Ảnh minh họa |
Quy chuẩn thống nhất cho giao dịch điện tử khu vực công
Thông tư số 12/2025/TT-BKHCN vừa được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành ngày 11 tháng 7 năm 2025. Thông tư thiết lập khung pháp lý toàn diện cho việc thiết lập, vận hành Hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.
Hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước được gọi tắt là DTM sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Quy định này áp dụng cho toàn bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư số 12/2025/TT-BKHCN đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể mà các hệ thống DTM phải đáp ứng. Hệ thống cần có khả năng mở rộng linh hoạt, tích hợp với nhiều hệ thống khác thông qua các giao diện lập trình ứng dụng chuẩn. Đặc biệt, hệ thống phải hỗ trợ cả hai phương thức tiếp nhận dữ liệu: trực tuyến theo thời gian thực và theo từng đợt.
Về mặt hiệu năng, quy định yêu cầu hệ thống hoạt động ổn định 24/7 với thời gian ngừng hoạt động tối đa chỉ 1% trong năm. Kiểm tra, diễn tập phục hồi dữ liệu định kỳ tối thiểu 1 lần/năm đối với hệ thống lớn. Với các hệ thống nhỏ tổ chức kiểm tra phù hợp điều kiện thực tế, đảm bảo khả năng phục hồi dữ liệu.
An toàn thông tin được đặt lên hàng đầu
Một trong những điểm quan trọng của Thông tư là việc quy định nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn thông tin. Toàn bộ dữ liệu kết nối và chia sẻ phải được mã hóa bằng giao thức HTTPS và SSL/TLS. Hệ thống cần thực hiện đánh giá xâm nhập định kỳ theo quy định pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Quy định cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức thực hiện xác thực thông qua các phương thức bảo mật hiện đại như API Key hoặc OAuth2.0. Mọi API phải được cung cấp tài liệu chi tiết, rõ ràng để đảm bảo việc tích hợp diễn ra thuận lợi.
Thông tư thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu rõ ràng giữa các cơ quan. Dữ liệu được phân thành nhiều loại: chiến lược và chính sách phát triển giao dịch điện tử, số liệu báo cáo và thống kê hoạt động, dữ liệu phục vụ thanh tra và giải quyết khiếu nại.
Đặc biệt, quy định khuyến khích việc áp dụng Cổng API để quản lý tập trung toàn bộ các API, nhằm kiểm soát truy cập, phân phối, bảo vệ và ghi nhận nhật ký hoạt động. Điều này giúp nâng cao hiệu quả, tính linh hoạt và an toàn của hệ thống API.
Thông tư phân định Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ quản các hệ thống kết nối để xử lý sự cố, vướng mắc phát sinh trong quá trình thiết lập và duy trì kết nối.
Các cơ quan, tổ chức thực hiện kết nối có trách nhiệm tuân thủ đúng quy định, yêu cầu kỹ thuật và lộ trình đã thống nhất với cơ quan quản lý hệ thống. Họ cũng phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình rà soát, kiểm tra, đối soát và đảm bảo dữ liệu thu thập đầy đủ, toàn vẹn, chính xác, kịp thời.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2026. Trong thời hạn một năm kể từ ngày thông tư có hiệu lực, các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan có trách nhiệm rà soát, xây dựng, điều chỉnh hoặc nâng cấp các hệ thống thông tin hiện có để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, kết nối và chia sẻ dữ liệu theo quy định mới.
Việc ban hành thông tư này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử hiện đại và hiệu quả.
![]() Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trước những băn khoăn của các đại biểu trong phiên thảo luận về ... |
![]() Giải pháp chữ ký số MobiFone CA cung cấp ba phương thức ký linh hoạt, đảm bảo tính pháp lý cho giao dịch điện tử, ... |
![]() Nghị định 194/2025/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 19 tháng 8 năm 2025, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng ... |
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: dientungaynay.vn
Tham gia bình luận