sản xuất linh kiện. Việc tự sản xuất còn giúp công ty tăng cơ hội để phần cứng của hãng phối hợp liền mạch hơn với phần mềm của hãng. Đó là lời giám đốc tài chính Luca Maestri của Apple giải thích tại một hội nghị hôm 14/2. "Chúng tôi sẽ kiểm soát thời gian, chi phí và chất lượng tốt hơn".

Tự sản xuất phần cứng cũng giúp đáp ứng nhu cầu của Apple về sự khác biệt mà hãng không thể có được khi thuê ngoài. Chẳng hạn, tai nghe Bluetooth AirPods ra mắt năm ngoái, sử dụng chip truyền thông dùng ít năng lượng mà Apple có được nhờ việc mua lại Passif Semiconductor năm 2013. Năm 2012, Apple chi 356 triệu USD mua AuthenTec Inc, hãng chuyên sản xuất cảm biến vân tay và các chipset liên quan, giúp tạo ra công nghệ quét vân tay trên iPhone.

Năm ngoái, Apple đã có những đàm phán nhằm mua lại Imagination Technologies. Tuy nhiên, vào ngày 3/4, Imagination nói Apple sẽ ngừng sử dụng công nghệ đồ họa của họ sau khi đã phát triển được giải pháp riêng. Apple cũng tuyển dụng một số nhân viên của Imagination, trong đó có cựu giám đốc điều hành John Metcalfe.

Thực trạng này khiến các nhà phân tích và nhà đầu tư lo ngại những nhà cung cấp nào tiếp theo sẽ là "nạn nhân" của Apple. Một trong những cái tên là Dialog, đã giảm 20% giá trị hôm 11/4 vừa qua sau khi nhà phân tích Karrsten Iltgen dự đoán Apple có thể sẽ không dùng chip kiểm soát năng lượng của Dialog nữa. Apple đang thiết lập các trung tâm thiết kế chip kiểm soát năng lượng ở Munich và California, và đã có làn sóng các kỹ sư của Dialog chuyển sang làm việc cho Apple.

Synaptics, hãng chuyên sản xuất linh kiện giúp kiểm soát màn hình cảm ứng của iPhone cũng có thể bị tổn thương. Apple đã thuê "một số lượng kha khá" các kỹ sư của công ty Synaptics.

Ngoài ra, Cirrus Logic, sản xuất chip audio dùng trong iPhone, cũng gặp rủi ro bị Apple "thất sủng", vì hiện Apple đang phát triển các linh kiện cạnh tranh với Cirrus Logic.

Tuyển dụng các chuyên gia không hề rẻ. Năm năm qua, Apple đã tăng gấp đôi chi phí nghiên cứu và phát triển, để có thể tự sản xuất linh kiện và phát triển thêm nhiều công nghệ ấn tượng khác.

Nghiên cứu về bán dẫn là một trong những thứ tốn nhiều chi phí nhất trong ngành công nghiệp, thường chiếm hơn 18% doanh thu. Apple đã chi 4,7% thu nhập vào R&D, tăng từ mức 2,2% năm 2012.

Tuy nhiên, kết quả của những khoản đầu tư này có thể rất đáng giá. Bán dẫn chiếm khoảng 1/3 chi phí sản xuất iPhone. Apple cần phải làm mọi cách để gia tăng tỷ suất lợi nhuận trên mỗi chiếc iPhone mà hãng bán ra.

Rủi ro chính ở đây là Apple có thể bị nhỡ những xu hướng công nghệ mới mà các chuỗi cung ứng có. Ngày càng phát triển mô hình tự sản xuất linh kiện, Apple sẽ ngày càng có ít nhà cung cấp giới thiệu với hãng những sáng tạo mới nhất. Khi Noki Oyj là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, hãng đã tập trung cắt giảm chi phí và kiểm soát cung ứng linh kiện, vì thế đã bỏ nhỡ những thay đổi quan trọng trên thị trường.

Hãy nhìn vào những gì Apple đã làm với Imagination và Dialog Semi và tất cả những hãng cung ứng cho Apple. Đó chính là những gì Nokia đã làm vào cái ngày Nokia là vua của thế giới di động, một nhà phân tích nói.

Theo Bloomberg, đó là chưa kể, việc tự sản xuất linh kiện còn có những rủi ro khác, như một số đối tác quyết định họ sẽ không muốn giao dịch với Apple nữa. Bill Amelio, cựu giám đốc điều hành của Lenovo, người hiện đang điều hành hãng Avnet, nói ông sẽ không cung cấp linh kiện cho Apple và điều đó giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận của họ hơn.

Phoenix, một nhà phân phối chip và các linh kiện máy tính khác ở Arizona, Mỹ, có tỷ suất lợi nhuận là 13,7% trong quý gần đây nhất. Mức tỷ suất lợi nhuận này cao hơn 2% so với cách đây 1 năm – nhờ việc cắt các hợp đồng cung ứng với Apple.

Theo Vnreview

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận