Thế hệ Z giữa từ lo âu tồn tại đến hành trình tự chủ

Thế hệ Z giữa từ lo âu tồn tại đến hành trình tự chủ

Thế hệ Z giữa cơn bão toàn cầu: Từ lo âu tồn tại đến hành trình tự chủ

Là thế hệ đầu tiên tiếp cận công nghệ số, Thế hệ Z phải chịu tác động từ tình hình bất ổn toàn cầu theo cách mà không thế hệ nào khác từng trải qua. Ảnh: Getty.

Thế hệ Z trưởng thành giữa chiến tranh, khủng hoảng khí hậu, lạm phát và cả sự đảo lộn của thị trường việc làm toàn cầu.

"Chúng tôi lớn lên khi hình ảnh chiến tranh tràn ngập màn hình. Trước chín giờ sáng, chúng tôi đã thấy máy bay không người lái, tên lửa, trẻ em bị thương. Không thế hệ nào trước chúng tôi chứng kiến điều đó," Amogh Mehrotra, 25 tuổi, nhà nghiên cứu khoa học thần kinh và trí tuệ nhân tạo, chia sẻ.

Từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine năm 2022, chiến sự kéo dài giữa Israel và Hamas, đến căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran, thế giới mà thế hệ này lớn lên ngày càng mong manh. Biến đổi khí hậu, giá nhà tăng vọt, lạm phát và làn sóng sa thải nhân viên cũng khiến việc xây dựng tương lai trở nên khó nắm bắt hơn bao giờ hết.

"Chúng tôi được thừa hưởng những hệ thống hỏng hóc, nhưng lại được kỳ vọng phải sửa chữa chúng," Mehrotra nói.

Thay vì tuyệt vọng hoàn toàn, một số người trẻ đang chọn cách phản ứng bằng sự châm biếm. Trên TikTok, những video ghi lại cảnh tên lửa rơi xuống thành phố với chú thích "Chiến tranh đầu tiên, hơi lo lắng" thu hút hàng triệu lượt thích. Một video khác gợi ý trang phục cho "Thế chiến thứ ba" với phong cách quân đội và trang phục của tù nhân chính trị.

Tuy nhiên, đối mặt thực tế chưa bao giờ dễ dàng. Tanushree Srivastava, 26 tuổi, chuyển từ Ấn Độ sang Vương quốc Anh vào năm 2021 với ước mơ làm việc trong ngành thời trang. Nhưng giấc mơ nhanh chóng sụp đổ trước rào cản thị thực, sự thắt chặt tuyển dụng và tình hình kinh tế suy yếu.

Cô buộc phải từ bỏ ngành học yêu thích và chuyển sang làm quan hệ công chúng tại một công ty tài trợ thị thực. "Tôi đến đây bằng khoản vay lớn của gia đình. Giờ mọi thứ thay đổi liên tục vì chính sách, lạm phát, chiến tranh... Tôi không biết ngày mai sẽ ra sao, vậy tôi có nên lập kế hoạch gì nữa không?"

Srivastava cho biết những căng thẳng địa chính trị khiến cô lo lắng cho sự an toàn của gia đình ở Ấn Độ, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Pakistan.

Ý nghĩ về việc mua nhà hay lập gia đình dường như xa vời. "Tất cả trở nên quá rủi ro... Bây giờ chỉ cần tồn tại thôi đã rất tốn kém rồi."

Khảo sát năm 2025 của Deloitte với hơn hai mươi ba nghìn người thuộc Thế hệ Z và Y tại bốn mươi bốn quốc gia cho thấy hơn 80 phần trăm cho rằng chi phí sinh hoạt và bất ổn tài chính là nguyên nhân gây căng thẳng hàng đầu.

Gần một nửa thế hệ Z cảm thấy không an toàn về mặt tài chính và hơn năm mươi phần trăm sống dựa vào lương tháng. Khoảng bốn mươi mốt phần trăm lo sợ rằng họ sẽ không thể nghỉ hưu một cách thoải mái.

Thay vì chờ đợi một tương lai đảm bảo, nhiều người đã chọn con đường tự chủ. Amrita Bhasin, tốt nghiệp Đại học Berkeley, từng nhận được lời mời làm việc tại một tập đoàn công nghệ lớn, nhưng cuối cùng quyết định khởi nghiệp.

Sau khi chứng kiến bạn bè bị sa thải, công việc bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo, cô nhận ra rằng ngành công nghệ không còn ổn định. "Nhiều người đã bỏ ra hai trăm đến ba trăm nghìn đô để học khoa học máy tính rồi vẫn thất nghiệp. Họ đã làm mọi thứ đúng quy trình, nhưng kết quả cuối con đường không còn được đảm bảo nữa," cô nói.

Hiện Bhasin là đồng sáng lập Sotira, một nền tảng thương mại điện tử trong lĩnh vực logistics.

Cô không đơn độc. Khảo sát năm 2024 của Fiverr với hơn mười nghìn người thuộc thế hệ Z cho thấy 70 phần trăm đang làm nghề tự do hoặc có kế hoạch theo đuổi, một phần tư muốn khởi nghiệp để đạt sự tự do tài chính và nghỉ hưu sớm.

Harsha Poojari, 29 tuổi, đã thành lập công ty riêng mang tên An Honest Media Company. Cô cho biết mạng xã hội và luồng thông tin dày đặc có thể khiến sức khỏe tinh thần thế hệ Z suy giảm, nhưng cũng tạo ra cơ hội chưa từng có.

"Chúng tôi có quyền tự chủ mà các thế hệ trước không có. Giờ tôi có thể nghỉ việc và làm điều mình muốn, chọn khách hàng phù hợp với giá trị sống," cô chia sẻ.

Poojari tin rằng công việc không nên chỉ là để sống sót. "Tôi cảm thấy điều quan trọng hơn bao giờ hết là thời gian và năng lượng mình bỏ ra phải hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho cả cá nhân tôi và nhân loại."

Dù phải đối mặt với những khủng hoảng sâu rộng, nhiều người trẻ đang tìm cách điều chỉnh, tái thiết và đổi mới. "Xung đột địa chính trị phơi bày những lỗ hổng của xã hội. Chúng tôi nhìn thấy vấn đề và đang hành động," Bhasin nói. Cô khẳng định, nếu có một thế hệ nào có khả năng giải quyết những vấn đề này, thì chính là Thế hệ Z.

Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận