Mỹ và châu Âu lo ngại, tìm cách kiềm chế Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất chip đời cũ

Mỹ và châu Âu lo ngại, tìm cách kiềm chế Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất chip đời cũ

Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã áp đặt các biện pháp kiểm soát rộng lớn để ngăn Trung Quốc tiếp cận các loại chip tiên tiến cung cấp sức mạnh cho mô hình trí tuệ nhân tạo và ứng dụng quân sự. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách rót hàng tỉ USD vào các nhà máy để sản xuất chip thế hệ cũ chưa bị cấm. Những chip này vẫn cần thiết trong nền kinh tế toàn cầu, là thành phần quan trọng cho mọi thứ, từ smartphone, ô tô điện đến các phần cứng quân sự.

Điều này làm dấy lên những lo ngại mới về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và dẫn đến cuộc đàm phán về việc kiềm chế quốc gia châu Á này nhiều hơn nữa, theo những người có thông tin về vấn đề đó nhưng yêu cầu giấu tên. Theo trang Bloomberg, nguồn tin này cho biết Mỹ quyết tâm ngăn chặn chip trở thành đòn bẩy cho Trung Quốc

Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo ám chỉ vấn đề này trong cuộc thảo luận vào tuần trước tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. Bà nói: “Trung Quốc đang đầu tư số tiền lớn trợ cấp cho việc sản xuất các loại chip trưởng thành và kế thừa (thế hệ cũ), tạo ra sự dư thừa về sản lượng. Đó là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ và làm việc cùng các đồng minh để đối phó từ trước”.

Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden, dù không có mốc thời gian để thực hiện hành động cụ thể và thông tin vẫn đang được thu thập, nhưng tất cả lựa chọn đều đang được cân nhắc. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận về chuyện trên. Trong khi người phát ngôn Ủy ban châu Âu cho biết cơ quan này sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình và đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc của khu vực này vào các công ty nước ngoài với cả chip trưởng thành lẫn tiên tiến.

Các chip tiên tiến nhất hiện nay được sản xuất bằng quy trình 3 nanomet. Các chip thế hệ cũ thường được sản xuất bằng quy trình 28 nanomet trở lên, công nghệ được giới thiệu cách đây hơn 1 thập kỷ. Nanomet (chiều rộng giữa các bóng bán dẫn trên chip) càng nhỏ thì chip càng cao cấp, khó chế tạo và tốn kém hơn.

Các quan chức Mỹ và châu Âu cấp cao ngại về nỗ lực thống trị thị trường chip thế hệ cũ của Trung Quốc vì cả lý do kinh tế và an ninh, nguồn tin của Bloomberg cho biết. Họ lo lắng các công ty Trung Quốc có thể bán phá giá các chip cũ trên thị trường toàn cầu trong tương lai, khiến các đối thủ nước ngoài ngừng kinh doanh chip cũ tương tự trong ngành năng lượng mặt trời. Các công ty phương Tây sau đó có thể trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về các chip cũ này, theo nguồn tin của Bloomberg.

Mua các thành phần công nghệ quan trọng như vậy từ Trung Quốc có thể tạo ra các rủi ro an ninh quốc gia, đặc biệt nếu chip được sử dụng trong thiết bị quốc phòng.

my-va-chau-au-lo-ngai-vi-trung-quoc-day-manh-san-xuat-chip-doi-cu.jpg
Mỹ và châu Âu đang ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất chip thế hệ cũ nên đang thảo luận về các chiến lược mới để kiềm chế quốc gia châu Á này - Ảnh: Internet

Nhà nghiên cứu Robert Daly và Matthew Turpin viết trong bài luận gần đây cho Viện nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Stanford (Mỹ): “Mỹ và các đối tác của họ nên cảnh giác để giảm thiểu hành vi phi thị trường của các công ty bán dẫn Trung Quốc. Theo thời gian, điều này có thể tạo ra sự phụ thuộc mới của Mỹ hoặc các đối tác vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc mà hiện chưa tồn tại, ảnh hưởng đến quyền tự chủ chiến lược của Mỹ”.

Tầm quan trọng của chip thế hệ cũ đã được thể hiện rõ trong thời kỳ đỉnh điểm ở đại dịch COVID-19 do tác động lớn đến các công ty, bao gồm cả Apple và các nhà sản xuất ô tô. Thiếu hụt chip đã gây thiệt hại hàng trăm tỉ USD doanh số bán hàng cho các doanh nghiệp. Những linh kiện đơn giản như mạch quản lý điện là thiết yếu cho sản phẩm như smartphone và ô tô điện, cũng như các trang thiết bị quân sự như tên lửa và radar.

Mỹ và châu Âu đang cố gắng phát triển sản xuất chip trong nước để giảm sự phụ thuộc vào châu Á. Các chính phủ đã dành tiền để hỗ trợ các nhà máy địa phương, trong đó có Đạo luật Chips và Khoa học của chính quyền Biden với quỹ 52,7 tỉ USD. Tuy nhiên, các công ty phương Tây có thể ngại đầu tư vào các cơ sở sản xuất sẽ phải cạnh tranh với các nhà máy Trung Quốc được trợ cấp nhiều. Chính quyền Biden và các đồng minh của nước Mỹ đang đánh giá sự sẵn lòng của các công ty phương Tây với việc đầu tư vào những dự án như vậy trước khi quyết định hành động tiếp theo.

Các biện pháp được Mỹ đưa ra vào tháng 10.2022 làm chậm việc sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc, nhưng lại không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sử dụng các kỹ thuật cũ hơn 14 nanomet của quốc gia châu Á. Điều đó dẫn đến việc các công ty Trung Quốc xây dựng nhiều nhà máy sản xuất chip thế hệ cũ nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Theo nhóm thương mại SEMI, dự kiến đến năm 2026, Trung Quốc sẽ xây dựng 26 nhà máy sản xuất chip sử dụng các đĩa bán dẫn 200 mm và 300 mm.

Nhờ được đầu tư mạnh mẽ, các công ty Trung Quốc đã tiếp tục cung cấp sản phẩm cho phương Tây, dù căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. SMIC (nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc) có khoảng 20% doanh số bán hàng năm ngoái từ các khách hàng tại Mỹ, gồm cả Qualcomm, dù công ty Trung Quốc này bị chính quyền Biden đưa vào danh sách đen.

Khi bạn nghĩ về điện khí hóa phương tiện di động, quá trình chuyển đổi năng lượng, IoT (internet vạn vật) trong không gian công nghiệp, triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ pin - đó là điểm mạnh của chip trung cấp và trưởng thành. Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực này”, Peter Wennink, Giám đốc điều hành ASML, nói với các nhà phân tích vào giữa tháng 7. Có trụ sở ở Hà Lan, ASML là công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận