Việt Nam cần 20 tỷ USD mỗi năm để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh

Việt Nam cần 20 tỷ USD mỗi năm để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh

“Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá” là chủ đề của hội thảo do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 31/10 tại Hà Nội.

Tham gia hội thảo có hơn 200 đại diện, khách mời là lãnh đạo, đại diện Ban, Bộ/ngành trung ương, các đại biểu đến từ các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức GIZ, Tổ chức UNIDO, Tổ chức UNDP…

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020. Tiếp theo đó vào tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”. Song hành với Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến chuyển đổi xanh như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII...

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với năng lực chống chịu BĐKH và PTR0, Việt Nam cần huy động được nguồn lực tài chính rất lớn. Theo nghiên cứu của của Ngân hàng Thế giới (2022) cho thấy Việt Nam cần khoản đầu tư tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương 368 tỷ USD cho đến năm 2040. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực của kinh tế xanh.

TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đại biểu Quốc hội Khoá XV, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, bắt đầu từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh.

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Tuy nhiên, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, dự án xanh.

Hội thảo khoa học với chủ đề "Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá" . Ảnh PT

TS.Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra các thuận lợi, thách thức trong việc phát triển thị trường tài chính xanh trong bối cảnh mới tại Việt Nam. Trong đó, một số thuận lợi của Việt Nam trong việc phát triển thị trường tài chính xanh bao gồm: Cam kết và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững; có tiềm năng phát triển về năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ, sản phẩm và dịch vụ xanh - điều này có thể tạo ra các nguồn tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và tạo việc làm mới.

Phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường, yêu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm xanh hơn, an toàn hơn; yêu cầu của các nước phát triển; của bên cho vay, cung ứng sản phẩm tài chính… Do đó, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu với các doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh là câu chuyện kinh doanh buộc phải chuyển đổi, dù muốn hay không khi xã hội hiện nay đòi hỏi phải có chữ “xanh” trong tiêu dùng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, cùng các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận nhằm nhận diện, mổ sẻ và có thêm góc nhìn đa chiều về những vấn đề trọng tâm, then chốt về tài chính xanh như: Thị trường tài chính xanh ở Việt Nam hiện nay đang phát triển ở mức độ như thế nào so với thị trường tài chính xanh khu vực, thế giới, những mô hình, đối chuẩn, thông lệ tốt trên thế nào trên thế giới phù hợp mà Việt Nam có thể học hỏi; Những khó khăn, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn nào về cơ chế, chính sách, pháp luật đối với sự phát triển của thị trường tài chính xanh...

Hiện nay, việc ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với tín dụng xanh, trái phiếu xanh chưa được quy định cụ thể, đồng bộ trong các văn bản pháp luật hiện hành ở Việt Nam. Đánh giá các vấn đề về quy định, tiêu chí môi trường, Danh mục phân loại dự án xanh; việc ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành ở Việt Nam, do đó còn nhiều hạn chế trong việc xác định trình tự, thủ tục, vai trò, trách nhiệm của các bên có liên quan.

Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận