Một phút sau khi Facebook sập trên toàn cầu, tôi nhận được tin nhắn từ hàng loạt các ứng dụng khác từ đám bạn. Đại đa số nháo nhào lo lắng vì sợ Facebook bị hack, “tao không vay tiền đâu, ai hỏi vay tiền cũng kệ nhé!”. Số khác hỏi những câu thú vị hơn.
“Ê, số điện thoại của mày là gì nhỉ? Tao chợt nhớ ra tao với mày không lưu số điện thoại"
“Chết rồi, tao toàn tự gửi mấy link hay ho vào tin nhắn của mình, giờ sao giờ?”
Tôi bật cười thành tiếng. 50 phút sập nguồn của Facebook khiến cả thế giới quay cuồng. Giống như ngày thành phố phong tỏa hồi dịch, khắp không gian là một khoảng yên tĩnh. Khi cả thế giới bị bắt buộc phải ngắt kết nối, Facebook như một khoảng sân chơi thiếu bóng những đứa trẻ còn chúng tôi như những đứa trẻ bị nhốt trong nhà khi bố mẹ đi làm, khao khát những kết nối vốn đã quá quen thuộc.
Nếu một ngày Facebook biến mất?
Nếu một ngày Facebook biến mất, chúng ta sẽ nhận ra rằng mạng xã hội đã thay đổi cách chúng ta kết bạn như thế nào. Thế giới bỗng dưng nhỏ lại, danh bạ điện thoại tưởng chừng như đã thành thứ cổ lỗ sĩ bỗng dưng được mở ra sau nhiều năm để tìm liên lạc những người bạn cũ. Facebook biến mất, không ít mối quan hệ cũng biến mất. Là tốt hay là xấu, mỗi người cũng sẽ thấy một khoảng trống trong tâm trí. Ngắt kết nối luôn là một cách tốt để mỗi người phản tư về những mối quan hệ đang có nhưng ngắt kết nối hoàn toàn kéo theo một khoảng trống rỗng.
Nếu một ngày Facebook biến mất, chúng ta tự hỏi mình là ai trong kỷ nguyên số này? Danh tính của mỗi người từ lâu đã không còn bó buộc trong trường học, công việc, hay gia đình. Danh tính của người dùng mạng xã hội là người hâm mộ Taylor Swift trong một group Facebook hàng triệu người, là một người yêu động vật thường xuyên đăng ảnh trong hội yêu chó mèo, là admin của hội những người thích xem phim cổ trang và chế ảnh Cung Tâm Kế. Facebook biến mất cũng là lúc những danh tính số dần mai một, chúng ta lại lầm lũi đi tìm những danh tính mới. Khủng hoảng hay không tôi không chắc, chỉ biết rằng hóa ra danh tính cá nhân của chúng ta phức tạp, đa chiều đến vậy.
Nếu một ngày Facebook biến mất, ai đó sẽ mất một không gian để chia sẻ. Facebook cho người ta một khoảng không gian vừa riêng tư, vừa công khai. Có những người không dễ để mở lòng chia sẻ khi phải nói trước đám đông. Đằng sau màn hình máy tính, trước mặt màn hình điện thoại, chúng ta cảm thấy dễ dàng hơn để viết ra những suy nghĩ của mình.
Một chiếc like, một chiếc tim cũng khiến ai đó cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh, được lắng nghe, được chia sẻ và được đón nhận. Internet và mạng xã hội có thể cuốn chúng ta đi trong sức mạnh của tương tác nhưng ở một chừng mực nhất định, trong những cộng đồng nhỏ, một chiếc tim được thả vào bài viết cũng khiến một người trẻ bớt cô đơn.
Nếu một ngày Facebook biến mất, bạn sẽ gọi và liên lạc cho ai đầu tiên? Tôi không nghĩ đến điều đó cho đến khi đọc thấy một bài đăng trên Facebook với câu hỏi này. Rồi tôi thở phào nhẹ nhõm vì tin nhắn đầu tiên nhận được là từ người yêu, trên cả Viber và Zalo.
Ai sẽ là người gọi điện cho bạn đầu tiên? Ai sẽ là người tin tưởng bạn nhất khi họ lo lắng Facebook mình bị hack? Ai sẽ là người muốn chia sẻ sự bực dọc trong 50 phút Facebook sập hay đơn giản tự dưng có 50 phút cuộc đời “dư ra" để hàn huyên với một ai đó? Tôi nghĩ mỗi người sẽ có câu trả lời của riêng mình.
Nếu một ngày Facebook biến mất, không ít người hoang mang lo lắng khi không biết phải làm gì. Nhìn cách Facebook chi phối thế giới, tôi thấy một bước chuyển về vai trò của Facebook. Mạng xã hội lớn nhất thế giới này từng như một công viên giải trí - vui thì đến không vui thì đi, chuyển dần thành một ngôi nhà thứ hai của nhiều người, và giờ đây với không ít người trẻ Facebook còn như một ngôi nhà thứ nhất mà chúng ta dành thời gian trên đó đôi khi nhiều hơn trong chính ngôi nhà của mình.
Nhiều người chỉ hiện diện trong ngôi nhà của bản thân như một không gian vật lý, chứ họ thực sự “sống” trên Facebook. Facebook là kênh liên lạc chính, là nguồn cung cấp các loại hình nghệ thuật giải trí, là không gian tinh thần, là thói quen thường nhất, thậm chí là nguồn thông tin “chính thống” khi nhiều người trẻ chọn tiếp cận thông tin từ Facebook thay vì báo chí. Là một người làm báo, đó là một điều đáng buồn nhưng cũng là thực tế phải chấp nhận.
Điện có thể mất nhưng Facebook thì không. Mất Facebook, chúng ta bần thần đi ra đi vào chỉ chờ khi nào Facebook trở lại. Bạn thử kéo newsfeed Facebook sáng nay sẽ thấy hàng loạt bài đăng từ bạn bè, chụp lại màn hình những nỗ lực đăng nhập trong vô vọng.
Nếu một ngày Facebook biến mất, tôi lo lắng và quan ngại về an toàn thông tin của bản thân. Suy nghĩ đầu tiên khi Facebook sập là “Facebook bị hack hay gì?”. Lần gần nhất Facebook sập là năm 2021, nhiều người nghi ngại cũng hợp lý vì khả năng Facebook bị hack khéo còn nhiều hơn khả năng Facebook sập. Mất chứng minh thư nhân dân không sợ, mất passport cũng không quá lo lắng nhưng mất tài khoản Facebook đồng nghĩa với việc mất đi rất nhiều danh tính cá nhân.
Chúng ta không đi ngủ khi Facebook sập
Chuyện gì có thể xảy ra nếu mất Facebook? Vài câu chuyện không hay trong tin nhắn với nhỏ bạn thân có thể bị lộ ra, hình ảnh tươi tắn bạn gửi cho người yêu có thể bị tuồn lên Twitter, những ghi chú cá nhân bạn hay tiện tay tự nhắn cho mình coi như mất tiêu, mẹ bạn bỗng nhiên gọi điện hỏi “sao con đòi chuyển gấp 50 triệu?”, công việc có thể bị đình trệ khi đã rất lâu rồi bạn không có thói quen lưu số đối tác mà chuyển qua add Facebook hay Linkedin…. Trong rất nhiều nỗi niềm bâng quơ khi Facebook đột ngột biến mất là cả những nỗi lo thực tế.
Và nếu một ngày Facebook biến mất, con người vẫn cần kết nối. Facebook sập khiến tôi nhận ra rằng không gian mạng xã hội nói chung sẽ không bao giờ biến mất, chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác với nhiều tính năng mới hơn để thu hút người dùng.
Bạn bè tôi không đi ngủ khi Facebook sập dù lúc đó đã gần nửa đêm ở Việt Nam. Có người chuyển qua Viber nhắn tin với người yêu, số khác lên Linkedin đăng status thông báo về việc Facebook sập, không ít người chuyển qua Zalo đăng ảnh với 4 likes thay vì 400 likes như xưa và Twitter chuyển thành chiến tuyến buôn chuyện mới trong lúc chờ Facebook trở lại.
Chúng ta không đi ngủ khi Facebook sập, chúng ta chỉ đi ngủ khi chắc chắn rằng đã thông báo hết cho mọi người biết rằng Facebook mình bị sập. Bằng không, đó sẽ là một đêm thao thức.
Facebook và mạng xã hội không còn là một phần của cuộc sống, Facebook là cuộc sống với nhiều người. Đó là tin buồn hay tin vui, chúng ta cũng phải chấp nhận.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: cafef.vn
Tham gia bình luận