Hiện có nhiều quan niệm về chuyển đổi số khiến nó dần bị biến tướng và không được coi trọng đúng mức. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không diễn ra. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Chris Layden, nguyên Phó Tổng Giám đốc và Quản lý kinh doanh toàn cầu của ManpowerGroup, về tác động của công nghệ đối với lao động năm 2024.
* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về công nghệ đang được áp dụng ở nhiều lĩnh vực?
- Ông CHRIS LAYDEN: Hiện có hơn 2/3 doanh nghiệp (DN) dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích số liệu nhằm cải thiện việc quản lý kho bãi và giảm hàng tồn kho. Những công ty trong ngành hàng tiêu dùng, phối hợp với các nhà sản xuất, đang tăng cường áp dụng robot và máy in 3D, 4D để tinh gọn chuỗi cung ứng và tạo tính tùy chỉnh ở quy mô lớn. Tại kho bãi, robot sẽ thực hiện hiệu quả hơn với việc luân chuyển, lấy hàng và đặt hàng. Còn việc lưu trữ dữ liệu - thu thập, lọc, phân tích dữ liệu cũng thông qua các mô hình học máy tiên tiến như ChatGPT vốn luôn được xem là rất quan trọng. Ước tính đến năm 2025, việc sử dụng các thiết bị từ nguồn dữ liệu này sẽ lên tới gần 4.800 lần/ngày.
Tất cả điều này có ý nghĩa rất lớn để DN quản lý lao động hiệu quả, bởi thị trường lao động đang có một cuộc cạnh tranh về ứng dụng công nghệ. Đơn cử như ngành công nghệ và tài chính, các ngành vốn có sức hút lớn đối với lao động, nhất là thế hệ trẻ.
* Vậy công nghệ là yếu tố đầu tiên để các DN hướng đến?
- Phải thừa nhận là công nghệ rất quan trọng. Nhưng tôi vẫn thường khuyên các khách hàng rằng nếu công nghệ có kiến tạo tương lai, thì các vai trò công việc cũng đâu giậm chân tại chỗ. Hiện nay, nhiều ngành nghề mới đã xuất hiện như thiết kế kỹ thuật số, đại sứ thương hiệu và nhân viên quản lý chuỗi cung ứng với khả năng sử dụng công nghệ xuyên suốt quá trình tương tác với khách hàng.
Có thể thấy khách hàng đang quan tâm hơn đến việc kết hợp giữa công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT). Bởi sự tích hợp này hiện được áp dụng rộng rãi cho sản xuất, hoàn tất đơn hàng, đã làm thay đổi mối quan hệ giữa nơi sản xuất sản phẩm và khách hàng. Đó là chưa kể đến các thay đổi về giao, nhận, chọn hàng, lập kế hoạch, phân loại và dự trữ hàng hóa tại các khu phân phối.
Lãnh đạo và giám đốc nhân sự DN không thể giữ mãi tư duy "IT là nhất" được nữa. Đa số khách hàng của tôi đều cho rằng họ cần người có cả kỹ năng công nghệ và tư duy con người cho nhiều vị trí. Chuyển đổi là cần thiết để ngành hàng tiêu dùng có thể đúc kết và phát triển các kỹ năng thiết yếu vì một tương lai bền vững trong thị trường đầy cạnh tranh.
* Lời khuyên chung cho DN là gì, thưa ông?
- Gần đây, xu hướng tập trung vào các giá trị bền vững đang được quan tâm rất nhiều. Qua tiếp xúc với khách hàng, tôi đã rút ra được hai hướng tiếp cận tuy khác nhau nhưng lại đồng nhất về tính bền vững, đó là chuỗi cung ứng tiêu biểu hiện được nhiều DN tìm cách tăng tính minh bạch; sáng kiến xanh, là sản xuất các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng dự đoán sẽ có 30 triệu việc làm xanh mới sẽ xuất hiện vào năm 2030.
Sự linh hoạt hóa lao động và hoạch định nhân lực sẽ giúp DN xác định nhân viên nào mong muốn và có thể làm được nhiều hơn, qua đó tạo ra môi trường năng suất hơn. Về công nghệ, sự kết hợp giữa IT và OT sẽ đòi hỏi sự đồng lòng của bộ phận IT với các phòng ban khác trong quy trình sản xuất để có thể giữ chân lao động chủ chốt bằng cách định hướng sự nghiệp cho họ thông qua việc trau dồi kỹ năng.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: cafef.vn
Tham gia bình luận