Loay hoay thương mại hóa 5G tại Việt Nam

Loay hoay thương mại hóa 5G tại Việt Nam

Tiên phong nhưng chưa thấy 'thương mại hóa'

Việt Nam từng là một trong những quốc gia đi sớm đón đầu làn sóng 5G trên thế giới. Từ tháng 5.2019, Việt Nam ghi tên mình vào nhóm các nước đầu tiên thiết lập thành công cuộc gọi điện thoại công nghệ 5G. Tuy nhiên sau 4 năm, các nhà mạng chỉ dừng ở việc thử nghiệm có giới hạn tại một số khu vực ở hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước và chưa có kế hoạch đầu tư, mở rộng đại trà.

Cùng lúc trên thế giới, theo báo cáo Kinh tế di động 2023 của GSMA, tới cuối tháng 1.2023 đã có 229 nhà mạng thuộc 87 quốc gia, vùng lãnh thổ thương mại hóa dịch vụ 5G. Đến hết năm nay sẽ có thêm 30 thị trường tham gia vào làn sóng này, đa phần ở châu Phi và châu Á. Về dài hạn tới năm 2030 cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), GSMA dự báo tỷ lệ triển khai 5G sẽ tăng hơn 10 lần, từ 4% năm 2022 đạt đến 41% vào năm 2030.

Loay hoay thương mại hoá 5G ở Việt Nam - Ảnh 1.

Lộ trình 5G của Việt Nam đang tụt lại phía sau

Anh Quân

Cuối năm 2021, Việt Nam từng đặt mục tiêu thương mại hóa mạng 5G trong năm 2022, nhằm thúc đẩy người dân dùng smartphone và giảm số lượng điện thoại 2G còn dưới 5% cho kế hoạch tắt sóng công nghệ mạng viễn thông lâu đời này trên cả nước. Chính phủ cũng đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 25% dân số vào 2025.

Nhưng đã qua 2 quý đầu năm 2023, kế hoạch và mục tiêu trên vẫn chưa được hiện thực hóa, trong khi các nhà mạng vẫn "rụt rè" việc triển khai. Tháng 5 và 6.2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 3 lần đấu giá băng tần 4G và 5G, nhưng không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ, nộp tiền đăng ký đấu giá. Giá đấu cho các tần số hiện nay là hàng nghìn tỉ đồng, được đánh giá là số tiền lớn để đầu tư băng tần 4G, 5G trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyền thống đang suy giảm khiến các nhà mạng phải cân nhắc.

Chưa thấy nhu cầu, chưa tạo ấn tượng

Trao đổi tại sự kiện về chuyển đổi số diễn ra tháng 3.2023, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng sau 2 năm thử nghiệm, người dùng cũng như trải nghiệm về tốc độ băng rộng di động không quá ấn tượng. Trên thực tế, với nhu cầu sử dụng kết nối internet trên di động hiện nay, mạng 4G đã đủ đáp ứng đa phần nhu cầu của người dùng phổ thông.

Lãnh đạo Cục cho rằng các ứng dụng về mật độ cao, độ trễ thấp chưa mang lại kết quả đủ ấn tượng trong các thử nghiệm. Bên cạnh đó, nhu cầu từ phía người dùng cũng chưa rõ rệt. "Đây là thực tế ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới khi triển khai 5G", ông nói.

Còn theo ông Hoàng Ngọc Thức - Giám đốc Công nghệ (CTO) Nokia Việt Nam, một trong những điểm yếu của thị trường Việt Nam hiện nay là khả năng chi trả của các thuê bao tương đối thấp, ước đạt 3 USD/thuê bao, điều này khiến các nhà mạng cân nhắc về câu chuyện kinh doanh, dù Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận tiện để triển khai 5G như tỷ lệ người dùng smartphone cao, trong đó khoảng 1/3 là điện thoại hỗ trợ 5G.

Loay hoay thương mại hoá 5G ở Việt Nam - Ảnh 2.

5G đang được nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, triển khai mạnh mẽ và ứng dụng vào các ngành công nghiệp

Anh Quân

"5G đã phát triển được 5 năm, các kiến trúc mạng 5G về mặt công nghệ đã khá hoàn thiện và triển khai nhiều nước trên thế giới. Quá trình triển khai 5G không chỉ là câu chuyện phủ sóng mà nhà mạng còn quan tâm đến hoàn vốn, sinh lời trên hạ tầng đó. Chúng tôi thấy ở Việt Nam hiện nay vấn đề lớn nhất là thị trường, người dùng và dịch vụ, còn kiến trúc công nghệ thì không đáng lo ngại", ông Thức nhận định.

Hướng đi của các nhà mạng

Mạng 5G được xem là hạ tầng quan trọng để Việt Nam phát triển nền kinh tế số - một trong 3 mũi nhọn của lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Theo Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - Denis Brunetti, Việt Nam đang có cách tiếp cận đúng đắn khi cho phép nhà mạng thử nghiệm triển khai 5G cả về kỹ thuật lẫn thương mại để họ có được kinh nghiệm thực tế cũng như nhìn nhận giá trị mà 5G có thể đem lại.

Hiện tại, VNPT hướng đến sử dụng 5G để cung cấp dịch vụ chuyên biệt cho khu công nghiệp, nhà máy hay cảng biển để đáp ứng yêu cầu khác nhau về tốc độ, mật độ thiết bị, độ trễ. Lãnh đạo nhà mạng cho biết đã có nhiều doanh nghiệp muốn thử nghiệm và đang phối hợp trong tiến trình này, nhưng để triển khai quy mô lớn cần có sự đồng đều từ phía cơ quan quản lý, nhà cung cấp, người dùng, doanh nghiệp lẫn thiết bị đầu cuối.

Trong khi đó, Viettel có kế hoạch đầu tư xây dựng số lượng lớn trạm BTS 5G trong năm 2023, làm chủ hệ thống để phát triển mạng lưới riêng. Mới đây, hãng công bố thử nghiệm thành công dịch vụ mạng di động 5G dùng riêng (5G Private mobie network - 5G PMN) cho một nhà máy của đối tác đặt tại Hải Phòng. Đây là nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam được tự động hóa dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G với ưu thế tốc độ cao, độ trễ thấp, hỗ trợ nhiều kết nối.

Còn MobiFone dự tính thương mại hóa, triển khai 5G theo nhu cầu thị trường, hướng đến những vùng có lưu lượng cao, nhu cầu lớn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận