Phát triển ứng dụng là một lĩnh vực thử thách đối với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, đặc biệt trong khía cạnh nâng cao năng suất làm việc. Trong khi việc soạn thảo một email cho khách hàng hay người thân có thể dễ dàng chấp nhận một chút sai sót, việc sử dụng AI để lập trình lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Một lỗi nhỏ trong đoạn code được AI tạo ra có thể làm cho ứng dụng không hoạt động đúng cách, hoặc thậm chí không hoạt động được. Nhưng may mắn thay, đã có sự xuất hiện của một số công cụ AI hiệu quả dành cho các nhà phát triển, cụ thể là các lập trình viên.
Dưới đây là các công cụ có khả năng hỗ trợ tuyệt vời cho các lập trình viên ở đủ trình độ khác nhau, dù là mới vào nghề hay đã là coder lâu năm
Android Studio Bot
Rõ ràng công cụ này chỉ phù hợp với những lập trình viên phát triển các ứng dụng Android. Nhưng với riêng mục đích này, có thể thích hợp hơn ChatGPT.
Android Studio Bot được xây dựng nhằm mục đích giải đáp các câu hỏi trong quá trình phát triển ứng dụng Android. Theo đó, công cụ này có thể tạo code, chạy kiểm thử Unit test và theo dõi tài nguyên. Android Studio Bot cũng được tích hợp vào các bản phát hành Canary của Android Studio Iguana, vì vậy bạn không cần phải chuyển đổi qua lại từ trình duyệt web của mình.
Tuy nhiên, cần lưu ý là Android Studio Bot vẫn chưa thực sự đáng tin cậy. Đây vẫn là phần mềm thử nghiệm, có nghĩa là ngoài khả năng tạo ra các đoạn code không chính xác, bạn cũng có thể gặp phải các lỗi thông thường như lỗi phần mềm hoặc trục trặc giao diện. Tin vui là Studio Bot hoàn toàn miễn phí và có mặt ở 170 quốc gia.
Trang chủ: https://developer.android.com/studio/preview
Tabnine
Đây thực sự là một công cụ có các tính năng mạnh mẽ hỗ trợ cho việc lập trình. Theo đó, Tabnine là một trợ lý AI hỗ trợ lập trình đa mục đích và chức năng, vốn tự động tạo khối mã dựa trên yêu cầu của người dùng và đề xuất các giải pháp cho việc hoàn thành chức năng.
Người dùng cũng có thể kết nối Tabnine với cơ sở code và kiến thức của tổ chức mà không gặp vấn đề về sở hữu trí tuệ. Công cụ này hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình như Rust, Python và JavaScript. Vấn đề thực sự duy nhất của Tabnine là nó vẫn có thể mắc lỗi, đặc biệt là với JavaScript. Chưa kể đến, người dùng sẽ cần một chiếc PC có cấu hình mạnh mẽ để chạy trơn tru Tabnine, khi công cụ này tiêu tốn rất nhiều dung lượng RAM và tài nguyên CPU, đồng nghĩa với việc không thể chạy trên các máy client có cấu hình thấp.
Hiện tại, người dùng có thể dùng Tabnine miễn phí để hoàn thành các đoạn code ngắn, nhưng để hoàn thành toàn bộ dòng code và tận dụng đầy đủ chức năng, bạn sẽ cần nâng cấp lên gói Pro hoặc Enterprise. Gói Pro có giá 12 USD mỗi tháng cho mỗi người dùng, trong khi Enterprise thậm chí không có chi phí cố định, mặc dù cần thiết cho những việc như kiểm tra đơn vị và bảo mật triển khai tối đa. Nói cách khác, bạn sẽ phải liên hệ tới nhà phát triển Tabnine để biết được báo giá phù hợp.
Trang chủ: https://www.tabnine.com/pricing
GitHub Copilot
Trong khi bản thân GitHub là nơi có nhiều dự án nguồn mở và miễn phí, thì Copilot gần như là một sản phẩm phải trả phí - tức không có cách nào sử dụng miễn phí ngoài bản dùng thử ban đầu.
GitHub Copilot được nhúng trực tiếp vào nhiều trình soạn thảo code như Visual Studio và Neovim, đồng thời hỗ trợ hàng chục ngôn ngữ, trong đó có Python, Ruby, Java và JavaScript. Công cụ này giúp đề xuất hoàn thành chức năng đa dòng và tăng tốc quá trình tạo bài kiểm tra, đồng thời lọc ra các mẫu code dễ bị khai thác lỗ hổng. GitHub Copilot cũng sẽ chặn hoàn toàn các đề xuất bắt chước các đoan code công khai.
Tuy nhiên, đúng như tên gọi của nó, Copilot cung cấp khả năng tích hợp chặt chẽ với mọi thứ GitHub. Gói cá nhân tiêu chuẩn có giá 10 USD mỗi tháng hoặc 100 USD mỗi năm. Bạn có thể luân phiên trả 19 USD cho mỗi người dùng mỗi tháng cho gói Business, vốn bổ sung những thứ như bộ lọc lỗ hổng trong code, bồi thường bản quyền cho tất cả khách hàng trả tiền và hỗ trợ bảo mật chặt chẽ hơn.
Trang chủ: https://github.com/features/copilot
Amazon CodeWhisperer
Nếu bạn muốn một công cụ tập trung vào việc hỗ trợ lập trình mà không mất phí hoặc tập trung vào Android, thì CodeWhisperer là lựa chọn phù hợp.
Theo Amazon, CodeWhisperer có thể đề xuất mọi thứ với đầy đủ chức năng dựa trên lời nhắc bạn nhập vào. Công cụ có thể gắn cờ hoặc lọc các đề xuất bắt chước đoạn code mã nguồn mở. Khi công cụ quét các lỗ hổng, nó sẽ đề xuất các bản sửa lỗi nếu có thể. Công cụ này hỗ trợ 15 ngôn ngữ lập trình thông dụng như Python và Java, đồng thời kết nối với nhiều IDE khác nhau như VS Code và dịch vụ điện toán đám mây AWS.
Người dùng cũng được khuyến khích tùy chỉnh CodeWhisperer bằng cách liên kết nó với các thư viện, API và nội dung khác của riêng bản thân. Về phương án thu phí, gói Cá nhân (Individual) của CodeWhisperer miễn phí. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng tính năng tùy chỉnh, bạn sẽ cần phải nâng cấp lên gói Professional có giá 19 USD mỗi người dùng mỗi tháng. Người dùng gói này cũng cũng nhận được những lợi ích khác như giấy phép tổ chức và quản lý chính sách, cũng như số lần quét bảo mật mã cao hơn, tăng từ 50 mỗi tháng (mỗi người) lên 500 lần.
Trang chủ : https://aws.amazon.com/codewhisperer/pricing/
ChatGPT
ChatGPT là một lựa chọn hiển nhiên cho một danh sách như thế này, khi đây chính là công cụ đã khởi đầu cho cơn sốt AI từ cuối 2022. Theo đó, mặc dù công cụ AI của OpenAI không phải là 'chuyên' tập trung vào lập trình, nhưng nó có thể tạo ra các đoạn code có thể sử dụng được nếu bạn đã quen với công việc lập trình, song song với việc bạn đủ cụ thể trong việc đưa các câu lệnh (prompt) tới ChatGPT.
Tất nhiên, chúng ta không thể mong đợi ChatGPT sẽ viết toàn bộ ứng dụng từ đầu. Thay vào đó, cách tốt nhất để sử dụng ChatGPT là giải quyết những khó khăn cần giải đáp hoặc nhiệm vụ cụ thể, đồng thời vẫn phải tinh chỉnh caia lệnh của bạn nếu cần để có kết quả tốt hơn. Bạn cũng có thể sử dụng nó để gỡ lỗi (debug) các đoạn code hiện có.
Một lý do khác khiến ChatGPT có mặt trong danh sách các công cụ AI tốt nhất cho lập trình viên chính là việc công cụ này hoàn toàn miễn phí cho mục đích sử dụng cơ bản. Do vậy, không có lý do gì bạn không thử nghiệm nó.
Tuy nhiên, với phiên bản miễn phí, người dùng đôi lúc sẽ có thể phải chờ đợi ChatGPT tạo ra kết quả khi máy chủ của OpenAI quá tải. Vì vậy nếu bạn thấy nó thực sự hữu ích thì có lẽ bạn nên trả tiền cho ChatGPT Plus, vốn có mức phí 20 USD mỗi tháng. Ngoài việc tăng mức độ ưu tiên, ChatGPT Plus còn giúp bạn có quyền truy cập vào các plugin, thời gian phản hồi nhanh hơn và mô hình ngôn ngữ mới nhất của AI là GPT-4.
Trang chủ: https://chat.openai.com/
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: cafef.vn
Tham gia bình luận