Trong những năm gần đây, chuyển dịch năng lượng đã trở thành trọng tâm ở châu Á và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Ngay từ năm 2021, tại hội nghị thượng đỉnh COP26, Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt cân bằng phát thải carbon vào năm 2050.
Trong bối cảnh đó, sự phát triển của các phương tiện chạy điện đang đóng góp vào mục tiêu cân bằng phát thải carbon và thúc đẩy nguồn lực phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn cho Việt Nam.
Có thể thấy, thị trường xe điện tại Việt Nam đang ngày càng sôi động khi có sự góp mặt của nhiều nhà sản xuất ô tô lớn với các chính sách thúc đẩy bán hàng từ phân khúc xe phổ thông đến phân khúc xe sang cao cấp như VinFast - nhà sản xuất ô tô điện lớn trong nước, hay phân khúc xe sang như BMW, Porsche, Audi, Volvo cũng đã lần lượt giới thiệu danh mục xe điện tại Việt Nam…
Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo, Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040. Theo tổ chức nghiên cứu thị trường 6Wresearch, quy mô thị trường xe điện Việt Nam được dự kiến sẽ đạt tỷ suất tăng trưởng hàng năm (CAGR) 22,9% trong giai đoạn 2020-2025. Còn theo báo cáo của Fitch Solutions, thị trường ô tô điện Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trung bình 25,8%/năm trong 10 năm tới nhờ sản xuất trong nước tăng trưởng.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường xe điện Việt Nam so với các nước trong khu vực, ông Patrick Morgan, Phó Chủ tịch tập đoàn Analog Devices (ADI) phụ trách mảng Ô tô và Năng lượng cho biết, thị trường xe điện Việt Nam đang phát triển nhờ vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là nhu cầu sử dụng cũng như trải nghiệm xe điện của người dân Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng sạch ngày càng tăng ở trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, chắc chắn rằng việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng bền vững - năng lượng sạch sẽ có xu thế gia tăng trong thời gian tới.
Chia sẻ thêm về tiềm năng của Việt Nam, ông Philip Tseng, Giám đốc Điều hành Analog Devices (ADI) khu vực Nam Á Thái Bình Dương cho hay, hiện nay Việt Nam là đích đến của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Với số lượng dân số hơn 100 triệu người và tầng lớp trung lưu đang phát triển, Việt Nam có một nguồn nhân lực trẻ, tốt và tài năng để thúc đẩy sự phát triển trong kinh tế và phát triển sản phẩm.
"Đây là những yếu tố hấp dẫn để các doanh nghiệp đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như mang lại các cơ hội để Việt Nam trở thành một phần trong nền kinh tế toàn cầu. Và khi họ đến Việt Nam, họ mang theo rất nhiều kiến thức chuyên môn về công nghệ - đó là một điều thuận lợi", ông Philip Tseng cho biết.
Mặc dù tương lai của ngành được dự đoán đang phát triển nhanh chóng, song, theo một số nhận định, các nhà sản xuất xe điện nội địa Việt Nam sẽ gặp phải một số thách thức trong việc phát triển ô tô điện, chẳng hạn như thiếu thốn cơ sở hạ tầng trạm sạc, những lo lắng của người tiêu dùng về pin và giá thành…
Các chuyên gia đánh giá, chìa khóa để vượt qua những rào cản phổ biến ô tô điện ở Việt Nam nằm ở đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo ông Patrick Morgan, hệ thống hạ tầng lưới điện và trạm sạc chính là mảnh ghép quan trọng và cần phải được phát triển và đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển xe điện. Chẳng hạn, ADI có giải pháp tích năng/ lưu trữ năng lượng cho phép các nguồn năng lượng tái tạo được phân bổ một cách hiệu quả hơn.
Không dừng lại ở đó, ông Patrick Morgan cho biết, trong tương lai, xe không chỉ là một miếng sắt chạy trên đường mà sẽ là phương tiện tích hợp đầy đủ các công nghệ để tối đa hóa trải nghiệm của người dùng, cùng như hỗ trợ các bộ phận của xe điện như pin hoạt động một cách hiệu quả nhất.
Phó Chủ tịch tập đoàn ADI phụ trách mảng Ô tô và Năng lượng đánh giá, giải pháp quản lý pin không dây sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn. Trong vòng 5 năm tới, những giải pháp quản lý pin xe điện không dây ước tính sẽ chiếm khoảng 30% thị phần của các nhà sản xuất ô tô. Theo đó, các giải pháp hệ thống quản lý pin của ADI đã được tích hợp vào 20 triệu xe điện đang lăn bánh trên đường và được thiết kế vào các sản phẩm xe của 16 trong số 20 nhà sản xuất thiết bị xe điện hàng đầu trên thế giới, bao gồm BMW, BYD, Tesla và một số hãng khác.
"Trong lĩnh vực ô tô, đặc biệt là trên xe điện, các công nghệ của ADI cũng được sử dụng rất phổ biến. Trong một cabin xe thường sẽ có khoảng 20 - 50 linh kiện khác nhau để điều khiển các thiết bị bên trong như ghế, âm thanh hay nhiệt độ. Bên cạnh đó, ADI còn là công ty đầu tiên đưa ra giải pháp hệ thống quản lý pin không dây, hiện nay có 5 nhà sản xuất ô tô lớn đang sử dụng những giải pháp quản lý pin không dây của ADI", ông Patrick Morgan chia sẻ.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, thành công của Việt Nam trong xanh hóa ngành ô tô cũng phụ thuộc vào việc duy trì đầu tư nước ngoài và hợp tác với doanh nghiệp trong nước. Từ khía cạnh là một doanh nghiệp nước ngoài, ông Jerry Fan, Chủ tịch Analog Devices (ADI) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay, về mặt kinh doanh, từ quan điểm của tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam hoặc bất kỳ một quốc gia nào cũng sẽ dựa vào 2 tiêu chí đầu tư.
Đầu tiên là tiềm năng nhu cầu trong nước. Với thị trường 100 triệu dân như Việt Nam, với vai trò là một nhà đầu tư, chúng tôi sẽ quan tâm tới việc xây dựng một nhà máy thiết kế hoặc một nhà máy sản xuất ở Việt Nam để phục vụ thị trường trong nước trước (in Vietnam for Vietnam)", Chủ tịch Analog Devices (ADI) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay.
"Hai là các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thì hướng tới phân tích và lựa chọn ra các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sao cho nắm bắt và phục vụ thị trường toàn cầu (in Vietnam for the world)", ông Jerry Fan nói thêm.
Theo các lãnh đạo ADI, việc ký kết thỏa thuận với VinFast chính là minh chứng cho sự hợp tác giữa hai công ty lớn, là mối quan hệ vô cùng chặt chẽ để đôi bên cùng phát triển , từ đó thúc đẩy nhanh đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xe điện tại Việt Nam cũng như khu vực. Theo đó, hợp tác với VinFast sẽ cho phép ADI cung cấp những giải pháp như hệ thống lưu trữ pin, quản lý năng lượng cho xe điện của VinFast.
"Trong mối quan hệ hợp tác với các khách hàng và đối tác, chúng tôi sẽ đi theo mô hình hệ sinh thái (ecosystem) bởi trong một hệ sinh thái sẽ có nhiều bên tham gia khác nhau, không chỉ là đơn vị sản xuất phương tiện giao thông mà còn có đơn vị cung cấp trạm sạc và các đơn vị cung cấp hệ thống lưu trữ, tích trữ năng lượng. Chúng tôi cùng xây dựng và hỗ trợ nhau phát triển trong hệ sinh thái đó", ông Philip Tseng chia sẻ.
Có thể nói, ngành ô tô đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết trong lịch sử. Do vậy, để thích ứng với sự thay đổi, theo các chuyên gia, không có cách nào khác ngoài việc các doanh nghiệp cần phải hỗ trơ nhau để bắt kịp những xu thế mới.
"Là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng doanh thu lớn nhất của ADI, Việt Nam là thị trường vô cùng quan trọng. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác tại đây", ông Jerry Fan - Chủ tịch Analog Devices (ADI) khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: cafef.vn
Tham gia bình luận