Microsoft chi 10 tỷ USD để “nuốt chửng” kênh 'tám' chuyện của game thủ?

Microsoft chi 10 tỷ USD để “nuốt chửng” kênh 'tám' chuyện của game thủ?

Microsoft chi 10 tỷ USD để “nuốt chửng” kênh tám chuyện của game thủ?

Discord là một công cụ chat quen thuộc của giới game thủ trên toàn thế giới, cung cấp tùy chọn trò chuyện bằng văn bản hoặc các cuộc gọi thoại Internet VoIP. Với cộng đồng người chơi thể thao điện tử, nhất là trên Twitch, Discord gần như là công cụ trò chuyện mặc định được sử dụng trong các trận đấu online hoặc giải đấu LAN. Ngoài ra, Discord cũng phát triển mảng nội dung số để xây dựng nhiều cộng đồng trực tuyến khác nhau.

Thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã mở ra cơ hội mới cho ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến. Khi mọi người làm việc ở nhà và game trở thành một trong những phương thức giải trí quan trọng, nhu cầu đối với phần cứng máy tính tăng cao dẫn đến cuộc khủng hoảng chip trong những tháng gần đây. Rõ ràng, những nền tảng như Discord đã trở thành đối tượng hưởng lợi.

Trên Discord, game thủ không chỉ giao tiếp và tương tác mà còn có thể tổ chức nhiều hoạt động khác nhau bao gồm các bữa tiệc ảo. Mặc dù lúc đầu, nền tảng này dường như chỉ hướng tới game thủ, nhưng trong những năm gần đây, một số nội dung cập nhật mới đã khiến nó trở nên hữu ích hơn cho tất cả mọi người.

Theo số liệu vào năm 2019, nền tảng này có 250 triệu lượt đăng ký và 140 triệu người dùng hàng tháng vào năm 2020, tăng gần 40% so với con số 100 triệu của cùng kỳ năm 2019. Dù thế, Discord khẳng định mình không phải mạng xã hội mà giống một kênh tương tác hơn, người dùng cũng có thói quen gọi là kênh Discord thay vì mạng xã hội Discord.

Mặc dù được phát hành miễn phí và không chạy quảng cáo hay dùng thuật toán để hiển thị thông tin tới người dùng, Discord vẫn thu được lợi nhuận từ gói dịch vụ trả phí tùy chọn 9,99 USD mỗi tháng. Tính đến cuối năm ngoái, Discord được định giá 7 tỷ USD. Trước đó, nền tảng này từng nhiều lần huy động được các nguồn tài trợ từ WarnerMedia Investment Group, Greenoaks Capital, Firstmark, Tencent , IVP, Index Ventures, Technology Opportunity Partners… và Microsoft cũng từng cho phép liên kết tài khoản Discord và Xbox Live.

Mặc dù Microsoft chủ yếu sử dụng phần mềm cho các nhà phát triển doanh nghiệp, nhưng công ty vẫn luôn thèm muốn các MXH. Năm 2016, Microsoft đã chi 26,2 tỷ USD để mua lại MXH “cổ cồn trắng” nổi tiếng thế giới LinkedIn, nhưng chưa đủ để lấp đầy khoảng trống. Năm ngoái, Microsoft xác nhận tiến hành đàm phán mua lại mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ nhưng không thành công.

Với lĩnh vực phần mềm trò chuyện, Microsoft có nhiều sản phẩm, trong đó Teams chủ yếu dành cho nhân viên doanh nghiệp, cung cấp ứng dụng giao tiếp trực tuyến và cộng tác dự án. Một sản phẩm khác của Microsoft là Skype khá nổi tiếng và được sử dụng nhiều tại Việt Nam, phần mềm này có những lợi thế nhất định trong lĩnh vực VoIP thay thế điện thoại truyền thống, nhưng nó không được định nghĩa là mạng xã hội.

Trò chơi luôn là một mảng kinh doanh quan trọng của Microsoft, trong đó Xbox đã thành công đưa Microsoft trở thành 1 trong 3 nhà sản xuất máy chơi game hàng đầu thế giới. Sau khi Nadella đảm nhận vị trí CEO, Microsoft đã chi 2,5 tỷ USD để mua lại tựa game đình đám Minecraft. Họ cũng liên tục mở rộng khả năng kinh doanh ở mảng game bằng cách chi 7,5 tỷ USD thâu tóm nhà phát triển ZeniMax Media.

Một số nguồn tin bên lề hé lộ, Discord đã liên hệ với nhiều người mua khi họ tìm cách chuyển công ty ra nước ngoài, và Microsoft là một trong số đó. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành lại nhận định, nhiều khả năng Discord sẽ tự niêm yết, thay vì chuyển nhượng ra bên ngoài.

Đầu tháng 3/2021, Discord thông báo đã thuê Giám đốc tài chính đầu tiên, Tomasz Marcinkowski, cựu Giám đốc tài chính của Pinterest. Đây được coi là một trong những bước đầu tiên để công ty hướng tới việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tiềm năng. Về thông tin Microsoft dự định chi 10 tỷ USD để thâu tóm Discord, Microsoft từ chối bình luận và Discord cũng không đưa ra phát ngôn khẳng định cụ thể.

Theo ICTnews

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận