Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023. Quy hoạch chưa có bản vẽ, thiết kế chi tiết cho từng khu vực. Dưới đây là viễn cảnh phát triển đô thị tương lai của Đà Nẵng đến năm 2050 được ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.
Cụ thể, mục tiêu tổng quát của quy hoạch là đến năm 2030 xây dựng TP trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.
Đặc biệt Đà Nẵng định hướng trở thành trung tâm du lịch quốc tế gắn với trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Đà Nẵng trong tương lai sẽ được xây dựng, phát triển trên cơ sở kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực..
Khu vực ven biển Đông từ Sơn Trà đến Non Nước phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, công viên nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí. Trục đường Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn đến Trần Đại Nghĩa sẽ được ưu tiên phát triển xây dựng các văn phòng, cao ốc cho thuê.
Đối với Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển sẽ hình thành tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại các quận Hải Châu, Thanh Khê. Đặc biệt, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên cả nước tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế thường niên từ năm 2008. Trong nhiều năm qua, lễ hội bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng diễn ra trong thời gian khoảng 2 tháng với nhiều buổi trình diễn đã trở thành điểm nhấn thu hút hàng ngàn khách du lịch đến với Đà Nẵng dịp này.
Trong tương lai, TP Đà Nẵng cũng sẽ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt thường quốc gia đi cùng hành lang, chạy song song đường bộ cao tốc về phía Đông. Quy hoạch tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum kết nối với tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam tại ga Đà Nẵng mới sau năm 2030.
Cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đô thị sinh thái, hiện đại, Đà Nẵng còn nỗ lực để xây dựng đô thị thành phố thông minh. Cụ thể, Đà Nẵng cũng hướng tới quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe hiện đại, thông minh, trong đó ưu tiên trung chuyển hệ thống giao thông công cộng với phương tiện giao thông cá nhân tại các khu vực đầu mối giao thông.
Về phát triển giao thông, Thành phố sẽ xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nâng cấp cao tốc La Sơn - Túy Loan, Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G đoạn qua địa phận Đà Nẵng, đường tránh Nam Hải Vân; xây dựng các nút giao thông khác mức kết nối các tuyến đường quốc gia vào hệ thống giao thông đô thị. Cùng với các tuyến đường bộ, Đà Nẵng cũng ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với khu vực trung tâm.
Trong bản quy hoạch Thủ tướng Chính phủ ký cũng ghi rõ Đà Nẵng "nghiên cứu phát triển thêm một khu vực logistics ở gần cảng Liên Chiểu để đáp ứng nhu cầu cảng biển trong tương lai".
Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu sẽ tập trung ở phía Đông Nam thành phố với các Khu đô thị đại học, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, Khu Liên hợp thể thao.
Thành phố biển năng động này cũng sẽ hướng tới hình thành, đưa vào hoạt động các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Nhơn với phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics nông sản được xác định tại khu vực phía Tây Nam thành phố, dọc theo tuyến Vành đai phía Tây (gồm: Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn).
Trong tương lai, các khu du lịch sinh thái núi cũng sẽ được đầu tư, xây dựng gồm: Quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà - Suối Mơ, Khu vực Hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, Khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng...
Về công nghiệp, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước, phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano v.v.. trở thành ngành công nghiệp chủ đạo.
Tham gia bình luận