Nếu không còn TikTok, người Mỹ dùng ứng dụng nào?

Nếu không còn TikTok, người Mỹ dùng ứng dụng nào?

Theo công ty nghiên cứu eMarketer, người Mỹ trưởng thành dành trung bình 54 phút cho TikTok mỗi ngày, vượt qua các đối thủ như Instagram, Snapchat và YouTube. Phía TikTok cho biết lệnh cấm có thể gây ảnh hưởng lớn đến 170 triệu người Mỹ và 7 triệu doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động trên nền tảng. 

Dù CEO TikTok Shou Zi Chew khẳng định sẽ không bán TikTok, không ít người Mỹ đang bắt đầu tìm kiếm những ứng dụng video ngắn khác để thay thế TikTok trong trường hợp xấu nhất. 

Instagram Reels

Reels là tính năng trên Instagram cho phép người dùng quay phim, chỉnh sửa và đăng tải video dài từ 3 - 90 giây. Tương tự như TikTok, Reels cũng cho phép người dùng chỉnh sửa bộ lọc màu, chèn thêm nhạc hoặc văn bản, hẹn giờ quay và sử dụng các hiệu ứng.

Instagram Reels được xem là đối thủ lớn nhất của TikTok

Instagram Reels được xem là đối thủ lớn nhất của TikTok

Chụp màn hình

Dựa trên dữ liệu về hành vi trên mạng xã hội của YPulse, có 72% thiếu niên 13 - 17 tuổi, 71% thanh niên 18 - 24 tuổi và 45% người 25 - 39 tuổi ở Bắc Mỹ hiện sử dụng TikTok. Trong trường hợp TikTok biến mất, phần lớn người tham gia khảo sát cho biết sẽ chuyển sang sử dụng Instagram Reels.

Reels của Instagram được xem là bản sao nổi tiếng nhất của TikTok. Mặc dù nhiều người đánh giá thuật toán của Reels vẫn chưa sánh bằng TikTok nhưng nhìn chung đây vẫn là ứng cử viên thay thế tốt nhất, nhờ vào việc những nhà sáng tạo nội dung thường đăng tải video ở cả hai nền tảng.

Theo AP, nhà phân tích Jasmine Enberg cho biết việc sao chép thuật toán của TikTok là một nhiệm vụ gần như bất khả thi và Meta chính là minh chứng cho điều đó. Khả năng cung cấp nội dung giải trí phù hợp cho người dùng của TikTok là vô song trong thế giới truyền thông xã hội, cô nhấn mạnh.

Facebook Reels

Giống như Instagram, Facebook Reels cũng phép người dùng đăng video dài tối đa 90 giây. Vì Facebook và Instagram đều thuộc sở hữu của Meta nên bạn có thể thiết lập chế độ tự động chia sẻ Reels trên Facebook sang tài khoản Instagram và ngược lại.

YouTube Shorts

Theo khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 9/10 thanh thiếu niên Mỹ sử dụng YouTube. Đây cũng là nền tảng phổ biến nhất đối với nhóm thiếu niên từ 13 - 17 tuổi. Theo sau đó là TikTok đạt 63%, Snapchat ở mức 60% và Instagram ở mức 59%.

Google ra mắt Shorts vào năm 2020, ngay sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm TikTok. Nhờ được tích hợp sẵn trên YouTube, Shorts nhanh chóng sở hữu lượng người dùng đông đảo.

Shorts cho phép người dùng quay video với thời lượng tối đa 60 giây, đi kèm với công cụ chỉnh sửa video, thay đổi tốc độ, hẹn giờ và đếm ngược để quay video rảnh tay. Nhưng nội dung trên Shorts thường kém thú vị hơn so với đối thủ vì đa phần video được cắt ra từ những video dài trên YouTube. Một hạn chế khác là thuật toán của Short vẫn chưa thực sự gây ấn tượng với người dùng.

Triller

Theo CNET, Triller sở hữu một số tính năng cơ bản như đăng tải video, chỉnh sửa, chèn bài hát và chia sẻ trên những nền tảng khác nhau. Ứng dụng này có những tính năng xã hội tương tự TikTok, như mục xem video từ Community (cộng đồng) và Following (những người bạn đang theo dõi). Ngoài ra, những tài khoản có lượng người theo dõi cao còn có thể kiếm tiền thông qua hệ thống Triller's Wallet. 

Trong thời kỳ tại vị, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần bày tỏ ý định cấm TikTok. Vào tháng 8.2020, ông Trump bất ngờ tạo tài khoản và đăng tải video trên Triller, khiến lượt tải ứng dụng tăng vọt. Dù vậy, Triller nhanh chóng tụt lại phía sau đối thủ vì nội dung chưa đa dạng, lượng người dùng cũng thua kém các nền tảng đến từ những "ông lớn" công nghệ như Google, Meta.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận