Bến Tre chi gần 1.300 tỷ đồng chuyển đổi số

Bến Tre chi gần 1.300 tỷ đồng chuyển đổi số

UBND tỉnh Bến Tre hôm 20/10 chính thức công bố đề án chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030.

Bến Tre xác định, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch... do đó tỉnh không thể đứng ngoài xu thế này.

Đại diện UBND tỉnh công bố đề án, ông Trịnh Minh Châu – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, chia sẻ các mục tiêu của đề án đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.

Bến Tre chi gần 1.300 tỷ đồng chuyển đổi số
Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, công bố Đề án chuyển đổi số Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. (Ảnh: Hải Đăng)

Đến năm 2030, theo đề án, Bến Tre sẽ trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu trong chuyển đổi số khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là nơi thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ và mô hình mới, phát triển đồng bộ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, Bến Tre trở thành một trong những tỉnh thành công trong chuyển đổi số, phát triển công nghiệp nội dung số, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Bên cạnh đó, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Đến năm 2025, tỉnh tập trung phát triển 3 mục tiêu gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Cụ thể, phát triển chính quyền số để 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Song song đó, 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Tỉnh đặt mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, một nửa hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Ở lĩnh vực kinh tế số, tỉnh đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Đồng thời, Bến Tre vào nhóm 25 tỉnh dẫn đầu về công nghệ thông tin.
Thứ ba, tỉnh tập trung phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Trong đó, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Trong đề án này, tỉnh xác định chuyển đổi số 4 lĩnh vực ưu tiên trước mắt gồm y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch.

Tổng kinh phí thực hiện đề án chuyển đổi số của Bến Tre là 1.285.920 triệu đồng, lấy từ ngân sách nhà nước và nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Bến Tre kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ triển khai thực hiện chuyển đổi số; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông; tư vấn, hỗ trợ ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin; nghiên cứu và hỗ trợ cho địa phương xây dựng khu công nghệ cao hoặc liên kết với các khu công nghệ cao lớn, nhằm tạo động lực và hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Bến Tre chi gần 1.300 tỷ đồng chuyển đổi số
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, phát biểu kết thúc hội nghị. (Ảnh: Hải Đăng)

Phát biểu kết thúc sự kiện, ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, khẳng định đề án chuyển đổi số là quyết tâm của tỉnh, nhận được sự ủng hộ cao từ lãnh đạo bộ, ngành, và các doanh nghiệp, cá nhân. Đề án chuyển đổi số của tỉnh dù đã được ban hành nhưng vẫn chưa hoàn thiện, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Điều này chính là động lực để các cơ quan ban ngành cùng nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trong đề án.

Chuyển đổi số là cơ hội lớn của Bến Tre nhưng cũng là thử thách không nhỏ trong quá trình thực hiện. Do đó, ông Đức yêu cầu các cán bộ chủ chốt của tỉnh phải tuyên truyền để người dân hiểu được chuyển đổi số là điều tỉnh muốn làm và phải làm.

Ông Đức cũng cám ơn Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin & Truyền thông) trong việc hỗ trợ Bến Tre trong quá trình xây dựng đề án. Cùng với đó, ông đề nghị các sở ngành phối hợp Bộ TT-TT chọn một huyện, xã trong địa bàn để thử nghiệm các dịch vụ mới trong quá trình thực hiện đề án.


Theo ICTnews

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận