Changpeng Zhao (CZ) thành lập Binance tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 2017, nhưng đã chuyển sang Nhật Bản hoạt động chỉ sau vài tháng vì lệnh cấm huy động vốn bằng tiền số (ICO) của Trung Quốc. Vào năm 2021, Trung Quốc tuyên bố tất cả giao dịch liên quan đến tiền số là bất hợp pháp.
Theo một nền tảng nội bộ tại Binance có tên là “Mission Control”, các khách hàng Trung Quốc đã giao dịch hơn 90 tỉ USD tiền số vào tháng 5.2023, hầu hết các giao dịch nằm trong hợp đồng tương lai (future contract) gắn liền với tiền số. Có 5,6 triệu người dùng ở Trung Quốc đã đăng ký tại sàn giao dịch Binance, trong đó hơn 900.000 người vẫn đang hoạt động. Nhóm điều tra của Binance đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc để phát hiện hoạt động tội phạm tiềm ẩn trong số những người dùng này.
Giám đốc nghiên cứu của công ty Chainalysis cho biết thị trường tiền số của Trung Quốc vẫn vững mạnh, với khối lượng giao dịch tốt ở cả dịch vụ tập trung (centralized) và phi tập trung (decentralized). Theo Chainalysis, bất chấp sự sụt giảm ban đầu sau lệnh cấm vào năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ tư về giao dịch tiền số.
Trong một bài đăng trên blog vào năm 2022, CZ nói thách thức lớn nhất mà Binance phải đối mặt hiện nay là công ty bị xem là một thực thể tội phạm ở Trung Quốc, ngược lại, phe đối lập ở phương Tây lại coi Binance là "công ty Trung Quốc".
Hoạt động kinh doanh của Binance tại Trung Quốc tụt xuống 17% sau khi lệnh cấm được ban hành, nhưng đã tăng trở lại vào năm 2022 và duy trì ở mức cao ổn định. Các nhà giao dịch tiền số ở Trung Quốc thường sử dụng mạng riêng ảo VPN (Virtual Private NetWork) để bảo vệ danh tính cá nhân khi đăng ký trên sàn.
Tuy nhiên, Binance bác bỏ các báo cáo cho rằng sàn giao dịch này đang che giấu hoạt động ở đất nước tỉ dân. Binance khẳng định trang web Binance.com hoàn toàn bị chặn ở Trung Quốc và người dùng nơi đây không thể truy cập.
Đây không phải là lần đầu tiên Binance bị cáo buộc duy trì mối quan hệ với khách hàng Trung Quốc. Vào tháng 3, nhân viên của Binance đã hỗ trợ các khách hàng ở Trung Quốc vượt qua quy trình xác minh danh tính Know Your Customer. Trong vụ việc này, Binance cho biết họ sẽ "có hành động" đối với những nhân viên “có thể đã vi phạm” các chính sách nội bộ.
Mặc dù tuyên bố rời đi vào năm 2017, Binance vẫn giữ lại nhân viên hoạt động ở Trung Quốc và thiết lập một văn phòng hoạt động đến cuối năm 2019, đồng thời trả lương cho nhân viên thông qua một tài khoản ngân hàng Trung Quốc, theo CoinTelegraph.
Trong những tháng gần đây, Binance phải đối mặt với áp lực từ các cơ quan quản lý trên toàn thế giới. Đầu tháng 6, Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) cáo buộc CZ và Binance đã chuyển hướng dòng tiền của khách hàng, đánh lừa các nhà đầu tư, còn Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cáo buộc Binance là một sàn giao dịch bất hợp pháp. Chính quyền Bỉ cũng yêu cầu Binance ngừng tất cả dịch vụ tiền kỹ thuật số tại quốc gia này vào tháng 6. Vào ngày 26.7, đơn xin cấp phép lưu ký tiền số của Binance đã bị Cơ quan Giám sát tài chính Liên bang Đức (BaFin) từ chối.
Bất chấp những sóng gió đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu, vào ngày 1.8, Binance triển khai các hoạt động giao dịch tại Nhật Bản với sự chào đón nồng nhiệt từ các cơ quan tài chính Nhật.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: thanhnien.vn
Tham gia bình luận