Gấp rút triển khai bản đồ số Việt Nam

Gấp rút triển khai bản đồ số Việt Nam

Gấp rút triển khai bản đồ số Việt Nam

Theo kế hoạch, trong tháng 1 này, tất các các tỉnh, thành phố sẽ hoàn thành việc thu thập dữ liệu này trên toàn quốc. Đây là nền tảng bản đồ của người Việt, là cơ sở để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.

Hệ thống dữ liệu của người Việt

Nhằm tạo lập và chia sẻ dữ liệu nền tảng địa chỉ tới từng số nhà, từng địa chỉ trên quy mô toàn quốc (gồm địa chỉ các địa danh: cơ quan hành chính, trường học, văn hóa, y tế, giáo dục, các địa danh du lịch, cửa hàng… và cả địa chỉ nhà dân), cuối năm 2018, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) được giao nhiệm vụ phối hợp với Trung ương Đoàn TNCSHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án “Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam”.

Dự án nằm trong khuôn khổ đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án không chỉ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (các lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…), cơ sở dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin đi kèm của các đối tượng (địa danh, trường học, bệnh viện, hiệu thuốc, khách sạn, địa chỉ nhà dân...) mà còn xây dựng các ứng dụng sử dụng bản đồ đi kèm.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy khẳng định: Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống dữ liệu của riêng mình, vừa đảm bảo phục vụ yêu cầu trong việc quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân. “Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam” là nền tảng bản đồ của người Việt, là cơ sở để các doanh nghiệp có thể sử dụng tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch… Thông qua bản đồ số Việt Nam, người dùng có thể dễ dàng tìm và được chỉ đường cụ thể đến từng ngõ, hẻm hoặc các thôn, xã.

Với kinh nghiệm thu thập dữ liệu trên toàn quốc trong nhiều lĩnh vực, VNPOST được giao là đơn vị chủ trì trong dự án, có vai trò thiết lập và đảm bảo hạ tầng cho hệ thống; xây dựng phương án thu thập, rà soát dữ liệu… Từ tháng 11-2018, hai địa phương đầu tiên được lựa chọn thí điểm triển khai là Phú Yên và Hậu Giang. Thông qua smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi nhân viên bưu điện, đoàn viên, thanh niên sẽ thực hiện thu thập tên địa chỉ (hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm…); địa chỉ chi tiết của địa điểm (số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ…). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn.

Tính đến ngày 11-1-2019, cả nước đã thu thập khoảng 1.387.321 địa chỉ, trong đó riêng tỉnh Phú Yên và Hậu Giang đã cơ bản hoàn thành việc thu thập dữ liệu địa chỉ của toàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh Phú Yên thu thập được 218.841 địa chỉ; Hậu Giang là 181.255 địa chỉ.

Có thể khai thác từ quý 2/2019

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng bản đồ số Việt Nam trong tháng 1-2019, đến thời điểm hiện tại, 100% bưu điện tỉnh, thành phố đã phối hợp với các tỉnh đoàn, thành đoàn để xây dựng kế hoạch và phân chia địa bàn thu thập dữ liệu. Từ ngày 14-1 tất cả các địa phương trên cả nước đã đồng loạt ra quân thu thập dữ liệu địa chỉ.

Tuy nhiên một trong những khó khăn lớn hiện nay là thời gian triển khai gấp, trong vòng 1 tháng nên đòi hỏi rất nhiều lực lượng tham gia. Song song đó vẫn còn một số địa phương chưa nắm bắt được nội dung cụ thể của đề án, nhiều hộ dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc xây dựng nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam nên còn có phản ứng khi nhân viên đi thu thập dữ liệu. Để giải quyết những khó khăn này, mới đây Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (tại văn bản số 12709/VPCP-KGVX) yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ KH-CN, VNPOST và các đơn vị liên quan triển khai, tạo điều kiện cho việc thu thập dữ liệu phục vụ dự án. Đặc biệt, khuyến khích người dân cùng tham gia vào việc thu thập dữ liệu địa chỉ trên địa bàn.

“Muốn dự án đảm bảo tốt cả về thời gian và chất lượng, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan cung cấp cho VNPOST các bản đồ địa chính, bản đồ giao thông, số liệu dân cư… để xây dựng cơ sở dữ liệu nhanh và chuẩn xác. Từ kinh nghiệm đã triển khai của một số tỉnh trong việc hỗ trợc lực lượng đi thu thập dữ liệu thông tin, địa chỉ, UBND các tỉnh cũng xem xét hỗ trợ cho các cá nhân tham gia thu thập những chi phí cần thiết như xăng xe, Internet tốc độ cao”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết.

Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPOST, các bưu điện tỉnh, thành phố và tỉnh đoàn, thành đoàn cần thống nhất phân công công việc rõ ràng; lập danh sách phân chia địa bàn cụ thể cho mỗi bên trong quá trình thu thập dữ liệu. Các bưu điện tỉnh sẽ là đầu mỗi kỹ thuật, tổ chức đào tạo hướng dẫn cho lực lượng đoàn viên thanh niên, nhân viên bưu điện tham gia thu thập dữ liệu. Đối với 2 tỉnh Phú Yên và Hậu Giang đã cơ bản triển khai xong việc thu thập địa chỉ sẽ tiếp tục thí điểm việc vận hành và khai thác thông tin trên bản đồ số, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn để người dân và các tổ chức, doanh nghiệp tự cập nhật các thông tin liên quan đến địa chỉ trên bản đồ, góp phần tạo nên hệ thống dữ liệu phong phú, đa dạng. Phấn đấu đến quý 2-2019, bản đồ số Việt Nam có thể đi vào vận hành và khai thác.

Theo SGGP

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận