Chuyên gia xây dựng lộ trình bán dẫn cho Singapore chỉ ra “chìa khóa” để Việt Nam thu hút tỷ đô phát triển ngành công nghiệp này

Chuyên gia xây dựng lộ trình bán dẫn cho Singapore chỉ ra “chìa khóa” để Việt Nam thu hút tỷ đô phát triển ngành công nghiệp này

TIN MỚI

Trong kỷ nguyên 4.0, người ta nói nhiều về phân tích dữ liệu, bảo mật, quyền riêng tư và hay AI (mà ChatGPT là một điển hình)... nhưng yếu tố cơ bản không thể thiếu cho các công nghệ nói trên là phần cứng, mà tối quan trọng chip bán dẫn.

Chia sẻ bên lề phiên tọa đàm về công nghệ bán dẫn trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học VinFuture, GS. Teck-Seng Low đến từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS), người từng đóng vai trò quản lý, thúc đẩy và quyết định trong việc vạch ra lộ trình nghiên cứu phát triển công nghiệp bán dẫn của Singapore, đưa ra lời khuyên cho Việt Nam: “Nhân tài là chìa khóa”.

Chuyên gia xây dựng lộ trình bán dẫn cho Singapore chỉ ra “chìa khóa” để Việt Nam thu hút tỷ đô phát triển ngành công nghiệp này - Ảnh 1.

Chuyên gia xây dựng lộ trình bán dẫn cho Singapore chỉ ra “chìa khóa” để Việt Nam thu hút tỷ đô phát triển ngành công nghiệp này - Ảnh 2.

Hồi tháng 9/2023, GlobalFoundries - một trong ba nhà cung cấp chip lớn nhất thế giới - đã khánh thành nhà máy mới rộng 23.000m2, không phải ở Mỹ, nơi đang trợ cấp hàng tỷ USD cho sản xuất chip trong nước, cùng không phải Đài Loan (Trung Quốc), quê hương của các nhà máy chip tiên tiến nhất thế giới, mà là tại Singapore, quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á với chưa đầy 6 triệu dân.

Singapore, thời điểm mới giành được độc lập năm 1965, có xuất phát điểm rất thấp, đất nước nhỏ, chỉ 700km2, dân số thì ít, chỉ khoảng 2 triệu người. Các nước lớn, có thể bắt đầu bằng các ngành sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, nhưng thị trường nội địa của Singapore không đủ để làm thế.

Là một quốc gia nhỏ, Singapore không có con đường nào khác ngoài tập trung vào ngành nào tạo được nhiều giá trị nhất, nhưng sử dụng ít đất đai nhất, và sản xuất ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu toàn cầu. Ngành điện tử là ngành được lựa chọn, và một loạt quyết sách đã được đưa ra theo đường hướng đó, bắt đầu từ việc phải thu hút nhà đầu tư nước ngoài, như Philips, Siemens.

GS Teck-Seng Low nói: “Với Singapore, chúng tôi xây dựng ngành bán dẫn từ con số không. Ban đầu, chúng tôi thu hút các công ty nước ngoài đến đất nước Singapore xây dựng ngành công nghiệp điện tử.

Ví dụ như Philips, khi mới đến với chúng tôi, họ sản xuất bàn là, rồi sau đó là radio. Khi họ sản xuất radio, thì các công ty Singapore tiến hành sản xuất bộ dò sóng, và giờ đây tất cả radio của Philips trên toàn thế giới đều sử dụng bộ dò sóng của Singapore, và từ đó, chúng tôi mới phát triển năng lực sản xuất để tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao.

Giờ thì chúng tôi có tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn: từ lắp ráp, cho tới thiết kế, rồi đo kiểm với các công ty nội địa tham gia vào chuỗi giá trị”.

Chuyên gia xây dựng lộ trình bán dẫn cho Singapore chỉ ra “chìa khóa” để Việt Nam thu hút tỷ đô phát triển ngành công nghiệp này - Ảnh 3.

Có một số chuyên gia cho rằng đầu tư cho bán dẫn đòi hỏi nguồn lực khổng lồ và Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức nếu muốn “nhảy” vào lĩnh vực này, chỉ nên tập trung vào một số lĩnh vực như thiết kế chip?

Tôi chưa có nghiên cứu về lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam, nhưng thông qua tin tức và trao đổi với các đồng nghiệp tại đây, tôi được biết Việt Nam đang tiến rất nhanh trên tiến trình công nghiệp hóa nói chung, và thu hút các nhà sản xuất bán dẫn nói riêng. Hiện nay, do vấn đề địa chính trị, cũng có những nhà sản xuất đang có chiến lược chuyển cơ sở sản xuất từ một nước khác sang Việt Nam, nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội này sẽ rất tuyệt vời.

Ngành bán dẫn là cả một hệ sinh thái có rất nhiều công đoạn, có những công đoạn đòi hỏi rất nhiều vốn. Ví dụ đầu tư vào fab (nhà máy chế tạo chất bán dẫn để sản xuất chip) thì phải tốn hàng tỷ đô, rồi xây dựng nhà máy sản xuất wafer thì cũng vô cùng tốn kém. Để làm được việc đó ở Việt Nam, các bạn cần thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào, cũng như cách mà chúng tôi đã làm ở Singapore.

Ở đất nước tôi, ban đầu chúng tôi chỉ đảm nhiệm được việc lắp ráp, đo kiểm, rồi dần dần mới chuyển sang phần thiết kế. Hay ngày nay, ở Malaysia, Penang, người ta cũng đang lắp ráp, kiểm thử, Intel ở đó, không ở Singapore.

Bán dẫn là câu chuyện ở cấp độ vật liệu. Còn một cách tổng quát, chúng ta hãy nhìn từ ngành điện tử, với các thiết bị như TV, radio… đến cấp độ sơ khai hơn là chip, rồi tiếp đó mới là bán dẫn. Việt Nam cần bắt đầu ở một công đoạn nào đó, rồi tiến lên. Sản xuất chip, wafer… và tất cả những công đoạn khác, sẽ là một bước đi lớn.

Chuyên gia xây dựng lộ trình bán dẫn cho Singapore chỉ ra “chìa khóa” để Việt Nam thu hút tỷ đô phát triển ngành công nghiệp này - Ảnh 4.

Với kinh nghiệm của ông, Việt Nam cần chuẩn bị gì để tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn?

Khó để nói Việt Nam cần làm gì, nhưng tôi sẽ chia sẻ với bạn kinh nghiệm của Singapore.

Yếu tố quan trọng nhất là nhân tài. Nếu bạn muốn lập công ty ở đâu đó, bạn phải có người làm được việc, nhiều việc, hãy nghĩ mà xem. Ví dụ như ở Việt Nam, các bạn rất giỏi sản xuất sơn mài đúng không? Chính vì các bạn có người có tay nghề. Thì ở Singapore cũng thế, trong lĩnh vực này, chúng tôi có người có tay nghề.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, bạn phải có người có tay nghề, người có kiến thức…có nghĩa là các bạn phải đào tạo, giáo dục con người, phải đầu tư vào các viện nghiên cứu, các trường đại học. Các bạn phải đầu tư cho nghiên cứu, để khi các giáo sư nghiên cứu, họ có kinh nghiệm để sau này giảng dạy cho sinh viên, để sau này đào tạo nhân sự.

Nếu các nhà khoa học trong lĩnh vực này - những người sẽ đào tạo ra nhân lực - cũng thiếu thì sao? Ông có lời khuyên gì cho chúng tôi?

Khó quá, giải quyết thế nào thì ta phải hỏi Chính phủ (cười). Tôi chỉ có thể nói cho bạn biết là cần có những gì thôi. Và điều này cũng không phải bí mật gì cả, đọc tin tức thì ta thấy ngay, chuyện xảy ra ngay cả ở Mỹ, vì Mỹ thì nghĩ là TMSC nên có cơ sở ở Mỹ, không thể phụ thuộc Trung Quốc được, nhưng khi TMSC đến Arizona, họ nói Arizona không có nguồn nhân lực sẵn có như ở Đài Loan (Trung Quốc), hay Singapore.

Đầu tư cho ngành bán dẫn quả thực rất tốn kém, nên cần thu hút đầu tư nước ngoài, thế thì nhân tài chính là chìa khóa. Cùng với đó, tất nhiên bạn cần những nguồn lực khác, tiền thì là một chuyện rồi, cần cả tài nguyên nước và năng lượng nữa.

Chuyên gia xây dựng lộ trình bán dẫn cho Singapore chỉ ra “chìa khóa” để Việt Nam thu hút tỷ đô phát triển ngành công nghiệp này - Ảnh 5.

Ở Singapore, chúng tôi đầu tư trước hết vào hệ thống giáo dục. Chúng tôi cũng xác định rằng, nếu muốn leo lên những nấc thang cao hơn công nghệ, phải đầu tư vào nghiên cứu.

Đầu tư vào nghiên cứu thì tốn kém, đầu tư cho giáo dục cũng có thể là đắt, nhưng đất nước chúng tôi không có lựa chọn. Giáo dục là khoản đầu tư tốt nhất mà chúng tôi có thể, để chắc chắn rằng chúng tôi sẽ trở nên cạnh tranh. Chúng tôi bắt buộc phải là một nơi tốt hơn Malaysia, Indonesia, Philippines. Họ rộng lớn hơn chúng tôi, có nhiều cơ hội phát triển hơn. Chúng tôi nhỏ hơn, thế thì công nghệ phải cao hơn.

Nếu để đưa ra lời khuyên, thì đầu tư vào đúng chỗ là rất quan trọng, đối với chúng tôi là giáo dục, nghiên cứu. Và tôi có thể nói là chúng tôi may mắn, khi có một chính phủ được dẫn dắt bởi những lãnh đạo có niềm tin vào khoa học công nghệ.

Singapore so với Đài Loan (Trung Quốc), hay những điểm đến khác, thì nhiều nhà đầu tư lại cho rằng nhân lực của chúng tôi đắt hơn. Nhưng chúng tôi lý giải rằng, ngoài nhân lực, chúng tôi có rất nhiều điểm mạnh khác. Chính phủ Singapore có rất nhiều chính sách để thu hút nhà đầu tư: chúng tôi có chính trị ổn định, luật pháp rõ ràng, chính phủ kiến tạo, chỉ số dễ dàng kinh doanh thì tốt, và chính sách khuyến khích nhân tài, lao động nhập cư cũng rất thuận lợi.

Với rất nhiều thách thức như thế, liệu cơ hội trong ngành bán dẫn của Việt Nam có đang bị đánh giá quá lạc quan hay không?

Cơ hội cho Việt Nam tôi nghĩ là nhiều. Đất nước của các bạn lớn hơn chúng tôi, nên có nhiều cơ hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, thủy hải sản, y sinh… để phát triển giải pháp về AI, data, blockchain cho tiến trình số hóa các ngành, mà vi điện tử lại là gốc rễ cho tất cả những thứ đó.

Chúng tôi có ít cơ hội nên phải bắt ngay, chẳng có lựa chọn nào khác, các quốc gia mà có nhiều cơ hội thì họ còn phải dành thời gian cân nhắc (cười). Việt Nam rất may mắn là có nhiều cơ hội, thì phải biết nắm bắt những cơ hội đó.

Chuyên gia xây dựng lộ trình bán dẫn cho Singapore chỉ ra “chìa khóa” để Việt Nam thu hút tỷ đô phát triển ngành công nghiệp này - Ảnh 6.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận