Chủ tịch Hà Nội: 'Giữa Thủ đô mà lừa đảo như ở miền núi, rất vô lý'

Chủ tịch Hà Nội: 'Giữa Thủ đô mà lừa đảo như ở miền núi, rất vô lý'

TIN MỚI

Sáng 23/5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2024 tại Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai).

Tại hội nghị, anh Nguyễn Thành Công (Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Âu Cơ) nêu thực tế, hiện nay có một số đối tượng cho vay tín dụng đen và các đối tượng lừa đảo tự nhận là công an, cán bộ gọi điện thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có những trường hợp công nhân lao động bị lừa đảo lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

"Tôi mong muốn UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố và các cơ quan liên quan có chế tài và các biện pháp quản lý mạnh hơn nữa để ngăn chặn kịp thời các vấn đề trên", anh Công kiến nghị.

Chủ tịch Hà Nội: 'Giữa Thủ đô mà lừa đảo như ở miền núi, rất vô lý'- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành.

Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Thành Long cho rằng, tình trạng lừa đảo qua mạng là vấn đề hết sức nan giải, rất nhức nhối. Các đối tượng phạm tội lợi dụng sự thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin của một bộ phận người dân, nhất là người già nên có khó khăn nhất định trong phòng ngừa.

Theo Phó Giám đốc Công an Hà Nội, khó khăn nhất là nhiều đối tượng có thể thu gom thông tin cá nhân để mở tài khoản, chuyển tiền bất hợp pháp, đa số trung tâm lừa đảo đặt ở nước ngoài... Dù đã tuyên truyền nhiều, gắn với từng tổ dân phố, khu dân cư nhưng tình trạng người dân vẫn bị lừa và càng ngày càng phức tạp, với số tiền lớn.

"Về tín dụng đen, một phần nguyên nhân là do đời sống công nhân còn khó khăn, có nhu cầu về tín dụng từ 10-30 triệu đồng mà mức này ngân hàng và công ty tài chính thường không cung cấp. Nếu họ không tìm đến người thân, bạn bè thì sẽ tìm ở bên ngoài", ông Long phân tích.

Lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội khuyến nghị, công nhân lao động nếu có thông tin về các trường hợp tín dụng đen, lừa đảo cần cung cấp cho cơ quan chức năng để đấu tranh, triệt phá.

Thông tin thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, hiện Sở đang phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tích cực tăng cường tuyên truyền ngăn chặn tín dụng đen trên các kênh truyền thông, báo chí.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, vấn đề tín dụng đen và lừa đảo qua mạng hiện đang rất nóng, nguy hiểm, gây thiệt hại lớn. Một mặt, các cơ quan chức năng nhà nước, trong đó có ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần tăng cường tín dụng cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận vốn để không phải đi vay nóng. Một mặt, phải chống loại tội phạm này - một nhiệm vụ rất phức tạp, cần thực hiện một cách kiên quyết, bền bỉ, lâu dài.

Chủ tịch Hà Nội phân tích, hiện nay, lượng người xem truyền hình, báo chí không cao bằng mạng xã hội. Vì thế, Hà Nội cần thiết phải có biện pháp để những thông tin cảnh báo được ưu tiên xuất hiện trên các nền tảng nhiều người dùng như facebook, zalo, tiktok...

"Nghe xót lắm, giữa Thủ đô mà lừa đảo như ở miền núi, vùng sâu vùng xa, rất vô lý", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

Theo Chủ tịch Hà Nội, một giải pháp nữa là các cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát về quy trình chuyển tiền ra nước ngoài. Ông Thanh băn khoăn, các gia đình có con em đi học ở nước ngoài thực hiện chuyển tiền phải qua rất nhiều thủ tục, nhưng tại sao tội phạm lừa đảo trên mạng chuyển tiền rất dễ dàng...

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận