Đi sau về 2G, 3G, 4G nhưng với 5G, Việt Nam sẽ đi cùng thế giới

Đi sau về 2G, 3G, 4G nhưng với 5G, Việt Nam sẽ đi cùng thế giới

Đi sau về 2G, 3G, 4G nhưng với 5G, Việt Nam sẽ đi cùng thế giới
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Sáng 24/8, tại Hà Nội đã diễn ra buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Bộ TT&TT với cán bộ hưu trí qua các thời kỳ. Buổi gặp mặt được tổ chức nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thông tin & Truyền thông (28/8).

Định hướng phát triển mới của ngành TT&TT

Tại buổi gặp mặt, nhiều thông tin đã được chia sẻ với các cán bộ hưu trí về sự phát triển của ngành TT&TT. Theo đó, lĩnh vực bưu chính đang có sự thay đổi cơ bản từ chuyển phát báo chí thành thương mại điện tử, Một số công ty bưu chính đang hướng mục tiêu chuyển đổi thành các công ty công nghệ.

Với tốc độ phát triển bình quân từ 30 - 40% mỗi năm, thu nhập của người lao động trong ngành bưu chính hiện tiến gần với thu nhập của người lao động ngành viễn thông. Nếu giữ được nhịp độ này, sau khoảng 10 năm nữa, ngành bưu chính sẽ vượt viễn thông cả về doanh thu lẫn công nghệ.

Với lĩnh vực viễn thông, các dịch vụ data đang phát triển và dần thay thế dịch vụ thoại, nhắn tin truyền thống. Bộ TT&TT cũng đã cho triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số với tỷ lệ chuyển mạng thành công trên 70%.

Ngành viễn thông đang tiến tới việc cung cấp dịch vụ thanh toán online không thông qua tài khoản ngân hàng (mobile money). Bộ TT&TT cũng đã cấp giấy phép cho 3 nhà mạng để thử nghiệm và hướng tới việc thương mại hoá mạng 5G.

Trong lĩnh vực này, Bộ TT&TT đặt mục tiêu Việt Nam phải sản xuất được các thiết bị hạ tầng viễn thông. Thách thức với ngành viễn thông hiện tại là khả năng tăng trưởng thấp. Tuy nhiên cùng với chuyển đổi số, sẽ có nhiều dịch vụ mới ra đời, điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành viễn thông.

Bộ TT&TT hiện đang tập trung phát triển Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT). Đề án Chuyển đổi số cũng đang được Cục Tin học hoá xây dựng trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở chuyển đổi số, Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện hạ tầng số, an ninh mạng, đào tạo nhân lực CNTT, hoàn thiện thể chế với trọng tâm là chính sách sandbox nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ.

Song song với đó, Bộ TT&TT cũng tiến hành nhiều cải cách nhằm đổi mới các lĩnh vực truyền thống như báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình & thông tin điện tử.

Bộ TT&TT sẽ đưa lĩnh vực CNTT và báo chí phát triển

Tại buổi gặp mặt, ông Châu Kỳ, Trưởng Ban liên lạc ATK đã ôn lại câu chuyện cảm động của những cán bộ thông tin liên lạc ATK. Ban ATK gồm 300 cán bộ có nhiệm vụ chuyển thư từ, đưa đón cán bộ. Ông Kỳ cũng thay mặt Ban ATK gửi lời cảm ơn đối với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ TT&TT.

Cũng tại đây, nhiều ý kiến đã được các bậc lão thành chia sẻ nhằm đóng góp cho sự phát triển của Ngành. Một trong số đó là những trăn trở của ông Nguyễn Huy Luận - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về việc tại sao 5G hiện vẫn chưa được thương mại hoá tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện thế giới vẫn chưa có một chuẩn chung thống nhất dành cho 5G. Một số nước đã bắt đầu cho triển khai dùng thử công nghệ 5G. Tuy nhiên đây đều là những nước có nguồn lực mạnh bởi nếu không giống với tiêu chuẩn chính thức, các thiết bị đang triển khai hiện nay sẽ không thể dùng lại được.

Tháng 9 này sẽ có một hội nghị về tần số vô tuyến điện toàn cầu. Từ đây, các nước trên thế giới mới cùng nhau đưa ra quyết định về việc dùng tần số nào để triển khai mạng 5G.

Việt Nam chiếm 3 vị trí trong tổng số 131 công ty trên thế giới đã triển khai 5G. Vào năm 2020, khi thế giới tuyên bố chuẩn 5G, Việt Nam cũng sẽ chính thức thương mại hoá 5G, thậm chí là bằng các thiết bị tự sản xuất. Việt Nam là nước đi sau khi triển khai 2G, 3G, 4G, nhưng với 5G, chúng ta sẽ đi cùng với thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Khép lại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi lời cảm ơn và chúc sức khoẻ tới các cán bộ hưu trí ngành TT&TT qua các thời kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hứa với cán bộ hưu trí trong ngành, sẽ làm tốt trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Đó là đưa lĩnh vực CNTT của nước nhà phát triển và đưa lĩnh vực báo chí tuyên truyền phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo ra sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường.

Theo VietNamNet

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận