Devon, kỹ sư phần mềm của Google ở độ tuổi 20, nói với tạp chí Fortune rằng anh làm việc cho gã khổng lồ công nghệ khoảng 1 giờ mỗi ngày và kiếm được mức lương 150.000 USD/năm (3,573 tỉ đồng/năm).
Devon thường ra khỏi giường vào khoảng 9 giờ sáng, tắm rửa và nấu bữa sáng, sau đó làm việc cho Google đến 11 giờ. Thời gian còn lại trong ngày, Devon làm việc cho công ty khởi nghiệp của mình, anh kể với Fortune.
Devon nói rằng anh không cần làm việc chăm chỉ khi thấy đồng nghiệp làm đến khuya nhưng không thăng tiến trong công ty.
“Không phải bạn thực sự được thăng chức nếu làm việc hơn cả mức yêu cầu”, Devon nói với Fortune.
Fortune đã sử dụng bút danh Devon để bảo vệ quyền riêng tư của kỹ sư Google. Tạp chí này cho biết đã xem thư mời kỹ sư này làm việc của Google để xác minh mức lương của anh và xem xét các ảnh chụp màn hình nêu chi tiết công việc khởi nghiệp của anh.
Google không trả lời câu hỏi của Insider về chuyện này.
Devon không đơn độc trong thói quen làm việc của mình. Trước đây, Jason (22 tuổi) nói với Insider rằng anh làm hai công việc kỹ thuật phần mềm từ xa toàn thời gian không quá 30 giờ một tuần để có thêm thu nhập.
Jason nói: “Tôi cảm thấy khối lượng công việc đầu tiên của mình không quá cao và biết rằng nếu không thể xử lý được thì có thể bỏ một trong hai công việc đó”.
Các chuyên gia tranh luận về sự gia tăng của “công việc giả tạo”
Những câu chuyện như thế này đã giúp truyền cảm hứng cho cuộc tranh luận về việc liệu nhân viên tại các hãng công nghệ lớn (Big Tech) như Google và Meta Platforms có được trả mức lương cao chỉ để làm việc với số giờ tối thiểu hay không. Đây là xu hướng mà một số chuyên gia công nghệ gọi là "công việc giả tạo".
Khái niệm "công việc giả tạo" tại Big Tech tương tự những trường hợp được ghi nhận rõ ràng trong quá khứ, khi những nhân viên công nghệ được trả lương cao đôi khi chỉ "nghỉ ngơi và chờ đến khi cổ phiếu của họ được đưa ra (có quyền mua cổ phiếu giảm giá) trước khi rời công ty".
Giờ đây, với việc nhiều Big Tech cắt giảm số lượng nhân viên quy mô lớn sau khi tuyển dụng hàng ngàn người trong đại dịch, một số người trong ngành công nghệ cho biết các công ty đã tuyển dụng quá nhiều đến mức không có đủ việc cho nhân viên.
Các gã khổng lồ công nghệ tiếp tục tuyển dụng trong thời kỳ đại dịch để theo đuổi điều mà Keith Rabois, nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon, gọi là “thước đo phù phiếm” về số lượng nhân viên, nơi các nhà tuyển dụng mở rộng lực lượng lao động nhằm trở nên nổi bật giữa các đối thủ của họ.
Một số nhà phê bình cho rằng các công ty không có đủ công việc để làm nhân viên mới trở nên bận rộn. Google và Meta Platforms đã sa thải hàng ngàn nhân viên vào đầu năm nay.
Thomas Siebel, Giám đốc điều hành công ty AI C3.ai, nói với trang Forbes về việc tuyển dụng mới tại Google và Meta Platforms: “Họ thực sự không làm gì khi làm việc ở nhà”.
Dù "công việc giả tạo" xuất phát từ việc tuyển dụng quá nhiều hay là kết quả của việc quản lý kém, lịch trình làm việc của Devon cho thấy thái độ xung quanh công việc đã thay đổi trong việc theo đuổi sự cân bằng giữa làm việc và cuộc sống, đặc biệt là ở những người lao động Gen Z.
Sự thay đổi thái độ này được phản ánh bởi các xu hướng tại nơi làm việc như ngừng làm việc trong im lặng hoặc Thứ Hai tối thiểu (nhân viên làm ít việc nhất có thể vào thứ Hai để tránh bị kiệt sức trong phần còn lại của tuần).
Devon nói với Fortune rằng dường như không ai ở Google nghi ngờ anh làm việc ít giờ. Khi thực tập tại Google trước khi có vai trò hiện tại, Devon nói rằng anh làm việc "có thể dưới 2 giờ mỗi ngày". Điều này giúp anh có nhiều thời gian để có chuyến đi bí mật kéo dài một tuần tới Hawaii trong thời gian làm việc.
Devon nói với Fortune: “Nếu muốn làm việc nhiều giờ, tôi đã làm công ty khởi nghiệp”.
Đầu tháng 3, Kendall Smith, sử dụng tài khoản TikTok @roilysm, đã chia sẻ câu chuyện từ Insider về Keith Rabois, thành viên PayPal Mafia, nói rằng các nhân viên tại Meta Platforms và Google đang làm "công việc giả tạo". Sau những bình luận của Keith Rabois, khái niệm này đã thu hút sự chú ý của một số nhà đầu tư và nhà sáng lập ở Thung lũng Silicon.
PayPal Mafia là tên gọi được đặt cho nhóm các cựu nhân viên của công ty thanh toán trực tuyến PayPal, đã trở thành những doanh nhân thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhóm này được thành lập vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, tạo ra một số hãng công nghệ rất nổi tiếng và thành công như Tesla, SpaceX, LinkedIn, YouTube, Palantir Technologies, Yammer, Yelp...
Những cá nhân trong nhóm này bao gồm Peter Thiel, Elon Musk, Reid Hoffman, Max Levchin, David Sacks, Jeremy Stoppelman và một số người khác. Các thành viên trong nhóm được cho là đã hợp tác mật thiết với nhau khi làm việc tại PayPal và tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ sau khi rời khỏi công ty, giúp cho những công ty mới được thành lập của họ phát triển và thành công. Từ đó, tên gọi PayPal Mafia được sử dụng để chỉ những doanh nhân thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là những người có quan hệ gắn kết với nhóm này.
"Tôi đồng ý 100% và có thể xác nhận điều này là đúng. Khi tôi làm việc tại Facebook, khoảng một năm trở lại đây cứ như là một cuộc chiến nội bộ về công việc", Kendall Smith nói trong video clip.
Kendall Smith cho biết trên hồ sơ LinkedIn của mình rằng cô đã làm việc tại công ty với tư cách giám đốc tiếp thị Facebook từ năm 2018 đến 2022. Video clip của Kendall Smith thu hút được hơn 430.000 lượt xem trên TikTok và nhiều người tự xưng là nhân viên Meta Platforms, Google cũng đánh giá về nội dung.
Kendall Smith nói với trang Insider: “Việc tuyển dụng quá mức không phải là vấn đề của riêng Meta Platforms hay Google. Có nhiều tập đoàn lớn khác cũng tuyển dụng quá mức và để cho nhân viên tự tạo phạm vi công việc của riêng mình”.
Một cựu nhân viên Google cho biết trong video kết hợp với nội dung của Kendall Smith rằng anh đã học được rằng làm việc tại công ty này "cần thông minh hơn là chăm chỉ".
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: 1thegioi.vn
Tham gia bình luận