Cuối năm 2022: 75% các hộ gia đình Việt Nam có internet cáp quang

Cuối năm 2022: 75% các hộ gia đình Việt Nam có internet cáp quang

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 15/3/2022 đã ký Quyết định 27/QĐ-UBQGCĐS ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022.

Kế hoạch nêu rõ phát triển hạ tầng số đặt mục tiêu yêu cầu trong năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 75%.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tập trung chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, Chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Bộ trưởng Bộ TT&TT trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ

Kế hoạch phân công nhiệm vụ phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân sẽ do Bộ trưởng Bộ TT&TT chủ trì chỉ đạo, các địa phương phối hợp thực hiện. Mục tiêu đến hết năm 2022 là tối thiểu 75% hộ gia đình có cáp quang, phủ sóng băng rộng di động tới 100% thôn/bản và tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 85%.

Trước đó, Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022 cho biết, tính đến tháng 2/2022, Việt Nam có 19,6 triệu thuê bao băng rộng cố định đến tận hộ gia đình (FTTH) và mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ gia đình có đường cáp quang với tốc độ 200 Mbit/s. Ông Nhã khẳng định đây là thách thức lớn khi tốc độ hiện nay đạt 68 Mbit/s và để đạt mục tiêu vào năm 2025, Việt Nam phải có kế hoạch cụ thể đối với việc phát triển hạ tầng cáp quang tới hộ gia đình.

Ông Nguyễn Phong Nhã phát biểu tại Hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022. Ảnh: Đào Công

Ông Nhã đánh giá, việc phát triển băng rộng cố định trong năm 2021 đã tạo được ấn tượng khi thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em", gần 1400 điểm lõm sóng đã được phủ sóng chủ yếu bằng mạng 4G. Với chương trình viễn thông công ích được phê duyệt vào tháng 12/2021, ông Nhã cho biết năm 2022, băng rộng cố định sẽ được ưu tiên triển khai đến vùng sâu và vùng xa và các thôn bản hiện chưa được phủ sóng di động.

Giá thành và chất lượng dịch vụ FTTH "có lợi" cho người dân 

Theo BroadBand Choices, người dùng Internet tại Việt Nam trung bình phải chi ra 11,5 USD cho một tháng sử dụng mạng, Việt Nam là một trong những quốc gia có giá cước Internet rẻ nhất châu Á nói riêng và thế giới nói chung.

Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ Internet, theo ông Nhã các doanh nghiệp viễn thông cần tập trung nguồn lực để nâng cấp băng thông, nâng cao năng lực thiết bị moderm, mở rộng băng thông trong nước, quốc tế.

Đặc biệt, để nâng chất lượng cáp quang đến hộ gia đình, ông Nhã cho rằng vai trò của nhà mạng rất quan trọng cần tập trung nguồn lực để nâng cấp băng thông, nâng cao năng lực thiết bị moderm, mở rộng băng thông trong nước, quốc tế. Đặc biệt trong việc cung cấp các gói cước, ứng dụng có yêu cầu tốc độ cao, Modem đầu cuối, Wi-Fi của các hộ gia đình cũng cần được nhà mạng quan tâm, nâng cấp.

Ông Nhã chia sẻ một số chính sách lớn như huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân vào phát triển hạ tầng. Các doanh nghiệp nhà nước tập trung nguồn lực vào các địa bàn chưa có hạ tầng mạng cáp quang, nâng cao chất lượng đầu cuối. "Đây chính là việc mong muốn phổ cập dịch vụ tới vùng sâu xa, sử dụng công nghệ mới để đưa cáp quang tới hộ gia đình, thôn bản, đưa vùng phủ sóng công nghệ mới tới thôn bản".

Đồng thời, các nhà mạng cần đẩy mạnh việc đo kiểm, đánh giá định kỳ bằng trải nghiệm người dùng, tạo sự cạnh tranh giữa các nhà mạng viễn thông, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông trong nước trong thời gian tới./.

Theo Tạp chí Điện tử

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận