'Người chết bầu cho ông Biden' là tin giả

'Người chết bầu cho ông Biden' là tin giả

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn chưa có kết quả cuối cùng sau 3 ngày kể từ lúc thời hạn bỏ phiếu kết thúc. Vào sáng 7/11 (giờ Việt Nam), ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang có nhiều cơ hội hơn để giành chiến thắng.

Cùng lúc đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đăng bài viết trên Twitter kêu gọi điều tra gian lận trong quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu. Những người ủng hộ ông Trump viện dẫn nhiều trường hợp họ cho là khó hiểu, không thể giải thích để cho rằng đảng Dân chủ đã gian lận phiếu.

nghi van gian lan bau cu my anh 1

Nhiều trường hợp bầu qua thư khó hiểu cho ông Joe Biden dẫn đến nghi vấn về gian lận bầu cử. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, những cáo buộc từ phía ông Trump thường là không có bằng chứng, hoặc đã được giải thích. New York Times cho rằng những trường hợp này đều có những nguyên nhân khách quan từ nhân viên ban bầu cử, hệ thống dữ liệu hay đơn giản là trùng tên.

Vì sao có phiếu từ cử tri đã chết gần 40 năm?

Austen Fletcher, một nhà báo tự do có khuynh hướng thiên hữu đã đăng trên Twitter nhiều video kiểm tra dữ liệu bầu cử của bang Michigan, cho thấy có 4 người sinh năm 1900-1902 đã bỏ phiếu vắng mặt ở bang này.

Những phiếu của cử tri đã chết sẽ bị bỏ đi tại Michigan, kể cả khi người đó còn sống khi gửi phiếu đi, và chết trước ngày bầu cử.

Văn phòng bang Michigan trả lời về nghi vấn có phiếu bầu của người chết cho ông Biden.

"Chuyện này đã xảy ra bao lâu rồi", ông Fletcher đặt câu hỏi. Những bài viết của ông được nhiều người dẫn lại, trong đó có chính tổng thống Trump. Bang Michigan cũng là một bang tranh chấp với kết quả kiểm phiếu nghiêng về ông Joe Biden, với 16 phiếu đại cử tri.

Bài viết của ông Fletcher cho thấy một người đàn ông tên William Bradley, sinh năm 1902 và mất năm 1984, đã bỏ phiếu ở hạt Wayne, bang Michigan.

Những nghi ngờ này dẫn tới nhiều hình chế trên mạng, cho rằng đảng Dân chủ thậm chí gian lận phiếu từ những người đã chết. Tuy nhiên, theo giải thích của chính quyền bang Michigan, đây chỉ là sự nhầm lẫn.

nghi van gian lan bau cu my anh 2

Thông tin cho thấy một người sinh năm 1902, mất năm 1984 vẫn được ghi nhận là đã bỏ phiếu tại Michigan. Ảnh: @fleccas.

"Những lá phiếu bầu dưới tên người đã chết bị coi là bất hợp lệ. Trong một số trường hợp, phiếu có thể bị lẫn với một cử tri hợp lệ, vẫn còn sống nhưng trùng tên, dẫn đến hiểu nhầm là cử tri bỏ phiếu đã chết", Jake Rollow, Giám đốc truyền thông văn phòng thư ký bang Michigan nói với Insider.

"Đây là tin sai sự thật. Những phiếu của cử tri đã chết sẽ bị bỏ đi tại Michigan, kể cả khi người đó còn sống khi gửi phiếu đi, và chết trước ngày bầu cử", tài khoản Twitter của chính quyền bang cũng này trả lời bài viết của ông Fletcher.

Theo New York Times, trường hợp này hệ thống có thể đã trả về kết quả nhầm, bởi cử tri hợp lệ gửi phiếu trong đợt bầu cử vừa qua là William T. Bradley, người có tên, họ và địa chỉ trùng khớp với cha mình.

nghi van gian lan bau cu my anh 3

Lá phiếu bầu qua thư tại Mỹ. Ảnh: Insider.

Ông Bradley cho biết đây là lần đầu tiên ông bầu cử qua thư, và trên phiếu bầu không yêu cầu điền ngày sinh của cử tri. Người đàn ông này cho biết mình đã gửi phiếu bầu từ giữa tháng 9.

Trang web của bang Michigan cho thấy có một phiếu bầu đứng tên ông Bradley (đã chết) được gửi vào ngày 19/9, còn phiếu bầu của con trai ông, còn sống, thì không được ghi nhận.

Dịch vụ tìm kiếm RocketReach xác nhận có 2 người trùng tên William Bradley đang sống tại khu Detroit.

Người phụ nữ 120 tuổi đi bầu cử

Một trường hợp khác cũng gây chú ý tại Michigan là người phụ nữ 74 tuổi sống tại Hamlin, Michigan. Theo New York Times, bà này lần đầu tiên yêu cầu được bầu cử qua thư sau nhiều năm, và thông tin bầu cử của bà còn chưa được ghi nhận đủ.

Catherine Lewis, cán bộ bầu cử tại thị trấn này cho biết ngày sinh của người phụ nữ chưa được ghi nhận trên hệ thống. Do vậy, hệ thống tự động chuyển ngày sinh thành ngày mặc định: 1/1/1901.

Bà Lewis xác nhận mình biết người phụ nữ này, và còn tự mình lái xe tới nhà của bà để xác nhận thông tin qua giấy phép lái xe. Tuy nhiên, cán bộ bầu cử này lại chưa cập nhật ngày sinh của cử tri trên hệ thống.

"Tôi đảm bảo bà ấy là một cử tri hợp lệ", bà Lewis nói với New York Times.

nghi van gian lan bau cu my anh 4

Một điểm bỏ phiếu tại bang Michigan. Ảnh: New York Times.

Sau khi thông tin về những lá phiếu lạ được biết đến, bà Lewis cho biết mình đã nhận hàng chục cuộc gọi, email để hỏi về gian lận bầu cử. Người phụ nữ này cho biết mình lo lắng về sự an toàn của gia đình.

Nghiên cứu về gian lận bầu cử của đại học New York xuất bản năm 2007 kết luận rằng có rất ít trường hợp tên người chết được sử dụng để bầu. Báo cáo này cũng cho biết việc nhầm lẫn tên là nguyên nhân thường xuyên nhất.

Một lời nói dối có thể đi vòng quanh Trái Đất trong khi sự thật thì hầu như không được biết đến".

Matt Mackowiak, người đăng ảnh thắc mắc về hơn 138.000 phiếu bầu cho ông Biden.

Phân tích 100 trường hợp phiếu bầu là người đã khuất, báo cáo này ghi nhận phần lớn đến từ lỗi của dữ liệu, uỷ ban bầu cử hay trùng tên.

Tuy nhiên, những nghi vấn về gian lận bầu cử rất khó được minh oan. New York Times nhận định mạng xã hội, phương tiện lan truyền những nghi vấn này, đã tạo ra một "buồng phản âm" để những nghi vấn, thuyết âm mưu phát triển theo cấp số nhân.

"Điều đó cho thấy là một lời nói dối có thể đi vòng quanh Trái Đất trong khi sự thật thì hầu như không được biết đến", Matt Mackowiak, một nhà tư vấn theo đảng Cộng hoà chia sẻ.

nghi van gian lan bau cu my anh 5

Hình ảnh được chia sẻ trên mạng, cho thấy ông Joe Biden có thêm hơn 138.000 phiếu bầu chỉ sau một lần cập nhật. Thông tin này về sau đã được xác nhận là lỗi nhập liệu chứ không phải gian lận. Ảnh: Decision Desk HQ.

Chính ông Mackowiak cũng vô tình thúc đẩy một nghi vấn gian lận bầu cử. Đêm 4/11, ông đăng tải tấm hình cho thấy số phiếu bầu cho ông Biden ở một hạt tại bang Michigan tăng tới hơn 138.000 đơn vị.

Tổng thống Trump sau đó cũng đăng tải bài viết của ông Mackowiak. Tuy nhiên, nguyên nhân sau đó được xác nhận là sai sót trong nhập liệu, và số phiếu chính xác đã được sửa lại.

Mặc dù đã được chính chủ xoá đi, tấm ảnh mà ông Mackowiak đăng tải vẫn được chia sẻ hàng trăm nghìn lần trên các mạng xã hội. Trong khi đó, bài viết đính chính của ông chỉ được chia sẻ khoảng 3.600 lần.

"Tôi thực sự không muốn khiến một lỗi đánh máy trông như gian lận. Nỗi sợ lớn nhất của tôi với cuộc bầu cử này là sẽ có một nửa đất nước coi kết quả là không hợp pháp", ông Mackowiak chia sẻ.

Trong 2 trường hợp còn lại, New York Times cho biết một người cũng bị trùng tên như trường hợp ông Bradley, còn một người thì bị ghi sai ngày sinh, theo xác nhận của uỷ ban bầu cử địa phương.

(Theo Zing)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận